Chọn sách cho con
Ở nhà mình, chị hạn chế truyện tranh, và mỗi cuốn sách của con chị đều phải đọc trước, thấy nội dung tốt, chữ nghĩa đàng hoàng mới cho con đọc. Khi mọi người hỏi tôi định hướng như thế nào trong việc chọn sách cho con, tôi trả lời: “Cũng giống như cuộc đời, tôi không nghĩ ‘cách ly’ là một phương pháp tốt, mà ngược lại, ‘tăng sức đề kháng’ hay ‘tiêm ngừa’ là cách mà tôi lựa chọn.”
Đã có rất nhiều cảnh báo rằng những cuốn sách nhảm nhí có thể làm “ô nhiễm” tâm hồn con trẻ. Nhưng, trong thế giới sách, có câu chuyện hay, có câu chuyện dở, những thông tin sai và đúng có thể trộn lẫn nhau trong cùng một tác phẩm… Có những cuốn sách hấp dẫn người này, chán ngắt với người kia. Có cuốn sách khiến ai đó lạc lối, nhưng chính cuốn sách đó, cũng có thể khiến một người khác trở nên vĩ đại. Có khi việc chọn lầm một cuốn sách cũng sẽ cho ta kinh nghiệm nào đó trong cuộc đời.
Vấn đề là, làm thế nào để con trẻ đọc một cuốn sách và biết nhận xét về cuốn sách đó một cách có ý thức: Sách được biên tập cẩu thả? Câu chuyện nhàm chán? Hình ảnh xấu? Văn phong dở? Kiến thức sai?
Tôi tin rằng trẻ con cần được tôn trọng như một cá thể độc lập. Một đứa trẻ thể hiện nhu cầu và cá tính của mình sớm hơn chúng ta nghĩ. Ngay khi biết nói, con tôi đã biết từ chối một cuốn sách không đủ thu hút, và muốn có một cuốn sách khác. Chúng muốn tự chọn sách cho riêng mình. Cuốn sách làm chúng thích thú và khao khát được đọc.
Cả hai vợ chồng tôi đều có sách xuất bản, nhưng thực tế là chúng tôi không thuyết phục được cậu con trai 10 tuổi của mình đọc chúng. “Sách của ba mẹ nhiều chữ quá, nên lớn lên con sẽ đọc” – con tôi nói. Cuối cùng, tôi bỏ cuộc khi nhận ra rằng, đối với con trẻ, thích thú là điều quan trọng nhất. Yếu tố lớn nhất để duy trì việc đọc, trước tiên và trên hết, là nó phải thực sự mang lại cảm giác thích thú. Hiện nay con tôi chỉ thích đọc “Shin – cậu bé bút chì” và “Nhật ký chú bé nhút nhát”. Ngắn gọn, hài hước, có hình ảnh minh họa – đó là lý do.
Quả thật, nếu quá kỹ càng trong việc kiểm duyệt sách của con, có thể, chúng ta đã vô tình “lọc bớt” không ít niềm vui thú của trẻ, và vì thế ngăn cản chúng tìm thấy tình yêu thật sự với sách. Đó là lý do tôi không muốn tự tay chọn sách cho con. Nhưng nếu cứ để mặc con bơi tự do trong biển sách mênh mông, có thể chúng ta sẽ để lạc mất con. Phải làm thế nào để theo sát con trong hành trình trưởng thành cùng sách? Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, cách tốt nhất là giúp con xây dựng thói quen chọn sách một cách có ý thức ngay từ nhỏ, đồng thời sẵn sàng lắng nghe những ý kiến, phản biện của chúng về sách.
Rõ ràng là những cuốn sách mà con cái chúng ta thích đọc, không chỉ là cơ hội cho chúng khám phá thế giới, mà còn là cơ hội cho các bậc cha mẹ trong việc khám phá thế giới tâm hồn của con mình. Qua những cuốn sách hay bộ truyện tranh mà con tôi yêu thích, tôi dường như phát hiện ra những điều mà có thể vô tình hay cố ý, chúng không bộc lộ trong cuộc sống thường ngày: những ước mơ, mối quan tâm, sở thích, một cá tính bất ngờ và cả những suy nghĩ thầm kín của chúng.
Thế nên thay vì cấm đoán, hay cố kiểm duyệt hết những cuốn sách của con, tôi chỉ nói rằng “Hãy nói mẹ nghe vì sao con chọn cuốn sách này, vì sao con muốn đọc nó? Con thích nhân vật nào trong câu chuyện đó? Con nghĩ gì về chuyện này?” và luôn sẵn sàng để lắng nghe.
Rốt cuộc, mỗi ngày chúng ta sống, mỗi việc chúng ta làm, mỗi cuốn sách chúng ta đọc, đều phải là một chọn lựa có ý thức, một cách chủ động và có trách nhiệm. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi muốn gieo vào tâm trí con mình – bắt đầu từ việc chọn sách.
Đặng Nguyễn Đông Vy