Xã hội - giải trí

Ẩn họa phố đi bộ

Đăng bởi: hangnt | 24/10/2016

Cuối tuần trước, một anh bạn tôi vô tình chứng kiến hai đứa trẻ dắt nhau đi trên phố, bị một con chó dữ nhà nào buộc ở gốc cây xồ ra cắn.

Con bé em bị đớp vào tay, chảy máu, sợ hãi và đau đớn khóc nấc lên. Thằng bé anh im lặng, an ủi và dẫn em về nhà. Bạn tôi cứ đứng đó, bất lực nhìn hai đứa trẻ thất thểu vừa đi vừa khóc. 

Cuộc luận chiến về cách nuôi chó tại Việt Nam đang tiếp tục nóng trở lại sau khi Bờ Hồ Hoàn Kiếm được quy hoạch thành phố đi bộ, trở thành địa điểm tập trung của nhiều người, và nhiều chó.

Bây giờ, giới trẻ ở các thành phố lớn nuôi chó rất cầu kỳ. Các cô gái mua những chiếc địu nhỏ, giá vài trăm nghìn, để địu theo chú chó nhỏ (giá không dưới 10 triệu), khư khư trước bụng, đi chơi, đi mua sắm. Các chàng trai thể hiện sự mạnh mẽ và sành điệu, bằng cách nuôi những chú chó to lớn, đầy nanh nhọn và cơ bắp. Chiều chiều, hoạt động dắt chó ra đường đi dạo được xem như một hình thức thư giãn mới mẻ.

1472959396-147295089668965-img_2023

Nhưng sự thời thượng thì dễ học, còn sự văn minh thì không đơn giản chỉ là có tiền mua chó. Bạn tôi sống ở Mỹ, đất nước cứ hai người thì có một người nuôi chó, mèo, nhưng anh không nuôi dù rất thích. Lý do là chi phí bắt buộc rất đắt. Ngoài tiền thức ăn, còn phải chăm sóc y tế, tiêm phòng, đóng bảo hiểm…

Không chỉ nước Mỹ có luật chăm sóc chó mèo, ở Italy, luật quy định chó mèo phải đi dạo ba lần một tuần. Còn ở Thụy Điển, thì chính chủ nuôi cũng phải vượt qua một bài kiểm tra mới được cấp phép nuôi chó. Một nước trong khu vực là Thái Lan, cũng đã có luật dành cho người nuôi chó mèo từ lâu. Có một đặc điểm chung của tất cả các quốc gia có luật cho người nuôi chó mèo, là có thể bị phạt rất nặng nếu không tuân thủ các quy định ở nơi công cộng. Con chó ra đường phải được rọ mõm, và nếu nó phóng uế, thì người chủ phải dọn.

Ở Việt Nam, con chó Tây đắt tiền thì vẫn là con chó Tây đắt tiền, nhưng lề lối nuôi vẫn là “lịch sử để lại”. Những con chó nòi săn nặng 50-60 kg, những con chó mà thế giới ngầm thường dùng để chọi, gân guốc, dữ tợn, vẫn điềm nhiên được người ta dẫn đi dạo phố chỉ với một sợi dây buộc vào cổ, hiếm hoi thấy chúng được rọ mõm. 

Luật pháp dành cho việc nuôi chó động đến chỉ mất công tranh cãi. Trong nghị định 05/2007 thì nói chung là dắt chó ra nơi công cộng phải rọ mõm. Đến thông tư 48/2009 của Bộ NNPTNT thì lại ghi chú là chỉ rọ mõm “đối với con dữ”? Thế nào là con chó dữ? Ai phân định điều này? Nếu là người chủ, thì chẳng có con chó nào họ nuôi đáng được coi là dữ – chúng luôn dễ thương. 

“Chó của tôi lành lắm, trông nó thế thôi chứ không cắn đâu” – đó là một lời bảo lãnh hoàn hoàn vô nghĩa. Bởi vì người có sự tự tin của người, còn chó thì có bản năng của thú. Những con chó đã nhiều lần cắn nhau tàn nhẫn trên đường phố. Và cũng đã nhiều lần chúng tấn công con người.

Người ta vẫn chưa quên khung cảnh những con chó Doberman và Rottweiler cắn xé khiến chủ nhân của mình phải đi cấp cứu tại Hà Nội đầu năm nay. Trước đó, chính người chủ đã phải lấy thân mình “đỡ” cho hàng xóm khỏi cuộc tấn công do 4 chú chó mình nuôi dưỡng. 

Con chó đã được nâng lên tầm một thành viên trong xã hội, có khả năng gây ảnh hưởng đến các thành viên khác, và đã đến lúc không thể phân định chúng bằng những cảm quan định tính như là “dữ” hay “hiền”. Con người có “dữ” không? Chẳng ai đặt ra câu hỏi đó: dữ hay hiền không quan trọng, con người được điều chỉnh bằng các khung luật pháp cứng để hạn chế gây nguy hiểm cho người khác.

Dù có lập luận ra sao về tình yêu dành cho động vật, thì có một thực tế là có nhiều người trong chúng ta đang sợ chó. Nỗi sợ bản năng với một loài có nanh vuốt. Nỗi sợ nguyên thủy trần trụi ấy tồn tại khi chúng ta ra đường, bất chấp bao nhiêu bộ luật, bao nhiêu tiến bộ về khoa học kỹ thuật, bao nhiêu tổ chức đấu tranh vì quyền con người, bao nhiêu cao ốc và bao nhiêu trung tâm thương mại. 

Thật đáng buồn khi bên cạnh bao nhiêu cảm xúc tốt đẹp về một không gian văn hóa mới được hình thành bên bờ hồ Hoàn Kiếm, người ta lại phải tranh luận về nỗi sợ những con chó. 

Những con chó, dù khôn đến mấy, cũng không bao giờ có thể tư duy về giới hạn và trách nhiệm của mình. Việc ấy là của con người.

Gia Hiền (Theo VnExpress)