Cơ hội và thách thức cho khởi nghiệp mobile e-learning
Sự phát triển của thị trường di động tại Việt Nam đang là điều kiện thuận lợi để các ứng dụng học tập có thể tiếp cận được nhiều người hơn, tuy nhiên số lượng ứng dụng trong lĩnh vực này vẫn đang còn thiếu cả về chất và lượng.
Ứng dụng giáo dục nhiều nhưng chưa phát triển mạnh
Hiện nay, nhu cầu sử dụng smartphone là đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người dùng smartphone có độ tuổi trẻ vì đáp ứng được nhiều mục đích khác nhau như giải trí, tiện ích văn phòng, du lịch và cả nhu cầu học tập. Theo một báo cáo của công ty Appota, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam là hơn 128 triệu, nhiều so với dân số gần 91 triệu người. Số lượng người sử dụng smartphone chiếm tới 52% trong tổng số người dùng di động. Nhu cầu sử dụng internet ngày càng tăng với tỉ lệ thiết bị di động được kết nối 3G đạt 21,4% (tăng 1,6% só với năm 2014). Hơn nữa, độ tuổi sử dụng smartphone ngày một trẻ hóa khiến thị trường trong nước trở nên vô cùng tiềm năng dành cho những nhà phát triển ứng dụng giáo dục.
Tuy nhiên, việc phát triển ứng dụng giáo dục Việt Nam lại chưa thực sự phát triển mạnh và đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Với các nhà sản xuất, nếu muốn cung cấp một sản phẩm đảm bảo được về mặt nội dung và sự trải nghiệm cho người dùng thì phải có hệ thống nội dung, ý tưởng chất lượng, hấp dẫn. Thực tế cho thấy, nội dung của đa phần ứng dụng giáo dục hiện nay đang thiếu phong phú, hạn chế, chủ yếu là phục vụ việc học và tra cứu ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh hay hỗ trợ trẻ em học toán, đánh vần với ý tưởng chưa thực sự lôi cuốn được người dùng. Trên Google Play, ứng dụng giáo dục phổ biến nhất với khoảng 1 triệu lượt tải, trong khi đó ứng dụng tiện ích như nghe nhạc, xem phim có thể đạt con số 10 triệu lượt tải. Sự chênh lệch đó cho thấy ứng dụng giáo dục chưa có sức hút đủ lớn với người dùng.
Những ứng dụng giúp học tiếng Anh luôn nhận được nhiều lượt tải nhất
Đầu tiên, phải kể đến chất lượng ứng dụng Việt Nam. Hiện nay, trên Google Play hay App Store có rất nhiều ứng dụng giáo dục. Tuy nhiên, dễ nhận thấy chúng thường là phiên bản “clone” của nhiều ứng dụng trên thế giới. Phiên bản Việt hóa thường được thiết kế với nội dung tương tự và thêm hoặc bớt một số tính năng so với phiên bản gốc để phù hợp thị trường. Tuy nhiên, vì là bản clone mô phỏng lại nên còn xuất hiện nhiều lỗi về chức năng sử dụng như không kết nối được wifi, không tra được nghĩa của từ, phát âm không đúng…hay thiết kế còn đơn điệu, thiếu tính tương tác với người dùng. Lí do dẫn tới những lỗi này là chính năng lực chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật và vận hành ứng dụng còn chưa tốt, thiếu kỹ năng về thiết kế giao diện, thiếu cấu trúc trong lập trình, khả năng kế thừa và phát triển ứng dụng chưa cao…
Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất với mục đích tài chính là chủ yếu nên chưa theo sát với nhu cầu người sử dụng, thời gian sản xuất ngắn hạn khiến sản phẩm không được trau chuốt, đầu tư. Vì vậy, thành phẩm không thu hút người dùng, lợi nhuận đạt được không cao, thậm chí không hoàn được vốn. Do đó, nhiều nhà phát triển vẫn còn e ngại trong việc đầu tư phát triển ứng dụng giáo dục.
Thêm nữa, các nhà phát triển ứng dụng lại phải đối mặt với một thói quen của tập người dùng Việt, đó là việc họ thích sử dụng những ứng dụng miễn phí. .Việc sử dụng miễn phí đã kích thích người dùng lựa chọn sản phẩm. Điều này đã tạo áp lực nên những nhà sản xuất sản phẩm thu phí trong quá trình cạnh tranh với ứng dụng miễn phí. Các sản phẩm thu phí được đầu tư sản xuất nên có nhiều đột phá về chất lượng, đảm bảo về hình thức, tương tác thuận tiện có khả năng đáp ứng thị trường lớn hơn. Tuy nhiên, mức chi phí mà nhà sản xuất yêu cầu vẫn chưa thực sự hợp lí với khả năng của người dùng nên vẫn chưa được nhiều người lựa chọn. Bài toán khó ở đây sẽ là cân bằng được chất lượng ứng dụng với chi phí người dùng phải trả để đáp ứng hiệu quả nhu cầu người dùng
Thị trường vẫn còn nhiều cơ hội.
Phát triển công nghệ gắn với giáo dục luôn là lĩnh vực nhận được nhiều quan tâm và chú ý của xã hội, đây cũng là điểm thuận lợi giúp doanh nghiệp có thể nhận được những hỗ trợ khác từ bên ngoài. Anh Trần Vinh Quang, COO công ty phân phối ứng dụng Appota chia sẻ: ”Appota luôn có chính sách rất ưu đãi nhằm thúc đẩy những nhà phát triển đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể chúng tôi luôn giành ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu cao nhất lên đến 90% tới những ứng dụng giáo dục, y tế, sức khỏe”.
Ngoài ra, với cấu trúc dân số trẻ, đông đảo và hạ tầng công nghệ thông tin tốt, thị trường trong nước có đầy đủ yếu tố để các ứng dụng giáo dục có cơ hội phát triển. Thực tế, đang có những doanh nghiệp hoạt động rất tích cực trong phân khúc ứng dụng giáo dục, có thể kể đến những cái tên như: TFLAT, Topica, Egame v.v..Tuy nhiên, số lượng ứng dụng giáo dục chất lượng hiện tại đang rất thiếu so với nhu cầu của người dùng và thị trường vẫn đang mở cho những startup mới nhập cuộc.
Theo ICT News