Bạn chọn gì từ Internet?
Mẹ anh, bác Đông, kể là trong hai năm điều trị, cũng có lúc người lính trở nên thất thường vì những khó khăn tinh thần, nhưng giờ anh dường như ổn.
Anh nói nhiều chuyện. Nhưng chi tiết tôi nhớ nhất trong chuyến thăm, là cái cách anh Dương trở lại với cuộc sống: anh nằm nghiêng trên giường, phía trước là một chiếc máy tính bảng và một điện thoại thông minh.
Anh dùng bàn tay đã không còn đốt của mình để lướt hai thiết bị ấy, và giao tiếp trở lại. Anh mới lập Facebook kể từ sau khi tỉnh lại. Anh liên lạc trở lại với bạn bè, trong đó đặc biệt là thân nhân của những đồng đội đã ra đi trên chuyến bay hôm ấy.
Ngày xưa tôi hay đọc Chu Lai. Ông thành danh nhờ vào việc miêu tả người lính trở về cùng những vết thương cả thể xác và tinh thần. Nhưng tôi nhớ người lính của Chu Lai thường cô độc. Từ “Phố”, “Ăn mày dĩ vãng” đến “Vòng tròn bội bạc”, họ luôn mang dáng vẻ chật vật trong việc tìm lại những kết nối với con người khi quay lại cuộc đời.
Tôi lớn lên trong thời đại Internet bùng nổ, mười mấy tuổi đã đi mượn modem của bạn cắm vào đường dây điện thoại cố định, rồi lướt một vài trang web. Tôi không thực sự cảm nhận được sự thay đổi của xã hội thông tin, bởi tôi là một phần của nó.
Nhưng phải đến khi nhìn hình ảnh của người thương binh nằm trên giường bệnh, dùng hai bàn tay đã hỏng lướt màn hình cảm ứng, tôi mới thấy được rằng xã hội đã thay đổi nhiều thế nào. Bởi hình ảnh người lính, được xây dựng trong đầu mỗi người Việt Nam chúng ta, qua văn học nghệ thuật, là một cái gì rất cũ, rất chân phương.
Còn ở đây, trước mắt tôi, là một người lính đang đối mặt với những thử thách cực lớn về thể xác và tinh thần. “Thuốc” của anh là điện thoại thông minh, là Internet, là những kết nối số.
Internet xuất hiện ở nước ta từ rất sớm, nhưng do vấn đề hạ tầng, những ngày cuối của thế kỷ 20, nó vẫn là cái gì rất xa xỉ. Nhưng mọi thứ thay đổi nhanh đến mức bây giờ bà ngoại tôi, đã ở tuổi gần 90, cũng có một trang Facebook do con cháu lập cho. Con trai tôi chưa đầy 2 tuổi đã biết tự vào YouTube xem video các trò chơi. Cháu vuốt xem danh sách video bằng ngón cái, click vào video mình thích bằng ngón trỏ, rất điệu.
Tôi cũng thay đổi. Những ngày này của năm 2001, thời điểm mà VnExpress thành lập, tôi nhớ là mình còn phải lên xin cô giáo dạy Sử được kiểm tra lại để tránh điểm liệt. Hồi ấy tôi chỉ học Toán, Lý, không hiểu học môn Sử để làm gì – giống nhiều bạn học sinh bây giờ. Nhưng 14 năm sau, năm 2015, loạt bài của tôi về đường Trường Sơn và chiến dịch babylift trong dịp 30/4, cũng trên tờ báo này, thu hút gần 2 triệu lượt đọc. Tôi đã học và đã đọc, đã kịp yêu lịch sử đất nước mình nhờ vào những kiến thức trên Internet.
Mọi thứ có lẽ đã bắt đầu từ năm 2001, quãng sau thời gian mà bong bóng dot-com bùng nổ, khi cấp lãnh đạo cao nhất ra chỉ đạo về việc phát triển Internet và số lượng người dùng tăng đột biến. Từ năm 2001 đến nay đã 15 năm, hôm nay tờ báo mà các bạn đang đọc cũng đã 15 tuổi, chúng ta có một xã hội thông tin khá hoàn chỉnh, băng thông rộng ở khắp nơi và 1/3 dân số có thiết bị thông minh. Nhưng ứng xử với điều đó như thế nào, cũng vẫn là điều cần suy nghĩ.
Tôi vẫn thấy bao nhiêu đời tư showbiz hay những điều phù phiếm khác choán màn hình của mình mỗi ngày. Xã hội thông tin bùng nổ nhưng rất nhiều phần năng lượng của nó để dành cho việc giết thời gian. Chúng ta thiết lập rất nhiều “kết nối” với những người mẫu có scandal nhưng thiếu nhiều kết nối có ý nghĩa khác, nhiều san sẻ khác.
Tôi muốn tin rằng năng lượng tích cực của xã hội vẫn nhiều. Trong bối cảnh mà thông tin tràn ngập mạng xã hội, vẫn có hơn 30 triệu lượt đọc VnExpress mỗi ngày, dường như phản ánh mong muốn tìm kiếm những tin tức được kiểm chứng và tin cậy.
Đó là điều khiến những người viết như tôi còn vững tâm.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)