Xã hội - giải trí

Khắc đau thương lên mạn thuyền

Đăng bởi: editor | 17/3/2015
Tôi vừa có duyên may được nghe băng giảng về Kinh Bách Dụ của thầy Thích Pháp Hoà. Kinh Bách Dụ có 98 ví dụ được Đức Phật kể để dạy về giáo lý và giáo pháp. Mỗi ví dụ cũng là một câu truyện súc tích, dễ hiểu, ẩn chứa nhiều triết lý đạo đức đem đến an lạc cho cuộc sống.
chieu buon
Trong 98 câu truyện, tôi suy nghĩ nhiều hơn cả về câu truyện “Ghi dấu trên thuyền để tìm đồ rơi xuống bể”. Truyện kể rằng có một ông nhà giàu nọ một hôm đi thuyền sang sông vô tình làm rơi chiếc nhẫn xuống sông. Lúc đó đang giữa sông, ông bối rối không biết cách nào lấy lại chiếc nhẫn liền vạch một dấu lên trên thuyền để sau căn cứ vào dấu đó mà tìm lại nhẫn. Đến lúc thuyền về đến bờ, ông theo dấu trên thuyền để tìm nhẫn mà không thấy. Mọi người biết chuyện liền cười chê ông ngốc nghếch.

Trong cuộc sống của chúng ta, chẳng phải nhiều người cũng như vậy sao? Tôi nghĩ thế này: Dòng sông là tượng trưng cho cuộc đời của chúng ta thuận theo “dòng nước” thời gian mà tiến đến phía trước. Con thuyền là tượng trưng cho tâm thức ta. Dấu khắc trên mạn thuyền là những đau thương mà ta vẫn giữ mãi trong kiếp người ngắn ngủi. Còn chiếc nhẫn là tượng trưng cho những ao ước mà ta hằng hướng đến, đạt được.

“Dòng sông” cuộc đời mỗi người mỗi khác. Có người dài 80 năm, có người 60 năm, có người còn ít hơn. Nhưng, tựu chung lại thì cuộc đời này thật ngắn ngủi, chỉ như một chấm nhỏ trên tiến trình sinh tử luân hồi. Giữ mãi đau thương, ghi khắc đau thương lên mạn thuyền vì vậy là một hành động không trí tuệ. Ông nhà giàu nọ không tìm thấy chiếc nhẫn cũng là vì vậy. Nhẫn rơi ở đâu thì phải tìm ở đó chứ. Trong khi, con thuyền vẫn tiến về bờ mà ông cứ bám víu vào dấu khắc trên thuyền để tìm nhẫn thì không thể tìm được.

Khắc đau thương lên mạn thuyền còn dễ dẫn đến tâm lý hối tiếc, hoài niệm, đau buồn trong ta. Có những đau thương đã chìm sâu trong quá khứ, đã qua rồi mà vì vẫn còn ghi dấu, ta đã nhiều lần làm cho những đau thương đó thêm trỗi dậy, thêm hằn sâu và làm ta thêm đau khổ. Tâm lý này dễ làm ta mất đi hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Trong khi đó, “con thuyền” cuộc đời vẫn tiến trôi về bờ. Ta liệu sẽ còn được bao nhiêu thời gian để đau buồn?

“Thở vào biết thở vào
Thở ra biết thở ra
Hơi thở vào đã sâu
Hơi thở ra đã chậm
Thở vào tôi thấy khỏe
Thở ra tôi thấy nhẹ
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời”

An trú hiện tại – Giây phút tuyệt vời.
Đỗ An

Tags: