Xã hội - giải trí

Đổ lỗi cho quy trình

Đăng bởi: hangnt | 18/7/2016

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, là dân đô thị. Nhưng bố tôi người gốc miền núi. Nên trong giấy khai sinh, tôi vẫn là dân tộc Tày, theo cha.

Ở nơi tôi sống hẳn nhiên có rất ít người dân tộc thiểu số. Chứng minh thư của tôi vì thế thường xuyên sai: lần nào cũng lù lù một chữ “Kinh” trong phần “Dân tộc” như một thói quen của người đánh máy. Và lần nào, đi làm mới chứng minh thư cũng mất đến hai lần: một lần làm, một lần đổi.

Một trong những lần như thế, tôi mới biết chứng minh thư có thể cấp mới nhanh tới mức độ nào. 10 phút – tính từ lúc tôi phát hiện bị sai phần “Dân tộc”, cho đến lúc tôi nhìn thấy cái chứng minh thư mới. Tất nhiên không chỉ nhờ lời nói suông, tôi cũng có “động tác mềm” vì cần gấp cho một chuyến công tác quan trọng. Nhưng mà 10 phút thì quả thật rất đáng kinh ngạc. Ở đâu đó, với các “động tác mềm”, bạn có thể làm được giấy tờ hành chính trong ngày, hoặc nửa ngày, chứ tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi một quy trình vốn được quy định kéo dài 15 ngày được kéo xuống chỉ còn 10 phút.

_MG_0135_1

Tôi không có ý khuyến khích thực hiện mọi việc theo cách “không đúng quy trình” như trên. Bởi trong một xã hội thượng tôn pháp luật, “quy trình” được thiết lập là để tuân thủ chứ không phải để vi phạm. Nhưng tôi cũng từng chứng kiến nhiều việc được thực hiện một cách cứng nhắc theo quy trình như thế nào.

Tôi nhớ nhất chuyện một thanh niên bị xe biển xanh đâm phải ở Quảng Trị. Anh bị tai nạn cách nhà mình hai cây số. Nhưng sau tai nạn, anh được đưa vào viện, rồi nằm đó, không ai chăm sóc, tiền nong không có, người nhà không biết. Suốt bốn tháng ròng, người thanh niên kia được coi là “mất tích”. Đến khi tìm được, hỏi cái cơ quan phụ trách chiếc xe biển xanh kia, thì ai cũng nói rằng mình đã làm đúng quy trình. Cơ quan không chịu trách nhiệm về xe đang lăn bánh trên đường, mà là tài xế. Tài xế thì không thể chịu trách nhiệm khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Một người bị xe công vụ đâm phải, trên xe có cả lãnh đạo, mà nằm vạ vật trong viện bốn tháng ròng? Hãy cứ coi như anh ta mất tích một cách “đúng quy trình”.

Quy trình đã được vận hành theo những cách khác nhau như vậy. Phải nghe chuyện những người nhiễm HIV hay mắc bệnh ung thư đi làm giấy tờ hành chính, mới cảm được cái gọi là “đúng quy trình”. Họ có thể sẽ chết mà không đủ giấy tờ thừa kế lại mảnh đất cắm dùi cho người thân. Sau đấy sẽ lại là một quy trình khác.

Cũng bởi vì quy trình mặc nhiên là bất khả xâm phạm, nên nó được coi như một thứ “kim bài” để người ta trưng ra mỗi khi có khúc mắc. Đúng quy trình, họ nói, như thể rằng điều đó hẳn nhiên đồng nghĩa với đúng đạo đức, đúng bối cảnh, đúng với tất thảy những mối quan hệ biến động liên tục trong xã hội.

Một cán bộ đã gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng “hạ cánh” ở đâu đó theo một quyết định bổ nhiệm “đúng quy trình”. Một bệnh nhân bỗng nhiên tỉnh dậy và phát hiện ra rằng mình mất một chân sau một nỗ lực điều trị “đúng quy trình”. Quy trình thì không thay đổi nhưng khái niệm “Đúng quy trình” thì ứng biến linh hoạt. Với một số người, như người dân nghèo, thì nó cứng nhắc đến tàn nhẫn. Với một số người khác, nó linh hoạt đến đáng ngờ. Ở tỉnh nọ, từng có một quy trình bổ nhiệm được xác lập riêng biệt, và người đầu tiên được bổ nhiệm là con trai cựu Bí thư.

Quy trình tạo ra bởi con người và để phục vụ cho con người, cho lợi ích, cho sự tiến bộ của cộng đồng. Nó có thể được vận dụng linh hoạt ở một số trường hợp cụ thể nhưng tuyệt nhiên không thể bị biến thành công cụ để làm khó người này và “chạy tội” cho người kia.

Và một khi xã hội, dù vận dụng “đúng quy trình” vẫn có hàng loạt sai sót xảy ra, người ta phải nghĩ đến chuyện xem xét lại quy trình và những con người tạo ra quy trình đó.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)