Xã hội - giải trí

Thái độ với bầu cử

Đăng bởi: hangnt | 18/4/2016
Tôi là một người khuyết tật, đôi lúc cũng chịu những sự phân biệt đối xử. Và đã thành phản xạ, cứ mỗi sự kiện gì của đất nước, tôi lại để ý xem những người cùng cảnh ngộ với mình đang tham gia vào sự kiện ấy như thế nào. Ví dụ, là ngày bầu cử sắp tới.

Tôi gặp Thạch. Cậu là một người khuyết tật sống tại Tây Nguyên, công việc thường nhật của Thạch là vào mỗi tối cùng người bạn diễn của mình là H “xe lăn” đi hát rong. Thạch năm nay đã 37 tuổi, cư ngụ ở làng Đak Kia – Kon Tum từ tấm bé, dĩ nhiên là có sổ hộ khẩu, nhưng chưa một lần Thạch được nhận tấm thẻ cử tri để đi bầu.

Hỏi Thạch có muốn đi bầu cử không? Thạch trả lời ngay: “Có chứ! Để thấy mình bình đẳng như mọi người…”. Vậy sao không đòi hỏi quyền của mình? “Có ai nói, có ai giải thích cho mấy thằng què như em đâu mà em biết mình có quyền đi bầu cử?” – Thạch trả lời tôi.

Còn H “xe lăn” thì kể: Năm đầu tiên được đi bầu, háo hức lắm. Mình đi xe lăn loay hoay mãi mới vào được, hồi xưa có được đi học đâu mà biết chữ nên hỏi thành viên tổ bầu cử, họ nhìn mình như nhìn “người ngoài hành tinh”. Đến khi bỏ phiếu thì hòm phiếu lại được kê thật cao cho trang trọng, với mãi cũng chả tới. Thế là từ bận sau toàn nhờ mẹ cầm thẻ cử tri lên cho ban bầu cử gạch giùm, đỡ mất công.

Chuyện nghe xong, tôi cứ nghĩ, chắc mấy anh chị khuyết tật ở miền núi mới vậy, có lẽ cử tri là người khuyết tật ở dưới xuôi thì khác chăng? Bèn tìm gặp anh Quý là một người khiếm thị sống ngay tại trung tâm thủ đô. Anh Quý thuộc diện “gia đình có điều kiện” lại được quan tâm, nên dù khiếm thị từ nhỏ anh vẫn được học hành đầy đủ. Anh Quý háo hức kể: Mỗi một kỳ bầu cử với tao lại là một kỷ niệm khó quên. Năm 18 tuổi được cầm tấm thẻ đi bầu lần đầu tiên, vừa dò dẫm đến điểm bầu cử đã được ngay một cô thành viên tổ bầu cử nhiệt tình ra dẫn vào trong, vừa dắt vừa khuyên “sao không nhờ người nhà đi bầu hộ cho đỡ vất vả”. Tự dưng thấy chưng hửng.

Nhiều năm sau, nghe nói đại biểu được bầu ở quận anh là một ông có nhiều việc làm tốt cho dân lắm, ngày họp tiếp xúc cử tri, háo hức muốn đến gặp gỡ hỏi vài câu mà họp trên tận tầng 2, mù lòa, chân cẳng không leo được, đành chịu. Năm ấy, khi đi bầu, lại một cô thấy anh loay hoay mãi nơi bàn viết phiếu đến bên ân cần “Anh có cần em gạch giúp không?”. Không lẽ không nhờ, mà lòng thì cứ canh cánh không hiểu cả mình và cô ấy có phạm luật không.

Khuyettatbo_phieu

Đã hơn một lần anh Quý phải nhờ người gạch hộ phiếu bầu. Và có biết bao nhiêu người trong số 1,2 triệu cử tri khiếm thị ở nước ta buộc phải bỏ những lá phiếu không phải do mình gạch, cũng không biết có được gạch đúng hay không.

Tất nhiên là vi phạm luật, bởi Điều 60 của Luật bầu cử quy định khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem. Nhưng người mù như anh thì kiểm soát việc ấy thế nào? 1,2 triệu cử tri có khả năng bỏ những lá phiếu không hợp lệ, và chưa từng có ai nghĩ đến việc giải quyết vấn đề đó.

Lại một kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp đến, tôi cứ ám ảnh mãi bởi những câu chuyện của Thạch, của H “xe lăn” và của anh Quý. Thái độ với những người khuyết tật, hay là các nhóm yếu thế nói chung, dường như cũng phản ánh thái độ chung của cả xã hội với quyền quan trọng nhất của công dân, là quyền bầu cử.

Thái độ này, căn cứ vào tỷ lệ đi bầu cử được công bố, nơi nơi lên đến 98-99%, người dân “hồ hởi, phấn khởi” (Lời Uỷ ban bầu cử Hà Nội cách đây 5 năm), thì hẳn phải rất tốt. Nhưng trên thực tế, trong số đó có bao nhiêu lá phiếu “gạch hộ” và bao nhiêu người được hỗ trợ để tự thực hiện quyền, tôi không biết.

Những người khuyết tật thì bị khiếm khuyết chức năng vận động. Nhưng cũng có rất nhiều người, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, cũng vẫn đang còn những khiếm khuyết về nhận thức. Họ chưa hiểu quyền của mình, hoặc là hiểu nhưng chưa biết cách thực hiện. Và nếu cứ mang thái độ “không làm được thì để người khác làm” mà người ta đã áp lên cậu H “xe lăn” và anh Quý, thì cái hòm phiếu bầu cử mãi ở trên cao, lá phiếu bầu cứ mãi vô hình, cho dù là ngồi xe lăn hay không, nhiều cử tri cũng không thể với tới.

Là một người khuyết tật, tôi cứ mơ tưởng đến những hòm phiếu dành cho người đi xe lăn; nghĩ đến những thành viên tổ bầu cử được tập huấn cách thức hỗ trợ người khuyết tật; và rộng hơn, là những phương thức tuyên truyền, hỗ trợ mạnh hơn nữa để toàn bộ cử tri thực hiện quyền của mình một cách công minh chứ không phải “gạch hộ”.

Nhưng đấy chỉ là mơ tưởng riêng. Chừng nào mà tỷ lệ người đi bầu được báo cáo vẫn đạt gần 100%, thái độ vẫn được phản ánh là “hồ hởi”, thì có lẽ chẳng có gì cần thay đổi.

Trần Quốc Nam (Theo VnExpress)