Chú rể ngồi xe lăn và những người Việt hoài nghi
Chất lượng sống của chúng ta tồi một phần vì môi trường, và một phần bởi không còn ai muốn nghĩ mình có thể sống tốt nữa.
Ở một ngõ nhỏ trên đường Định Công, có một căn nhà trọ nhỏ, mấy người khuyết tật thuê chung với nhau. Trong căn nhà ấy, có Hoàng Anh. Cậu bị viêm đa rễ đa dây thần kinh, hệ vận động cứ yếu dần, bây giờ đã liệt hoàn toàn hai chân, chỉ di chuyển được bằng xe lăn.
Hoàng Anh bỏ quê lên Hà Nội vì Lý. Họ yêu nhau. Lý chỉ còn một chân sau tai nạn từ hồi bé, nhưng vẫn làm việc được. Cô làm thuê cho các xưởng may để lấy tiền nuôi Hoàng Anh học nghề suốt hơn một năm qua. Lương của Lý chỉ có hơn hai triệu đồng, xoay sở cho hai con người. Họ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc đưa Hoàng Anh đi điều trị; chưa bao giờ nghĩ đến việc có một chiếc chân giả mới cho Lý – cái chân giả cũ đã bong tróc; và chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể tổ chức một đám cưới.
Hoàng Anh và Lý đã có lúc phải đi ăn cơm thừa xin ở các nhà hàng, phải nằm dưới đất lạnh, phải chịu phân biệt đối xử; và không phải lúc nào cũng được ở cạnh nhau: Lý có khi phải đi làm thuê xa để lo cho người mình yêu.
Chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3 tổ chức đám cưới cho Hoàng Anh và Lý. Một đám cưới có hoa, có nhạc, và có nhiều nước mắt hạnh phúc. Chú rể ngồi xe lăn ôm bó hồng, còn cô dâu hát một ca khúc về ngày cưới. Chú rể tự cúi xuống đi chân giả cho cô dâu.
Trước đám cưới ấy, đạo diễn Diệp Chi của chương trình Điều ước thứ 7 nói chuyện với tôi, một người bạn của đôi trẻ. Chị băn khoăn rằng liệu ý nguyện của hai bạn trẻ ấy có bồng bột không. Vì một đám cưới, trong bối cảnh gia đình hai bên đều phản đối, khi mà cả hai đều chật vật nuôi sống bản thân, khi mà chẳng ai biết Hoàng Anh có thể sống được bao lâu nữa, chỉ đơn thuần là một mơ ước lãng mạn của hai con người. Không có một tương lai biện chứng nào cho đôi bạn trẻ nghèo quá nghèo ấy.
Chú rể Hoàng Anh đi chân giả cho cô dâu Lý trong chương trình Điều ước thứ 7. ảnh: vtv
Tôi bảo chị Diệp Chi rằng đó đều là những con người trưởng thành, và họ sẽ tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Họ nghèo thật, bệnh tật, tương lai mờ mịt. Nhưng họ yêu nhau vô điều kiện và chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào việc sẽ được ở bên nhau. Hoàng Anh bảo tôi, dù thế nào em cũng muốn Lý được mặc váy cưới. Còn Lý, nói rằng cho dù anh ấy có sống chỉ được một năm nữa, em vẫn muốn làm vợ. Tôi đã chứng kiến tình yêu ấy, và tôi nghĩ họ nên được cưới nhau.
Khi nhìn Hoàng Anh và Lý trong ngày cưới, tôi nghĩ đến chất lượng sống của mình và những người xung quanh. Từ khóa của năm 2016, dù nó mới trôi qua được một nửa, chắc chắn là “thực phẩm bẩn” và “ô nhiễm môi trường”. Đó tất nhiên là những vấn đề quan trọng, nhưng có một vấn đề rất thường trực ở nước ta: khái niệm “sức khỏe” chỉ được hiểu theo nghĩa “sức khỏe thể chất”; trong khi đó theo định nghĩa của WHO thì nó phải bao gồm cả “sức khỏe tinh thần” và “sức khỏe xã hội”.
Trong đám cưới của Lý và Hoàng Anh, tôi thấy 2 con người khỏe mạnh hơn nhiều người khác trong xã hội. Họ có niềm tin. Một niềm tin vô điều kiện.
Sự hoài nghi đang gia tăng trong xã hội có thể làm hại nhiều thứ. Nhiều hợp tác xã trồng rau điêu đứng vì một tin đồn vô căn cứ – vì tin đồn ấy đã được cộng hưởng với sự hoài nghi của công chúng. Nhiều quyết định từ cơ quan quản lý nhà nước gây bức bối – vì nhà quản lý chưa bao giờ tin dân. Nhiều người dân trốn tránh nghĩa vụ và lách luật – vì dân không tin chính quyền.
Những tin tức gây hoang mang bây giờ lan nhanh đến mức chóng mặt. Đến bưởi và mầm đậu nành cũng có thể gây ung thư, thì quả thật không hiểu công chúng còn muốn tin vào thứ gì. Và thị trường, rồi cả môi trường chính sách bị méo mó theo niềm tin.
Chất lượng sống của chúng ta tồi một phần vì môi trường, và một phần bởi không còn ai muốn nghĩ mình có thể sống tốt nữa. Xung quanh lúc nào cũng đầy đe dọa.
Và ít thấy người ta kể cho nhau nghe những câu chuyện về niềm tin. Người ta từng bảo Lý rằng mày đang bị thằng Hoàng Anh lợi dụng – chỉ còn một chân mà đi nai lưng ra làm nuôi nó. Nhưng Lý không tin. Cô tin rằng mình có quyền được trở thành cô dâu của người mình yêu.
Có những người sống tốt chỉ đơn giản vì họ tin rằng mình có thể sống tốt. Họ không thấp thỏm chờ đọc báo xem đậu nành có gây ung thư không.