Xã hội - giải trí

Du học sinh – về hay ở?

Đăng bởi: hangnt | 18/12/2015
“Những người đã lớn lên và đi khỏi nơi đây, hầu như là không trở về nữa”.

Đó là lời của chị bán cơm lam, trứng nướng ở ngôi nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ, nói tôi nghe trong những ngày hè ở Tam Đảo. Tôi nghe chị nói mà thấy nao lòng.

Rồi bất chợt tôi ngẫm lại bản thân, nhớ đến những người mình quen và biết. Họ cũng rời ngôi nhà nhỏ của tuổi thơ êm đềm đến bình dị cùng cha và mẹ, bay đi khắp phương trời tìm chỗ trú chân. Nào có mấy ai quay về, hay là chỉ đôi lần thăm nom, rồi ở trọ, và những chú chim đã từng nhỏ lại tiếp tục sống cuộc đời tự do bay đi bốn phương tám hướng.

Những ngày qua, thông tin về những du học sinh Việt Nam ra đi không trở về đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao đất nước không giữ chân được người tài? Thật khó để đưa ra câu trả lời duy nhất đúng.

1-35

Tôi thấy nên nhìn đơn giản lại. Ai trong chúng ta cũng đi khỏi tổ ấm của mình, có khác là chúng ta đi bao xa. Du học tới một đất nước khác về mặt nào đó cũng giống như hàng trăm nghìn sinh viên tỉnh lẻ đổ về thành phố học mỗi năm. Dường như ai ra đi cũng mang theo một khát vọng gì đó bên mình. Và đó là lý do họ đập cánh, họ không ngừng hướng về phía trước, họ bơi ra biển lớn, ra bầu trời rộng.

Những người tới thủ đô, tới thành phố, họ cũng thường không quay trở về sống ở mái nhà cũ họ từng lớn lên. Đất chật, người đông, bầu trời hẹp, không khí bụi bặm, thực phẩm không an toàn, lòng người lạnh nhạt… đủ lý do để phản bác cho việc ở lại thành phố làm việc nhưng họ gạt đi tất cả, bởi hai chữ cơ hội.

Có những môi trường, họ có cơ hội việc làm tốt hơn, cơ hội giáo dục cho con cái tốt hơn, cơ hội quen những người bạn lớn, và trao đổi những điều lớn lao hơn, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn. Tôi cũng sẽ định cư tại Hà Nội chứ chưa hề có ý nghĩ sẽ trở về quê hương. Bởi tôi tin rằng, một nơi không có nhiều cơ hội sẽ làm cuộc sống của tôi trở nên mất đi nhiều ý nghĩa khi không được cống hiến.

Thay vì đi vào bế tắc bởi những thứ quá lớn lao như chính sách trọng dụng nhân tài, chảy máu chất xám, đề xuất điều chỉnh bộ máy hành chính để người tài thực sự muốn về đóng góp… sao không nghĩ đơn giản hơn, rằng cũng đã có bao nhiêu người trẻ xuất chúng đi học ở thành phố trở về quê hương lập nghiệp? Và hãy rộng lượng hơn kể cả với những người muốn về hay ở. Thế giới đã bước vào thời đại của công dân toàn cầu. Những người trẻ năng động, sống để cống hiến luôn muốn xê dịch và chuyển động. Họ muốn đến những vùng đất mới, muốn đến những chân trời mới, làm những điều mới, sống cuộc sống tự do. Du học sinh trở về sẽ cống hiến cho đất nước, du học sinh không về sẽ cống hiến cho nhân loại. Chỉ cần mỗi người đều tiến về phía trước, về hay ở đâu còn là chuyện quá quan trọng để hoang mang.

Đã mấy tháng trôi qua, tôi vẫn bị câu nói của chị bán trứng nướng ám ảnh. Những nơi vốn từng là nhà, và sau này chúng ta gọi nó là quê, đó là một khoảng lặng nấc lên không nhiều người để ý. Một khoảng lặng trống vắng, là cảm giác của tôi đôi khi thấy nao lòng khi trở về nhà, hay là quê, rồi sau đó lên phòng, mẹ vẫn dọn phòng tôi sạch sẽ…

Mẹ chờ tôi về. Những người mẹ chờ những đứa con trở về, để rồi nhìn chúng ra đi.

Hạ Hồng Việt (Theo VnExpress)