Xã hội - giải trí

Cách mạng 4.0

Đăng bởi: dunghh | 20/5/2017

Thú thật là tôi chưa bao giờ hiểu cụ thể cách mạng công nghiệp 4.0 là gì cả.

CN4.0

Lần đầu tiên, hình như nghe anh Trương Gia Bình đi Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ Davos về kể lại cách đây chưa lâu. Ai ngờ virus lan rộng nhanh chóng, đến mức thủ tướng phải chỉ đạo: tránh tình trạng hô hào.

Ý thủ tướng là đừng nói đến nhiều nhưng từng ngành một lại không biết mình phải làm gì cả. Tôi thì thấy may mà đến giờ phút này chưa có dự án “cách mạng 4.0” nào được phê duyệt.

4.0 – có lẽ đây là lần đầu tiên cách mạng được đánh số. Một tư duy, chắc chắn chịu ảnh hưởng của Bill Gates, khi ông này bắt đầu đánh số Cửa sổ (Windows), với mục tiêu cuối cùng là bán được nhiều “cửa sổ” hơn.

Cuộc cách mạng nào cũng cần có một hình ảnh, một cái mốc.

Chắc không ai tranh cãi, châu Âu là nơi khởi xướng của cuộc cách mạng công nghiệp, khi động cơ hơi nước của James Watts dễ dàng vượt qua cỗ xe tam mã vào năm 1775.

Lần thứ hai những tiến bộ về công nghệ được gắn chữ “cách mạng” chắc là Bóng đèn của Edison sáng chế năm 1878, được Lênin khái quát thành Cách mạng = Chính quyền xô viết + Điện khí hóa Toàn quốc.

Lần thứ ba, tôi muốn gắn với Bill Gates, khi ông này dám tuyên bố năm 1975: máy tính là cái quái gì cơ chứ, nếu như bà cụ nhà tôi không dùng được.

Vậy lần thứ tư này bắt đầu từ lúc nào, có biểu tượng nào đại diện rõ ràng nhất. Hỏi quanh các chuyên gia, các nhà báo, không ai trả lời được rõ ràng: ai cũng nghe từ đâu đó và nhắc lại khái niệm này.

Với tôi, cảm xúc có tính “cách mạng” nhất, chắc là khi đọc tin, con chim của Hà Đông, được bảo tàng Victor & Albert – một bảo tàng về các thiết kế hàng đầu thế giới rước về Anh quốc năm 2014. Một chiếc điện thoại bé tí, chứa một mẩu phần mềm bé tí, do một lập trình viên Việt Nam viết ra trong 3 ngày, được một bảo tàng lớn bỏ ra 100 nghìn euro, được đặt trang nghiêm cho một chiếc hộp kính, ngay tại quê hương của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Phần mềm ấy đại diện cho cái gì vậy, nếu không phải là một thời đại?

Thứ nhất, nó được lưu trữ không phải vì nó là phần mềm, mà nó là một “mẩu nội dung” có tính nghệ thuật, như một ca khúc, có tính gây nghiện, như một chai rượu. Thứ hai nó được phổ biến gần như tức thời từ một ngôi làng vô danh ở Việt Nam ra toàn cầu với chi phí bằng 0. Và cuối cùng nó mang lại vị thế công nghệ toàn cầu cho Hà Đông. Chỉ cần nhìn bức ảnh Hà Đông ngồi trà đá với CEO của Google là chúng ta thấy ngay.

Cách mạng luôn có tính bất thường và phá vỡ các quy luật cũ. Nên cũng không có gì lạ khi rất nhiều nhân vật có máu mặt trong giới CNTT Việt Nam gọi Hà Đông là một hiện tượng “bất thường, ngoài quy luật”.

Tôi thì tin rằng sự thành công kiểu như Hà Đông nằm ngoài quy luật của cuộc cách mạng lần thứ ba, nhưng chắc chắn sẽ là quy luật của cuộc cách mạng lần này.

Trong một cuộc nói chuyện với các bạn trẻ ở một hãng công nghệ lớn trong nước, tôi có chia sẻ quan điểm này, và đùa là nếu chúng ta đi theo con đường của Hà Đông, thì ít nhất cũng sẽ đánh bại được Thái Lan, để đỡ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Các bạn ấy cười ồ lên, ông anh thật lạc hậu quá, về mặt ứng dụng di động, chúng ta đã vượt Thái Lan rồi. Đây báo cáo của Tây đây, ông anh cứ xem nhé.

Hóa ra là trong khi các cây đa cây đề còn đang thảo luận, đã có một thế hệ các thanh niên làm “cách mạng chui”.

Cuộc cách mạng ấy, nếu có, chắc sẽ không bắt đầu từ trên xuống, theo một chỉ đạo hay đề án nào, mà từ những sự ngoài quy luật ở dưới lên.

Nguyễn Thành Nam (Theo Vnexpress)