Vỉa hè lại thất thủ
Vào một thời điểm bất kỳ trong ngày, không bao giờ báo trước, chiếc xe của lực lượng công an phường sẽ ập đến.
Ngay sau đó, ba nhân viên công lực sẽ nhảy phắt xuống, nhanh như cắt chụp lấy chiếc cầu dắt xe lên xuống đang đặt dưới lòng đường, và quẳng lên thùng xe. Hành động này phải rất nhanh, rất quyết liệt, bởi vì chủ nhân chiếc cầu đó sẽ xông tới, miệng thì xin xỏ, nhưng tay thì giằng co “tang vật”.
Đó không phải là hoạt cảnh diễn ra tháng trước, trong chiến dịch dọn sạch vỉa hè ở các đô thị tại Việt Nam. Đó là hoạt cảnh tôi đã chứng kiến hàng ngày, cách đây hơn 20 năm, vào năm 1995, sau khi Nghị định 36CP do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành.
Khi đó tôi sống ở mặt phố Đinh Tiên Hoàng, ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, chuyên doanh các loại vali, túi xách. Vỉa hè phố này khá cao, rìa lại bằng đá khối cạnh trơn, rất khó để dắt xe. Khách đến mua hàng đỗ xe dưới lòng đường thì bị cấm, phải dắt lên hè. Vậy nên nhà nào cũng phải làm những chiếc cầu dắt xe cho khách. Thậm chí, cầu càng to, càng dài, thì khách đi qua nhìn thấy tiện càng dễ rẽ vào. Nhưng cầu dắt xe lại lấn chiếm lòng đường, mà phố Đinh Tiên Hoàng thì chính là bộ mặt của Thủ Đô. Và thế là hoạt cảnh giằng co cái cầu dắt xe diễn ra.
Kết quả ngắn hạn của chiến dịch này, nay đã là chuyện dĩ vãng. Vỉa hè của 20 năm sau lại cần một chiến dịch mới, với những cú “đột kích” mới của lực lượng hành pháp.
Và kết quả của chiến dịch mới cũng có nguy cơ thành dĩ vãng. Hôm nay ngày rằm, tôi tà tà dạo vòng quanh phố cổ – nơi được xem là điểm nóng của những tranh chấp vỉa hè. Trên phố Lò Đúc, tôi thấy một người đàn ông đang hóa vàng. Theo tín ngưỡng, vàng mã phải được hóa chính diện cửa nhà thì vong hồn những người đã khuất của gia đình mới nhận được, không bị “sai lệch”. Thế là người đàn ông nọ hóa vàng ngay chính giữa vỉa hè, trước cửa nhà ông ta.
Ngay trên những viên gạch lát vỉa hè, vàng mã cháy ngùn ngụt, tàn lửa và tro bay tứ tung. Người đi bộ ngang qua đều vòng hết xuống lòng đường, một vài người nhìn lửa cháy vẻ sợ hãi.
Nhìn vào hành động đó, tôi thấy sự tự tin và thản nhiên của một người sở hữu. Người đàn ông đốt vàng mã với nhận thức sâu sắc rằng khoảng vỉa hè đó là thuộc về ông ta, về gia đình ông ta. Quy hoạch lại nơi này để xe, tủ kính phải kê vào sau thềm nhà, không được lần bậc tam cấp, thế này, thế khác… chẳng khác nào dọn dẹp lại nhà cửa cho ngăn nắp một chút. Còn về quyền sử dụng, thì không có chia cho ai cả. Khoảng trống ít ỏi trên vỉa hè mà các lực lượng chức năng vừa rát cổ bỏng họng để “giành lại” ấy, thực ra chỉ được sử dụng để khách hàng ghé lại mua bán. Và bất cứ khi nào chủ nhà cần, hay đơn giản là thích, thì họ sẽ giành lại, cách này hay cách khác.
Hàng Bông – Hàng Gai, Hàng Ngang – Hàng Đào… những phố-hàng nổi tiếng, với vỉa hè rất hẹp, đã chứng tỏ rằng “chiến dịch vỉa hè” đã lướt qua nhẹ nhàng như một nhát chổi lông gà. Trên những vỉa hè ấy, vạch sơn trắng mà thành phố kẻ ra, một phần tư còn lại, vừa khít khao cho một khách bộ hành có thể hình trung bình, hai người tránh nhau là khá khó khăn. Họ bèn theo thói quen cũ, đi xuống lòng đường.
Bức tranh càng rõ ràng hơn sau giờ hành chính. Lúc ấy, vỉa hè lại nguyên xi như cũ. Buôn bán tung tăng, giăng mắc từ vỉa hè xuống tận lòng đường. Những phố Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Hàng Giày, thì chẳng cần đợi đến cuối tuần, tối nào cũng trở thành phố đi bộ. Bởi vì phương tiện giao thông rất khó chen được vào đây. Những khách uống bia cỏ, ăn quà vặt, một tay cầm cốc bia, tay kia cầm cái ghế, nếu xe của đội trật tự đô thị bấm còi đến đuổi, thì họ cầm theo ghế và cốc dạt ra, loanh quanh vài bước chân. Khi xe tuần tra đi qua, tất cả lại tiếp tục ngồi tràn ra vỉa hè mà vui vẻ.
20 năm, hai lần tôi chứng kiến một chiến dịch quyết liệt. Và cả hai lần, nó đều bị khuất phục bởi đám đông. Khi các địa phương sôi lên với chiến dịch dọn dẹp vỉa hè năm 2017, thì đã không còn mấy ai nhớ rằng, thực ra Nghị định 36CP vẫn còn nguyên hiệu lực. Chỉ có điều đã quá lâu không còn hiệu quả mà thôi.
Sự quyết liệt không đảm bảo cho thành công. Có lẽ bởi vì cách “dọn dẹp” vỉa hè trong cả hai lần, đều mang tính chất tuyệt đối hóa. Ở một đô thị quá tải về mọi thứ, cả hạ tầng lẫn nhân số, thì tuyệt đối hóa là thứ không thể.
Tôi sinh ra ở Hà Nội, tôi yêu nơi này và xót lòng khi không thể nào đi bộ được trên những con phố Hà Nội nữa. Tôi cũng muốn vỉa hè được làm sạch. Nhưng dường như chúng ta sắp phải thừa nhận đáp số cho cuộc giải toán quyết liệt trên vỉa hè tháng trước. Đáp số là 0.
Sự bất cập trong một thời gian dài có vẻ như không thể được giải quyết bằng một chiến dịch tức thời.
Kết quả biện minh cho hành động. Bao nhiêu chiến dịch dù có tên gọi khác nhau, vẫn chỉ có một kết quả. Vậy đến bao giờ người ta nghĩ đến việc thay đổi cách hành động?
Theo Gia Hiền (vnexpress)