Xã hội - giải trí

Nhân tài và toàn cầu hóa

Đăng bởi: editor | 8/8/2014

Toàn cầu hóa đã biến thế giới thành một đồng cỏ rộng lớn, nơi các nước đều phải tận dụng hết nguồn lực cả  trong và ngoài nước để có thể tồn tại và phát triển. Mời độc giả MyTinhvan cùng đọc những chia sẻ về chủ đề này của tác giả trẻ Nguyễn Khắc Giang, một nghiên cứu sinh đồng thời là một cây bút sắc sảo có nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo lớn. 

globilization

Battushig Myanganbayar đang là cậu học sinh 15 tuổi người Mông Cổ, sống ở một khu bình dân vô danh tại thủ đô Ulan Bator, khi cậu hoàn thành khóa học online miễn phí (MOOC) dành cho sinh viên cấp đại học của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trong hơn 150 nghìn người tham gia, chỉ có 340 người có điểm số tuyệt đối, trong đó có Battushig.

MIT sau đó đã nhận cậu vào học, thậm chí còn thuê cậu làm việc để nâng cao hệ thống đào tạo online của mình. Từ xứ du mục xa xôi, Battushig trở thành ngôi sao của học viện hàng đầu thế giới và người Mỹ có thêm một nhân tài.

Câu chuyện của Battushig cho thấy một điều: toàn cầu hóa khiến cho việc phát hiện người tài trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Truyền thông đảm bảo cho mọi sáng tạo thú vị được biết đến và Internet giúp mỗi người tự quảng bá mình ra toàn thế giới.

Điều này tất nhiên, sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh giành lấy người tài diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Sẽ không có chuyện những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay Chu Văn An phải lên núi ở ẩn vì không được tin dùng, bởi không thiếu nơi trải thảm đỏ đón chào họ.

Hai ví dụ gần gũi với chúng ta là câu chuyện gần đây về chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân, hậu duệ của cụ Phan Bội Châu và chiếc lò phát điện bằng đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên, một nông dân ở Thái Bình.

Tàu ngầm của ông Trân phải bán sang Malaysia vì không được quan tâm trong nước, trong khi lò phát điện của ông Kiên bị buộc tháo gỡ vì lý do ‘không an toàn’. Một doanh nhân Nhật Bản, ông Nukihiko Nakayama, sau đó đã đề nghị mua lại công nghệ này và mời ông Kiên sang Nhật để tự do chế tạo.

Không biết ông Nakayama có thật lòng hay không khi nói ngay cả những nước phát triển cũng không chế tạo được công nghệ đốt rác ra điện của ông Kiên. Nhưng việc sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ cho thấy nó có giá trị thực sự.

Như Battushig, toàn cầu hóa mang lại cơ hội cho ông Trân và ông Kiên khi có lẽ tài năng của họ không được trân trọng trên xứ sở của mình. Nhưng với nước ‘xuất khẩu nhân tài’, đó là một điều đáng tiếc khi không sử dụng được chất xám của họ để phát triển đất nước.

Ra nước ngoài, tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều sinh viên Việt Nam đi du học. Họ đều là những người rất tài năng, được học tập ở những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Khi tôi hỏi có mong muốn về Việt Nam làm việc không, thì nhiều người chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng khi không có lựa chọn nào khác.

Mùa hè này, chúng ta vẫn đều đặn đếm huy chương vàng Olympic các kỳ thi quốc tế, thành tích rất đáng tự hào. Nhưng trong số các gương mặt vàng đó, liệu sau này có bao nhiêu em sẽ làm việc và thành công ở Việt Nam?

Nếu nhìn vào các thế hệ đi trước, con số đó có lẽ là không nhiều. Sự nghiệp khoa học thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu, người hai lần đạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế, gắn liền với nước Pháp và nước Mỹ hơn là nơi phát hiện ra tài năng của ông.

Trong Thế giới phẳng, tác giả Thomas Friedman đã trích dẫn ở lời đề tựa một câu ngạn ngữ châu Phi, đại ý dù là sư tử hay linh dương, mỗi sáng thức dậy bạn đều phải chạy đua để tồn tại. Toàn cầu hóa đã biến thế giới thành một đồng cỏ rộng lớn, nơi các nước đều phải tận dụng hết nguồn lực của mình để phát triển.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chúng ta để nguyên khí của mình ở đâu trong cuộc đua đó?

Nguyễn Khắc Giang