Bút sa, ai trả giá?
Bài viết ấy, đã khiến tôi rất tự hào và giống một dấu mốc trong sự nghiệp: nó được độc giả đón nhận tích cực, được khen ngợi, và tôi được nghe nhắc đến bài viết của mình khi đi công tác ở tận Tây Bắc xa xôi.
Người đàn ông ấy vừa trở về từ trại tạm giam sau hơn nửa năm tạm giữ điều tra. Ông là nhân vật chính của một vụ án kinh tế nổi tiếng. Trong suốt thời gian ấy, đã có hàng nghìn bài báo viết về ông. Nhưng ra rồi, ông chỉ muốn gặp một người. Vì ông nói, bài báo của tôi khiến ông khóc. Nước mắt uất ức căm hận, chứ không phải xúc động.
Thời ấy, ông bị khởi tố vì sai phạm trong một dự án xây dựng cơ bản lớn. Dư luận vô cùng bất bình trước dự án ấy, khi lỗi kỹ thuật của nó ảnh hưởng ghê gớm tới đời sống người dân. Căn cứ vào kết quả của cơ quan điều tra và quyết định khởi tố, tôi viết một bài báo về sự việc.
Chúng tôi ngồi nói chuyện rất nhiều, như hai con người của hai thế hệ ngẫu nhiên gặp nhau. Cả hai đều tránh nhắc đến vụ án. Ông kể chuyện thời trẻ đi xây dựng miền Bắc XHCN vất vả và tràn đầy lý tưởng, rồi kiến tạo sự nghiệp thế nào, gia đình con cái ra sao. Ông không thanh minh câu nào với những dòng tôi viết. Nhưng cũng có một lúc, chúng tôi nhắc đến vụ án. Ông khóc. Người đàn ông đó, tôi biết, đã bị “tuyên án” từ lúc bị khởi tố, chưa cần đến một phiên toà. Ông bị tuyên án bởi dư luận. Và một trong những người tạo ra dư luận ấy, chính là tôi.
Trong số hàng nghìn bài báo đã viết về vụ án ấy, ông chỉ muốn gặp mình tôi để nói chuyện. Không phải để nhờ tôi nói đỡ cho câu nào (tôi cũng chẳng làm được vì việc “tuyên án” bởi dư luận đã xong rồi). Mà ông bảo, vì ông tin tôi là người tử tế, nên không muốn tôi hiểu sai. Chỉ riêng việc ấy, đã khiến tôi cảm thấy rằng đấy vẫn là một người đàng hoàng.
Trong thời đại của mạng xã hội, việc kết tội ai đó khá dễ dàng. Thậm chí không cần đến một nhà báo cũng có thể làm được điều đó với một status được cộng đồng hưởng ứng. Cũng trong thời đại này, việc thu nhận thông tin để viết ra một cái gì đó cũng khá dễ dàng. Thông tin được chia sẻ từ khắp nơi trên Facebook, thật giả hậu xét.
Nhưng nếu sức mạnh thời đại ấy được gộp vào kỹ năng cầm bút, từ khả năng tổng hợp thông tin đến sử dụng ngôn từ, vào việc quyền được đăng bài trên một tờ báo chính thống, của một nhà báo, thì khả năng tạo tác động của nó tăng lên nhiều lần.
Tôi và nhiều đồng nghiệp, những người làm báo dùng mạng xã hội, hiểu được sức mạnh của nó. Thứ sức mạnh cộng hưởng khó kiểm soát. Một dòng trạng thái trên Facebook có sức mạnh một, thì một bài viết trên báo được chia sẻ bởi một người có tư cách báo chí, được cho là có khả năng tiếp cận nguồn tin, có sức mạnh gấp đôi gấp ba. Và rủi ro cũng tăng lên, khi mà người làm báo lướt mạng hàng ngày và chịu tác động của rất nhiều luồng tin, luồng quan điểm.
Không ai có thể xử lý được một người làm báo vì những hiệu ứng tâm lý anh ta tạo ra với cộng đồng. Dù hiệu ứng ấy có thể rất lớn. Và sự tiêu cực, nếu có, là không ngờ.
Tôi đã góp phần tạo ra dư luận như thế với một con người khi phiên toà chưa diễn ra bằng khả năng của một người viết báo và một Facebooker có đông độc giả. Cho dù là ông ta có tội hay không, thì cách “kết tội” ấy, thứ vẫn thường xuyên xuất hiện mỗi khi có ai bị khởi tố, là chưa thoả đáng. Mọi người đều vô tội cho đến khi tòa kết án.
Cho dù là ông ta có tội hay không, thì tôi vẫn cảm thấy day dứt. Tận một tháng sau, với rất nhiều trăn trở nhấc lên đặt xuống, với đủ thứ “nhưng”: tôi không sai về nghiệp vụ; tôi không làm vì động cơ cá nhân; tôi sử dụng thông tin được cung cấp chính thống… tôi quyết định nhắn tin cho người đàn ông ấy.
“Cháu nghĩ mình nợ chú một lời xin lỗi” – tôi viết. Ông chỉ trả lời “Ok”.
Sau này con gái ông bảo, vì đang trong quá trình điều tra nên bố chị không muốn liên hệ nhiều với em, chỉ nhắn vậy.
Lúc ấy tôi nhận ra, khoảng cách giữa sự trân trọng và sự khinh ghét trong cái nghề này, rất mong manh.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)