Hành Trình 1/4 thế kỷ

Những con người kỳ lạ

Đăng bởi: editor | 6/12/2019

“Tự bao giờ những con người kỳ lạ này đã trở nên rất đỗi thân quen trong cuộc sống của cô.”

Trong trường quay S9 của Đài Truyền hình Việt Nam, cô mặc chiếc váy dạ đính cườm màu lông chuột, hau háu hóng lên sân khấu trao giải cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam. Một nhóm bạn của cô lọt vào chung kết nên cô được tặng vé đi xem công bố kết quả. Sắp đến giờ bắt đầu, mọi người lục tục kéo vào chỗ ngồi. Cô phải đứng lên nhường đường cho mấy người ngồi giữa hàng ghế nhưng đến sau. Một ông anh đeo kính, một bà chị son đỏ tóc xoăn lách người đi qua. Cô nhận ra bà chị quen quen đi cuối cùng, hình như tên là Hương, trong trường gặp ở Tiểu ban văn nghệ vài lần nhưng sau cũng mất hút. Mau mồm chào hỏi tươi cười, bà chị cũng có vẻ nhận ra cô đáp lại vồn vã. Chị niềm nở giới thiệu cô làm quen với ông anh đeo kính và bà chị son đỏ tóc xoăn. Đáp lại tiếng chào của cô là cái gật đầu xã giao và nụ cười mỉm. Ồ, cặp này là vợ chồng! Cả buổi cô liếc sang nhòm họ vài lần, thấy ông anh đeo kính theo dõi khá chăm chú, thỉnh thoảng đôi môi mỏng lại mím nhẹ, còn bà chị son đỏ đôi lần quay sang nói khẽ cái gì đó rồi lại tập trung vào sân khấu. Cái cách họ theo dõi một chương trình trao giải về CNTT khiến cô tưởng như họ đang ngồi trong nhà hát lớn mà nghe nhạc giao hưởng vậy. Cặp này thật là sang lạ!

Quay lại với bà chị quen, suốt cả chương trình chị cứ bật băng liên tục. Nào là chị làm ở Tinh Vân, chị mới đi Úc học về CMM (Capability Maturity Model), em bao giờ tốt nghiệp, thích làm gì, công việc của chị là…, nếu em quan tâm thì… và chị chìa card liên lạc. Kết thúc chương trình, nhóm bạn của cô ra về không có giải, nhưng cô không biết rằng mình đã nắm trong tay chiếc chìa khóa để bắt đầu một công việc mới mà cô sẽ theo đuổi tiếp 10 năm sau đó.

DSC_0652

Chị Lê Phan Việt Hà (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp

Ngày đầu đến văn phòng ở Kim Mã thực tập theo lời dụ khị của bà chị, cô được giới thiệu rất nhiều về CMM và giao cho một đống tài liệu về dịch mà theo tham vọng của bà chị kia thì dịch xong thậm chí có thể đem bán. Trong lúc ngồi nghe bà chị Hương thuyết giảng thì cô thấy một ông anh đang tất tả đi từ trên tầng xuống nói chuyện với cô lễ tân xinh đẹp tên Nhung. Uầy, anh này có cái bụng hơi bự, mặc gile, hơi có chút xà lụa, người thơm mùi nước hoa và đầu thì bổ luống trông có vẻ rất nghệ sĩ. “Anh Minh ơi, giới thiệu với anh, em Hà thực tập của em. Còn đây là anh Pê Quy Minh kinh doanh rất chiến của Tinh Vân”. Ông anh nở nụ cười tươi hồn hậu chào lại rồi vút đi. Ấy chà tên gì nghe quái gở thế nhỉ, kinh doanh gì mà trông như là dân nhẩy đầm, đến lạ.

Không đầy hai tuần gọi là thực tập mà thực chất chỉ là dịch tài liệu, cô tốt nghiệp. Và cũng không đầy một tuần sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu ngày làm việc đầu tiên ở Tinh Vân: 1/6/2004 – Địa điểm tầng 4, Viện Vật lý, số 10 Đào Tấn. Được đi giới thiệu một vòng: nhóm TVis đứng lên chào cô là anh Thọ và anh Việt sơ mi carô đỏ, mấy anh này tươi tắn chuyện trò có vẻ rất tưng tưng. Nhóm Union, anh Lộc ngước cười một cái rồi lại cạch cạch, mấy anh khác trong nhóm có tia nhìn toát lên mùi cục bộ. Nhóm E-learning có anh Vũ Anh Minh – đặc điểm nhận dạng là không hiểu sao anh này già rồi mà còn code. Nhóm Libol trông hiền hiền lành lành giống mấy anh thủ thư, lại có một chị xinh xinh rõ ràng là mùa hè không hiểu sao mặc áo rét và đội mũ len dưới điều hòa.

Cô được sắp xếp ngồi cùng khoang với hai anh trưởng và phó ban công nghệ. Một anh béo có chất giọng rất hợp tai và một anh trẻ, đẹp trai có nụ cười cuốn hút. Ấy mà trớ trêu là không hiểu sao hai anh này lại ngồi úp mặt vào tường, nên cái cô nhìn thấy nhiều nhất lại là mấy cái lưng. Đi làm cả tháng chả thấy ai bảo ký hợp đồng gì, tự nhiên một hôm có anh ria con kiến xuất hiện ghé vào tai bảo: “Em Hà đây à, anh bảo này (ghé sát tai hơn nữa), em đừng ký hợp đồng vội nhé, anh đang thay đổi chính sách một chút”. Nói xong lập tức biến hình sau cánh cửa. Sau này cô biết hợp đồng ký chậm lại vì chính sách mới điều chỉnh có lợi hơn cho cô. Giám đốc nhân sự đầu tiên của cô như thế đấy!

QA (Quality Assurance)lúc sơ khai hồi 2004 đúng là như lạc vào “xứ sở thần tiên”. Dưới sự khởi xướng của chị Hương béo, phòng QA lúc đó có anh Hưng khỉ, HằngPTM, NgaHT và cô, việc gì cũng đến tay. Từ xây dựng kế hoạch dự án, khảo sát khách hàng, test, viết tài liệu đặc tả, báo cáo tiến độ, tracking công việc, báo cáo kết thúc dự án…; đến việc tổ chức họp định kỳ, họp nghiệm thu nội bộ, nghiệm thu với khách hàng, kiêm luôn cả quản lý cấu hình. Có lần cô với anh Tuấn Lương và ViệtDT sang loe ngoe khảo sát ở Kho bạc, sau một hồi nghe khách hàng trình bày, thấy mình cái gì cũng biết sơ sơ mà chả biết sâu cái gì, bị mắng khéo cho một trận, rồi lục tục anh em kéo nhau ra về. Lý giải cho việc này thì thời “đồ đá” đó PM (Project Manager) của dự án là nhân viên kinh doanh, mà mấy anh này thì chỉ chăm lo quan hệ khách hàng, còn quan hệ nội bộ thì phó thác cho đám gọi là PL (Projcect Leader) và QA, thế nên có kiểu QA vừa đá bóng vừa thổi còi. Đúng kiểu là cha là mẹ, nhưng chả là cái gì!

Thế rồi cũng đến lúc phòng có quy hoạch đàng hoàng vào 2005, chia thành nhóm PQA (Process Quality Assurance), nhóm SQA (Software Quality Assurance) và nhóm test. Ai làm phận sự người ấy. Giờ thì PM là người của ban công nghệ, sang hẳn lên rồi nhé! Kinh doanh được gọi là PC (Project Controller), mỗi dự án sẽ được gán PQA, SQA và tester độc lập. Hường Nờ, Hường Pê, Cò lò (PhươngCL, hiện là Trưởng phòng Hành chính Nhân sự), 3 te (PhươngTTT), Vân vâu, Hương teo lờ, Chiêm… là những cái tên không thể không nhắc đến. Mỗi người một vẻ, một màu sắc, một cá tính, không chỉ cùng nhau xây dựng nên thương hiệu QA rất riêng mà còn đóng góp đắc lực trong hệ thống quản lý của Tinh Vân. Nào thì các tool PC, VSS, MS Project, Mind Manager, WAPT, Jira… nào RUP, nào CMM đều lần lượt được nghiên cứu tìm hiểu và đưa vào áp dụng. Đội quân QA của chị Hương béo quả là sức mạnh vô song, cứ như thể cần gì QA có vậy. Vì thế thậm chí có những lúc tự nhiên thấy anh em đi ngang tạt qua chỉ để hỏi “em ơi phòng em có búa không?”.

2008, Tinh Vân chia thành các trung tâm kinh doanh độc lập, tester và SQA cũng được đưa về sát sườn với dự án. Phòng QA đảm nhiệm vai trò xây dựng, giám sát và cải tiến hệ thống. Mục tiêu theo đuổi mới ngoài ISO 9000 còn có ISO 27000 và CMMi. Sau những tháng ngày vật vã, đến 2010 Tinh Vân chính thức có được trọn bộ ba chứng chỉ này. Được lãnh đạo tin tưởng và giao phó, phòng dần dần được nhận thêm các trách nhiệm mới: thực hiện hoạt động đánh giá thỏa mãn khách hàng tại các đơn vị, thực hiện cải tiến liên tục hệ thống với việc đánh giá nội bộ đổi mới hàng năm, hỗ trợ các hoạt động về lập và giám sát thực hiện kế hoạch kinh doanh  cùng với các hoạt động chiến lược khác. Từ những QA đời đầu đến thời của “Phi đội đùi gà” hồi làm ISO 27000 và CMMi hay đến những QA vẫn đang tiếp tục hăng say với công việc hôm nay, mỗi người đến và đi đều có những lẽ riêng nhưng chắc chắn ai đã ở đều yêu quý, ai đã đi đều sẽ rất đỗi tự hào vì mình từng là một thành viên và trưởng thành ở cái nôi QA – Tinh Vân.

Câu chuyện của 10 năm có lẽ là quá nhiều và vô vàn cảm xúc để có thể viết hết chỉ trong vài dòng. Giờ thì chị Hương, cầu nối của cô với Tinh Vân, đã có những bước đi mới. Hai anh trưởng và phó ban công nghệ ngày nào giờ một người là sếp trực tiếp của cô, người kia cô vô cùng kính trọng và yêu quý, có những lúc cô từng ganh tị với những ai được làm việc cùng anh. Anh đeo kính giờ cô được gặp định kỳ vào sáng thứ Hai, chiều chiều vẫn “đi dạo” quanh công ty hỏi han các đơn vị. Anh ria con kiến giờ vẫn còn dính líu với QA trong một dự án tận Lào, và anh bụng bự thơm mùi nước hoa yêu văn nghệ cô còn nợ một tiết mục song ca.

Tự bao giờ những con người kỳ lạ này đã trở nên rất đỗi thân quen trong cuộc sống của cô.

20 năm Tinh Vân, 10 năm Hà béo. Trân trọng lắm các Anh, các Chị (còn nhiều nhiều gương mặt mà cô không thể viết hết ở đây), những đồng nghiệp, những người bạn, những người em, đã yêu thương và cùng Hà Béo trải qua những năm tháng tươi đẹp và ngập tràn cảm xúc!

Lê Phan Việt Hà – TVH