Xã hội - giải trí

Thi cử – ‘chiến sự’ của người lớn

Đăng bởi: hangnt | 28/8/2015
Con gái lớn tôi năm nay thi tốt nghiệp. Số phận đẩy cháu và gia đình trở thành một trong số gần một triệu thí sinh đầu tiên bước vào cuộc cải cách toàn diện của Bộ Giáo dục, vào đợt xét tuyển đại học mà 10 ngày qua dư luận xã hội náo loạn.

Học lực cháu trung bình khá nên khi có kết quả cháu đạt 29,75 điểm (Ngoại ngữ nhân đôi), cao hơn so với kỳ vọng, cả gia đình thở phào nhẹ nhõm. Ước mơ vào báo chí, đúng như nguyện vọng ban đầu hoàn toàn hiện hữu. Thế nhưng bi kịch bắt đầu từ chính việc cháu đạt điểm cao hơn kỳ vọng. Thay vì đăng ký học báo chí đúng như sở nguyện của con bé, gia đình tôi lại lên mục tiêu cho cháu nộp hồ sơ vào ba trường thuộc top đầu trong cả nước. Lúc đó, điểm xét tuyển dự kiến ban đầu của 3 trường này chỉ ở ngưỡng 24,25 điểm. Cả nhà phân công “canh” điểm chuẩn ba trường: người theo dõi lượng hồ sơ nộp vào, người lăn lộn vào các diễn đàn của các trường trên mạng xã hội…

Tôi từng chơi chứng khoán ở thời kỳ điên loạn nhất, thời mà nhà nhà chơi chứng khoán, người người buôn chứng khoán. Lúc được thì cả nhà ôm nhau cười như ma làm, ăn uống mua sắm như bắt được tiền, lúc thua thì ủ rũ như nhà có đám. Nhưng có lẽ, tất cả những cảm xúc đó không là gì so với 10 ngày vừa qua. Cảm xúc cứ hun hút chìm sâu trước mỗi sáng thức dậy. Hai mươi ngày đêm thắc thỏm với bảng điểm thi đại học được công bố dự kiến mỗi ngày. Điểm xét tuyển của 3 trường thuộc top đầu mà gia đình tôi nuôi ước vọng cho cháu đăng ký cứ tăng theo từng ngày, rồi từng giờ. Sẽ không gì thất vọng bằng việc kỳ vọng quá lớn của mình hằng ngày càng bị đẩy xa khỏi bảng xếp hạng. Gia đình không ai nói với ai câu nào ngoài những câu hỏi cộc lốc về số điểm chuẩn, tối về cả gia đình mỗi người một máy tính nhìn trân trân vào màn hình rồi cộng trừ như những kẻ tự kỷ.

Cách hai ngày nữa là đến thời điểm chốt hồ sơ. Sống trong những ngày “gia đình như chiến sự” con gái tôi quyết định: không theo sắp xếp của bố mẹ và cũng không ngồi chờ đến kết quả cuối cùng của 3 trường top đầu. Nó quyết không chơi canh bạc may rủi của người lớn và tự quyết định đi theo đúng nghành nghề mà nó yêu thích và mơ ước: Học viện báo chí và tuyên truyền.

Cả gia đình như được trút bỏ gánh nặng, đồng ý ngay với quyết định của con gái. Cháu đi nộp hồ sơ nhanh chóng và nhẹ nhàng. Nhìn con bé rạng rỡ với niềm ước mơ sắp thành hiện thực, tôi hiểu ra, 10 ngày qua, khoảng thời gian mà cả gia đình như thùng thuốc súng chính là bởi chúng tôi đã nhiễm thói quen ganh đua, áp đặt lựa chọn của người lớn mà bỏ qua chính sở nguyện của con bé.

nop-ho-so-1536

Quay lại với một kỳ thi chung và phương pháp xét tuyển đại học lần đầu tiên được áp dụng. Là người làm báo và cũng là người trong cuộc, với khối lượng thông tin đa chiều tôi được tiếp nhận, phải khách quan nói rằng, đó là một sự đổi mới mang tính tích cực của Bộ Giáo dục. Thi đại học là một cuộc chơi lớn của gần một triệu thí sinh, đi kèm với đó là kỳ vọng, lo lắng của cả triệu gia đình. Thế nên, nếu đứng ở góc độ vĩ mô, có số liệu và thời gian để nhìn nhận kỳ thi gộp hai trong một và tuỳ chọn nộp hồ sơ này, hàng trăm trường hợp, thậm chí cả ngàn thân phận vất vả vài hôm vừa qua cũng không thể đại diện được cho việc nói chính sách mới thay đổi này thành công hay thất bại. Dĩ nhiên, không khó để nhận ra những thiếu sót của Bộ Giáo dục trong lần đầu áp dụng đổi mới này, nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là vấn đề kỹ thuật, 43 nghìn lượt thí sinh rút nộp hồ sơ tương đương với 9% của 530 nghìn thí sinh trên toàn quốc, 30 trên 500 trường đại học gặp phải tình trạng quá tải là con số có thể chấp nhận được đối với kỳ thi lần này.

Bi kịch tôi thấy trên các phương tiện truyền thông những ngày qua hầu hết xuất phát từ thí sinh và gia đình, khi mà sự tiếp nhận thông tin hướng dẫn không đầy đủ, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, cộng với tâm lý đánh giá quá cao sức học và điểm số của con em mình dẫn đến nộp hồ sơ vào các trường không phù hợp. Đến lúc nhận ra thì đã muộn và gây nên thảm cảnh rút – nộp.

Kỳ thi năm nay đã khép lại, trên các diễn đàn, các em tân sinh viên bắt đầu rôm rả hỏi nhau những câu chuyện về tương lai học đường. Vẫn có những tiếng khóc vì thất bại. Nhưng, có cuộc thi nào mà chỉ toàn những người chiến thắng.

Hùng Sơn