Cuộc thi Vietnam Mountain Marathon 2014 của tôi
“Bạn không nên chọn Vietnam Mountain Marathon cho lần chạy marathon đầu tiên.”
Thực sự tôi không để ý lắm khi đọc cảnh báo đó trên trang web của cuộc thi và quyết định làm ngược với lời khuyên của ban tổ chức. Tôi chọn VMM ’14 cho lần chạy marathon đầu tiên của mình.
Tại cuộc thi VMM tháng 10 năm ngoái, tôi tham dự cự ly bán marathon. Và tôi đã vượt qua thử thách đó với thời gian 02:57, một kết quả không tồi so với thời gian hai tháng thực sự luyện tập. Một năm sau nhớ lại, thì cũng có đọng lại vài từ khóa tiêu cực như chuột rút, cháy nắng, nóng và mệt. Tuy nhiên, chúng nằm lẻ loi trong ký ức giống như những tảng đá mồ côi giữa một đại dương những hình ảnh đầy phấn khích của cảnh đẹp đại ngàn Sa Pa, của niềm xúc động dâng trào khi về đích, của tiếng vỗ tay, huýt sáo động viên từcác runner đến từ khắp nơi trên thế giới, cảm giác thư giãn tuyệt đối khi để nguyên người ngợm bẩn thỉu, nhâm nhi lon Coke mát lạnh tại Topas Ecolodge và tám với những người bạn mới quen về những gì trải qua trong chặng đua. Xét cho cùng 42km chỉ là gấp đôi của 21km. Sau thêm một năm chuẩn bị, tôi tin mình có thể chinh phục chặng marathon đường núi này trong khoảng thời gian 6 hoặc cùng lắm là 6 tiếng rưỡi. Hơn nữa, ở Việt Nam cũng không có nhiều cuộc đua marathon để mà “nháp” trước. Vì vậy, mặc dù chưa bao giờ chạy quá 25km, tôi không có một chút hồi hộp nào khi bỏ công việc và tất cả lo toan thường nhật lại phía sau, leo lên chuyến tàu đêm trực chỉ Lào Cai. Hơn thế, lần này tôi còn có gia đình đi theo hỗ trợ tinh thần. Tôi có một giấc ngủ rất ngon trên tàu.
Tỉnh giấc lúc còn cách Lào Cai khoảng 15 phút, tôi mở điện thoại và nhận được tin nhắn của một người anh trong công ty: “Hà Nội mưa tầm tã, Sa Pa thế nào?” Thực sự tới lúc này tôi mới nhớ ra hai ngày trước cơn bão Kalmaegi đổ vào khu vực biên giới phía Bắc và gây ra mưa lớn ở khắp các tỉnh. Như vậy là có thêm một tham số về độ khó của đường chạy ngày mai so với tính toán trước đó của tôi. Đó là đường trơn và bùn lầy. Coi như cộng thêm một tiếng nữa vào thời gian dự kiến.
Sáng thứ Sáu, cả Lào Cai và Sa Pa đều tạnh ráo. Năm nay những người tham gia cuộc thi ở gói “run only” như tôi không được tham dự buổi phổ biến thông tin tại Topas Ecolodge như năm ngoái. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tới trụ sở Topas nhận số áo và một phong bì có đủ các hướng dẫn bằng văn bản ngay tại Sa Pa vào bất cứ lúc nào trong ngày. Đối với tôi, đó là một điểm trừ. Tôi thích không khí của buổi phổ biến thông tin. Buổi lần trước rất hào hứng. Một phần do cách trình bày đầy lôi cuốn và hài hước của trưởng ban tổ chức cuộc thi là Asger Koppen, một anh chàng người Đan Mạch, phần khác tôi có thể gặp gỡ và chat chit với các runner cùng cự ly trong hoàn cảnh mà không ai bận thở dốc. Tôi cũng muốn ngắm lại Topas Ecolodge, khu nghỉ dưỡng rất đẹp và nằm tương đối biệt lập trên một quả đồi cách thị trấn Sa Pa khoảng 15km, nơi vợ chồng Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã chọn làm nơi nghỉ chân trong chuyến trăng mật tại miền Bắc Việt Nam.
Tôi giành trọn vẹn ngày trước cuộc thi để nghỉ ngơi. Ăn, ngủ, tập nhẹ trong phòng khách sạn, không cùng mọi người đi thăm thú các nơi. Tối vợ rủ đi massage chân, chọn cho chồng anh thanh niên duy nhất trong cửa hàng với lý do chỉ có anh đó mới đủ khỏe tay để xoa bóp cho chồng. Thế cũng tốt!
Tôi tỉnh dậy cùng với tiếng chuông báo thức của điện thoại lúc 5 giờ sáng. Lục tục chuẩn bị trong bóng tối. Ngoài trời mưa rả rích, sương phủ trắng xóa. Thời tiết khó người khó ta, chẳng sao cả, chỉ cần lấy nylong bọc kỹ cái điện thoại. Xuống nhà ăn sáng gặp mấy runner 42km nghỉ cùng khách sạn. Làm quen rất nhanh, người nọ động viên người kia. Bắt đầu cảm thấy sự háo hức của cuộc thi. Chúng tôi sang điểm tập kết của ban tổ chức ở sảnh khách sạn Sunny Mountain ngay bên cạnh, giờ đông nghịt các runner. Gặp lại một số bạn chạy năm ngoái như Minh Lê, anh Quang. Nhóm Việt Nam chụp chung một kiểu ảnh. Một bác người Nhật đứng tuổi đeo một tấm biển sau lưng: “42km = 10 hours. Would you walk with me?” Đúng là người Nhật luôn suy nghĩ logic và hợp lý.
Mưa tạnh dần, chỉ còn lây rây như mưa phùn. Xe của ban tổ chức chở chúng tôi đến điểm xuất phát nằm ở Bản Khoan, phía Bắc Sa Pa, gần đèo Ô Quy Hồ. Mọi người đứng quây quần nghe Asger phổ biến lần cuối và chờ xuất phát. Tôi tìm thấy trong đám đông nhà vô địch năm ngoái người Singapore. Anh ta đậm người, cơ bắp lực lưỡng và có bộ giò rất ấn tượng, thường trực một nụ cười tự tin. Hẳn sứ mệnh của anh là quay lại Sa Pa để bảo vệ chức vô địch cự ly full marathon. Các runner Việt bông đùa với nhau: “Nhìn săm lốp của người ta cũng khác của mình. Người ta là lốp Michelin, còn anh em mình là lốp Sao Vàng, nhưng đây là Việt Nam.”
Trước giờ xuất phát
Do con đường đang đổ bê tông dở dang nên ban tổ chức quyết định đẩy vạch xuất phát lên so với ban đầu khoảng 1km. Vì vậy thay vì chạy tiến về phía trước như mọi cuộc thi bình thường, chúng tôi lại chạy ngược về phía sau 500m rồi vòng lại, lúc đó mới chính thức đi qua điểm xuất phát. Km đầu tiên giống như lấy đà vậy. Vừa dứt khẩu lệnh xuất phát, anh chàng đương kim vô địch Singapore đã vọt lên như tên bắn. Nghe nói năm ngoái khi về đích, tốc độ của anh vẫn giữ y chang như vậy. Tuy nhiên hình như năm nay anh chỉ kết thúc ở vị trí thứ 12. Không biết chuyện gì đã xảy ra với anh ta nữa.
Tôi chạy trong tốp dẫn đầu, không thật nhanh nhưng cũng không chậm. Cung đường đầu tiên có tí dốc, nhưng sức đang sung, tôi chạy với pace 6′ nhẹ nhàng. Khoảng 2km thì qua Check Point đầu tiên của cự ly 70km và rẽ trái. Lác đác có một vài runner vượt lên, trong đó có một cặp nam người nước ngoài vừa chạy vừa tán gẫu với nhau nhẹ nhàng như đang tản bộ. Kệ, mình cứ duy trì pace 6 là ổn. Qua bãi tập kết rác của Sa Pa, nơi được cảnh báo là nặng mùi nhất thị trấn. Tôi hít thở mạnh nhưng không thấy gì đặc biệt. Sương mù giăng bảng lảng, đất dưới chân ướt lép nhép nhưng vẫn là đường rải đá. Chợt hiện ra từ trong màn sương là một nhóm người trong ban tổ chức, trực ở điểm tuyến chạy bắt đầu rẽ khỏi trục đường chính. “You are number eleven”, Asger nói khi tôi vụt qua. Như vậy tôi vẫn đang ở tốp đầu.
Đường chạy dốc dần giữa một bãi cỏ xanh mênh mang, đẫm nước. Rồi bắt đầu xuất hiện những tảng đá. Những đảng đá ngày càng to hơn và nhiều hơn, cùng với điều đó là độ dốc cũng tăng dần. Chúng tôi đang leo lên núi. Để bước một bước về phía trước, chân tôi bắt đầu phải co gần vuông góc. Rất tự nhiên, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng thở của mình và bước chạy cũng chậm lại, gần như thành đi bộ lên dốc. Sao mình lại có thể mệt nhanh như vậy. Mới có gần 3km chứ mấy. Những runner phía trước vẫn guồng rất ổn. Cho đến lúc này, tôi vẫn luôn để ánh mắt của mình nhìn vào khoảng mặt đất phía trước trong phạm vi 10m, rà soát đánh giá đường chạy. Thêm vài trăm mét nữa, tôi quyết định dừng lại nghỉ lấy hơi và ngẩng lên. Sừng sững trước mặt là một quả núi cao ngút, cây cối rậm rạp, lưng chừng phủ đầy mây. Nhìn những mảnh marking dùng để đánh dấu đường chạy phất phơ trên các cành cây dẫn ngược lên trên cao hết mức có thể nhìn rõ từ vị trí đang đứng, tôi chột dạ. Mình sẽ phải leo qua cả quả núi này chăng. Huỵch huỵch, huỵch huỵch, một nhóm runner chạy vượt lên, khẩn trương như đang so kè với nhau. Trong nhóm có anh Quang, sau này sẽ về đích trước tôi một tiếng. Nhìn cách họ leo núi mà thèm. Tôi động viên bản thân, hít thở và chạy chầm chậm. Cuối cùng, hóa ra chúng tôi không phải leo lên đến đỉnh núi. Đường chạy bắt đầu rẽ ngang rồi đi xuống. Cung đường này qua một cánh rừng rất đẹp. Bụi cây bên đường có rất nhiều gai. Mỗi lần sơ ý đi sát vào phía bên phải, tôi lại bị gai cào khắp cả tay chân và một bên mặt. Suốt gần 20 phút tôi chạy một mình giữa cánh rừng u tịch, cả phía trước và phía sau đều không một bóng người. Đó quả là một cảm giác khó tả và có phần siêu thực. Sương giăng trước mặt. Tất cả đều tĩnh lặng. Âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng bước chân của mình giẫm lên thảm lá rụng và nền đất ẩm. Xét cho cùng, tôi chạy là tận hưởng những khoảnh khắc như thế này chứ đâu.
Ra khỏi cánh rừng là vào một bản của người Dao Đỏ. Có một khung cổng bằng gỗ nằm chắn ngay giữa đường, đánh dấu địa phận của bản. Chúng tôi được hướng dẫn là khi chạy qua thì phải đóng cổng lại, tránh để lợn và gia súc chạy ra ngoài, nhưng cái cổng này chỉ trơ khung mà không có cánh. Đường trong bản rộng rãi hơn, nhưng lại bắt đầu dốc lên, khoảng 15-20 độ. Thỉnh thoảng đường chạy lại leo thẳng lên hiên nhà của một gia đình. Thật buồn cười khi nghĩ rằng suốt cả ngày hôm đó, gia chủ thỉnh thoảng lại nhìn thấy một runner ăn mặc dị hợm người ở đâu đâu chạy hùng hục qua cửa nhà mình. Mãi rồi cũng đến đoạn xuống dốc. Cung xuống dốc luôn là thế mạnh của tôi. Tôi có thể chạy khá nhanh mà bắp chân không bị đau. Tuy nhiên, hôm nay đường trơn nhẫy vì vậy tôi phải rất cẩn thẩn để không trượt ngã và vì vậy đôi khi phải bấm chân cho tốc độ chậm bớt. Giờ nghĩ lại tôi thấy lẽ ra mình phải chạy hết mình hơn.
Bình độ của đường chạy marathon cự ly 42km
Check Point 4, trạm dừng đầu tiên ở km 14 không có gì đặc biệt. Tôi đổ đầy các bình nước, ký tên, ghi lại thời gian và đi ngay. Tôi có phần hơi sốt ruột vì tốc độ chặng đầu không được như ý, tuy nhiên đi được một đoạn tôi phát hiện là mình đã sai lầm khi không nghỉ ngơi một chút. Ngay khi ra khỏi check point, đường lại lên dốc. Khúc này đường rộng rãi và tốt, nhưng lên dốc bắt đầu không ổn. Tôi không chạy được nữa và chuyển sang đi bộ. Đi bộ rồi cũng không ổn, hai bắp đùi bắt đầu cứng lại như thể bị tiêm ni tơ lỏng. Ăn cái gì đã. Nhân tiện có một vạt cỏ rất đẹp ven đường, tôi ngồi bệt xuống, gỡ ba lô, lấy một phong power bar ra vừa ăn vừa chiêu nước ừng ực. Nghỉ ngơi khoảng 3 phút lại xách ba lô lên đường. Từ Check Point 4 đến Check Point 5 chỉ hơn 6.5km nhưng có một đoạn đường rất xấu, người chạy phải lội dọc theo một lạch nước cạn với những viên đá nhỏ rải rác giữa cơ man là bùn. Tôi đồ đây là tuyến đường người dân tộc vẫn lùa đàn trâu đi qua. Mưa làm những viên đá này không thật sự thăng bằng, chỉ cần bước trệch là viên đá bập bênh làm chân mình sụt xuống bùn, khi nhấc lên đôi khi chỉ có gót chân, còn đế giầy vẫn mắc ở dưới. Khúc này tôi chạy cùng một runnner nữ người Pháp trung tuổi, làm quản lý một khách sạn ở Quy Nhơn. Đến km 18 có thêm Tiến làm ở VNG bắt kịp. Chúng tôi lò dò qua các bãi bùn, bờ ruộng, lạch nước, vừa đi vừa nhắc nhau cẩn thận, chậm lại, tiếng trượt chân của người này có thể làm người khác giật mình chao đảo theo. Thực sự không quá mệt nhưng tốc độ chậm chạp từng bước, từng bước một cũng làm cho tinh thần bị ảnh hưởng ít nhiều. Đường độc đạo nên chẳng ai vượt ai, người sau nhìn bước đi của người trước để chọn cho mình bước tiếp tối ưu nhất. “Y như tra tấn vậy”, cô người Pháp nói khi thêm một lần chống tay xuống bùn. “Điều an ủi là tất cả đều phải trải qua những chuyện này” tôi nói. Cung đường lầy lội hết lên rồi xuống tưởng chừng không bao giờ kết thúc. Ruộng bậc thang nhìn từ xa có thể thơ mộng và quyến rũ như trên một bức ảnh nền của máy tìm kiếm Bing, nhưng ngay lúc này, dưới chân tôi, đó là một thứ bùn nhão nhoét lẫn với rơm rạ. Lúa đã thu hoạch xong, các vạt ruộng chỉ còn trơ khấc những gốc rạ trên mặt nước lõng bõng.
Mãi rồi cũng đến đoạn đất cứng hơn, cô người Pháp và Tiến tăng tốc bứt đi. Tôi quyết định không bám theo. Tới một lạch nước rộng khoảng gần nửa mét, tôi nhảy ào qua và nhận ngay ra sai lầm khi chân vừa chạm đất. Tôi bật ngã ngửa khi hai bắp chân cùng chuột rút một lúc. Tôi đã sai lầm khi chọn cách tiếp đất mạnh vào thời điểm cơ đã khá căng. Duỗi chân một chút. Thật may là cơn chuột rút chỉ thoáng qua. Bắt đầu chạy dọc theo một con suối, rồi vượt sang bờ bên kia bằng một cây cầu độc mộc. Con suối mở rộng dần. Rồi trước mắt là một cây cầu. Một cây cầu xi măng thực sự, đường cái với nhà cửa sầm uất hai bên và những tiếng còi xe quen thuộc. Tôi đã trở lại với thế giới văn minh. Leo lên mặt đường. Quốc lộ 4D đây rồi.
Giá mà được chạy trên đường lớn. Nhưng chỉ dẫn cho thấy chúng tôi chỉ cắt qua quốc lộ 4D và đi vào một đường làng thuộc xã Tả Phin. Chỗ này có nhiều hàng quán. Tôi lắc mấy cái bình nước. Chúng đều đã cạn. Tôi sà vào một hàng tạp hóa, hỏi mua mấy chai nước và lon bò húc. Cầm lon nước trên tay và tìm tiền để trả thì không thấy đâu, chẳng biết đánh rơi từ lúc nào. Đành ngậm ngùi trả lại. May mắn là chỉ sau đó 500m là Check Point 5. Đây cũng gần mốc 21km, điểm giữa chặng đua.
Lúc này đã bắt đầu trưa, các tình nguyện viên nhí người dân tộc ở Check Point 5 đang được một người trong ban tổ chức cắt cử đi ăn cơm. Tôi nán lại một chút để ăn chuối và pha chế bình Isomatic, một thứ nước uống chuyên dụng cho người tập thể thao.
Chạy một đoạn thì tôi nhận ra đây chính là điểm xuất phát của cự ly bán marathon mình tham dự năm ngoái. Vậy là tôi bắt đầu bước vào một cung lên dốc dài nhất trên toàn tuyến, kéo dài liên tục gần 7km. Năm ngoái, đây là những km đầu nên tôi nhớ mình vẫn còn có thể chạy chầm chậm, nhưng giờ thì không thể. Tới lúc này thì hai chân không còn thực sự là của tôi nữa. Chúng như hai tên nô lệ tuân theo sự sai khiến của ông chủ nhưng vẫn có linh hồn riêng, và bây giờ chúng đang sôi sục muốn tạo phản. Tôi đau cứng hai bắp đùi nên chỉ có thể bước từng bước, mỗi bước lại thấy nặng hơn một chút. Cộng thêm lúc này đã quá 12 giờ trưa. Cái nắng oi ả của vùng thung lũng thực sự hun nóng mọi vật, nhất là cơ thể đang hầm hập của tôi. Cảnh quan rất đẹp với một bên là những bờ tre và thảm cỏ đổ dốc xuống thung lũng xanh biếc với dòng suối uốn lượn phía dưới và một bên là những ngôi nhà sàn treo leo trên triền núi của người Hmong. Nhưng thực sự tôi không có chút nào hứng thú để tận hưởng cảnh quan. Đường đi nhiều đoạn đã được dổ bê tông tốt hơn nhiều so với năm ngoái nhưng những con dốc thì vẫn vậy. Thỉnh thoảng lại có một anh chàng thanh niên dân tộc phi xe Minsk phăm phăm lên dốc phóng vụt ngang qua tôi. Tôi nhìn theo với sự thèm khát của một con vịt xiêm lạch bạch ngóng theo một con thiên nga đang sải cánh bay lên.
Có một phiến đá rộng ở bên đường. Giờ nó hấp dẫn chẳng khác gì một cái giường trải nệm êm ái. Tôi ngả lưng lên đó 3 phút để lấy lại nhịp thở bình thường, hờ hững nhìn 3 runner khác lần lượt chầm chậm đi qua. Họ đều mang theo gậy trekking mà lúc này chúng quả là phát huy tác dụng khi họ có thể vừa leo dốc vừa chống để giảm bớt trọng lượng dồn xuống đôi chân. Đúng là sai lầm chiến thuật khi mình không sử dụng gậy trekking. Lại tiếp tục đi, đếm từng bước chân và từng km. Tôi gần như hồi tưởng lại được toàn bộ cung đường này, có thể biết trước đoạn sắp sửa đi qua. Mỗi lần vượt qua một lạch nước nhỏ, tôi lại chủ động giẫm cho ướt giầy để hai bàn chân dịu mát hơn. 7km sao quá dài. Lại thêm một lần ngồi nghỉ trên một tảng đá. Hai phút sau thì có một runner bắt kịp, một cô nàng rất xinh. Đó là Jessica, runner trẻ măng người Anh với mái tóc vàng óng ả và cặp mắt xanh biếc màu xanh Ai Len theo cách định nghĩa của tác giả Margaret Mitchell trong tác phẩm “Cuốn theo chiều gió”. Tôi đứng dậy và đi cùng Jessica. Cô gái này sang Việt Nam vừa chạy vừa để du lịch và trong năm ngày trước đó đã kịp làm một tour từ Sài Gòn, Mũi Né, Nha Trang tới Hạ Long. Sau khi kết thúc cuộc marathon, Jessica sẽ về Hà Nội, bay vào Sài Gòn và sau đó là một chuyến bay 18 giờ quay lại nước Anh. Có người đi cùng cũng đỡ tẻ. Đang đi thì gặp 3 đứa bé lõn cõn người dân tộc chơi tha thẩn trên đường, một đứa đang bám vào mấy tảng đá như muốn tụt xuống dưới bờ vực phía dưới trong khi cứ giương cặp mắt thơ ngây nhìn chúng tôi. Jessica hỏi: “Chúng ta có phải làm gì không?”. “Không sao đâu, bọn nó có thể tự chăm sóc được nhau, đây là cuộc sống thường ngày của bọn nó mà.” Đường bắt đầu bớt dốc ở km thứ 26 và sẽ lên đến đỉnh của cung này ở km 27. Jessica muốn tăng tốc. Tôi ra hiệu cho cô ta cứ chạy trước. Thực sự tôi muốn giành sức cho cung đi xuống, nơi là sở trường của tôi. Mặc dù chỉ đi bộ rảo bước nhưng trước khi đến đỉnh dốc tôi cũng bắt kịp lại 2 runner khác đang ngồi giãi thẻ ra giữa đường để thở. Tôi nhác nhìn thấy Tiến ở đằng xa nhưng cậu ta lại biến mất ngay sau lỗi rẽ.
Cuối cùng đường bắt đầu chuyển dốc theo chiều ngược lại. Tăng tốc thôi. Tôi chạy và lắng nghe đôi chân của mình. Không thật ổn lắm. Chúng có thể chuột rút trở lại bất cứ lúc nào. Tôi chọn một pace cân bằng giữa tốc độ và sự an toàn, tuy nhiên cho đến cuối con dốc thì vẫn kịp vượt qua thêm vài runner nữa.
Tôi gặp lại cả Tiến và Jessica ở Check Point 6. Lại ký tên, ghi thời gian và đổ đầy các bình nước. Jessica đưa cho tôi lon Coke uống dở và chạy trước. Thứ nước ngọt có ga mát lạnh lúc này chẳng khác gì nước cam lồ. Tôi cầm theo một quả chuối bẻ đôi, vừa đi vừa chậm rãi nhấm nháp từng ngụm trong chiếc lon, cảm nhận vị ngọt len vào cuống họng và đi xuống thực quản. Suốt cả một đoạn dài kể từ Check Point 6 tôi và Tiến đi cùng nhau nhưng không ai nói với ai câu nào. Khúc này lên xuống dốc xen kẽ, thi thoảng lại phải vượt qua một con suối vắt ngang đường. Hai bên vẫn gặp làng bản của người Hmong. Rồi bắt đầu tới một khúc đổ dốc rất dài, dễ chừng cũng phải tới gần 6km. Tôi bứt tốc vượt lên. Trên cung xuống dốc đó vẫn là làng bản xen với ruộng bậc thang và vườn rau, tuy nhiên bờ các bờ ruộng ở đây được kè đá chắc chắn. Ở một chỗ ngoặt, tôi gần như nhảy xổ vào Jeri Chua đang núp sau một bờ tường để tránh nắng, tay lăm lăm máy ảnh. Jeri là một trong những nữ vận động viên ultrarunner hàng đầu của Singapore và thành viên cốt cán của ban tổ chức giải VMM. Tuy nhiên, cả năm trước và năm nay Jeri không chạy mà chỉ làm chân phó nháy. Tôi cố cười thật tươi, pose một quả khí thế để Jeri chụp trước khi chạy tiếp. Xuống khỏi triền đồi là tới một bản khác với đủ cả điện đường trường trạm. Tôi lúc thì chạy chậm, lúc thì bước rảo tùy theo độ dốc của con đường, chào hỏi tất cả bà con dân tộc đi bộ ngược chiều, từ bà già đeo gùi đến các em bé cởi truồng vẫy tay “Hello”. Rồi đến con đường bê tông mà tôi nhớ là gần tới Check Point cuối. Điện thoại hết pin từ km 31. Từ đó tôi mất khái niệm về khoảng cách.
Quả nhiên thêm vài trăm mét nữa là Check Point 7 ở km số 34. Ở các trạm dừng trước, dù mệt đến mấy tôi cũng gắng chạy đến Check Point cho khí thế, nhưng lần này thì đành đi bộ. Trời nắng làm sức thêm kiệt. Tôi mượn một chiếc ghế của thành viên ban tổ chức để ngồi nghỉ một lát trong khi rót nước vào các loại bình. “Anh đang ở giữa đoàn và và là người Việt thứ hai về đến đây đấy” (thực tế là thứ ba), “sức anh như vậy là quá ổn rồi,” một người động viên tôi. Tôi mệt đến mức không muốn đáp lại. Nhìn quanh thì chợt nhận ra bạn Lục Phương Anh, một runner nữ rất tích cực trong Hội những người thích chạy đường dài. Phương Anh vừa hoàn thành cuộc thi marathon quốc tế Đà Nẵng tháng trước. Tuy không dự VMM nhưng vẫn mò lên Sa Pa cổ vũ các runner trong hội. Tôi hỏi thăm tình hình mọi người. Phương Anh bảo: “May quá em không cố nài ban tổ chức cho tham gia chạy hôm nay, không thì giờ không biết đang lang thang ở đâu nữa”.
Tôi nhớ năm ngoái, sau Check Point này đường chạy sẽ thuận lợi hơn. Chỉ còn một cung đường đèo trải nhựa dài 8km. Check Point 7 nằm ở ngã ba, hình như sau đó sẽ rẽ phải. Nhưng không, lần này là rẽ trái. Vậy là có sự thay đổi rồi. Đi được khoảng 200m, một con dốc ngược cao chót vót chào đón tôi. Ái ngại thật đấy, tôi uể oải leo dốc. Cái ba lô trên lưng giờ sao thật nặng. Đoạn dốc lúc đầu còn giống một con đường được đào đắp tử tế, nhưng càng lên cao con dốc càng trở nên giống một đường mòn dẫn lên núi. Chọn một tảng đá to, tôi ngồi bệt xuống dốc ba lô ra lấy một thanh power bar nhai trệu trạo. Cái thứ đồ ăn thể thao ngọt khé này vào lúc này thật ghê miệng nhưng tôi cố nuốt. Một thanh power bar cung cấp 160 kcal. Từ sáng đến giờ, tôi nạp 3 thanh cả thảy. Nghỉ khoảng vài phút tôi đi tiếp. Đường mỗi lúc một dốc, đúng hơn là bắt đầu cheo leo. Nhìn lên chỉ thấy những viên đá lúp xúp và những mảnh marking phất phơ dẫn lên tít tắp. OMG, vậy là phải vượt qua quả núi này rồi. Đây chính là thử thách cuối cùng trước cửa thiên đàng, thử thách mà Asger đã thông báo trước khi xuất phát. Tôi lại ngồi xuống nghỉ, thầm nguyền rủa ban tổ chức quá bất nhân khi bắt các runner như tôi phải vượt núi khi mà mức sức khỏe đã tụt xuống đến đáy.
Vài phút sau, tôi thấy Tiến lò dò đi qua, vừa đi vừa chống hai tay lên hông, có vẻ đau đớn. Tôi bắt chuyện bằng vài câu bâng quơ, nhưng Tiến mệt không hưởng ứng. Tiến leo tiếp, tôi vẫn tiếp tục ngồi nghỉ. Một lát lại có 3 runner nữa đi tới. Tôi loạng choạng đứng dậy. Cả đội nhích từng bước. Vào lúc này, để bước một bước, tôi như phải vận dụng toàn bộ hệ thần kinh để ra lệnh cho đôi chân giờ cứng đơ như cặp nạng gỗ. Mà ngay cả hệ thần kinh cũng trở nên quan liêu trì trệ y như một cơ quan công quyền. Chúng tôi phải trèo lên chứ không còn là bước đi nữa. Dốc đứng đến độ chỉ cần đi lên khoảng hơn mười bước là bạn đã lên đến độ cao của ngọn cây chỗ bạn đứng bây giờ. Tôi phải bám vào các tảng đá và các cây tre hay vầu gì đó để lần lên. Thậm chí có chỗ, ban tổ chức phải buộc sẵn đoạn thừng để runner nắm vào đó mà leo cho đỡ nguy hiểm. Cứ khoảng 20-25m, tôi lại chọn một điểm đủ bằng phẳng để đứng lại nghỉ chân lấy lại nhịp thở. Chợt trông thấy một thành viên của ban tổ chức ngồi trên tảng đá, chúng tôi hỏi còn leo bao xa nữa. “Chỉ 1.5 km nữa thôi”. Ôi trời. 1.5 km với tốc độ như thế này chắc sẽ kéo dài trong 2 tiếng mất. Một runner Singapore trắng trẻo, tròn trịa nằm lăn ra đất. Tôi động viên: “It’s the most challenging part of the route, huh?”. Cậu ta thở dài: “Why I do this?” Tôi tưởng tượng trong đầu cậu ta đang tua nhanh cuộc sống hàng ngày tiện nghi thoải mái nơi quốc đảo quê nhà, và không hiểu tại sao giờ này mình lại nằm đây, lưng chừng núi giữa đại ngàn Sa Pa ở Việt Nam, mệt đứt hơi và không biết làm gì tiếp.
Lần hồi thêm một lúc thì chúng tôi lại gặp một anh trai bản đang nằm khểnh trên một tảng đá. Anh ta nhìn chúng tôi với ánh mắt hờ hững của một vị trên tiên giới thờ ơ dõi theo sự vật lộn của đám chúng sinh. “Còn một cây nữa thôi” anh ta cho biết khi tôi hỏi. Cha mẹ ơi không hiểu sao lúc đó tôi thèm được đổi vị trí cho anh ta thế không biết. Chắc ban tổ chức cũng lường được cung đường này là chỗ các runner dễ bỏ cuộc hay dính chấn thương nhất, nên cắm chốt sẵn một số người để nếu cần thì có thể hỗ trợ được ngay. Tiến vẫn ở phía trước tôi, cách chỉ khoảng mươi bước chân.
Rồi bỗng nhiên tôi nhìn mọi chuyện theo ánh sáng khác. Nếu đã không đầu hàng trước thử thách này, thì hãy lạnh lùng vượt qua nó vì đằng nào cũng còn đường nào khác đâu. Tôi hít thở sâu, nhịp bước. Khớp gối và các cơ chân trở nên mềm hơn. Tôi không dừng lại nghỉ nữa, chỉ tập trung cho bước đi tiếp sau. Chân phải, chân trái, chân phải, chân trái. Tôi đi nhanh hơn, vượt qua Tiến và nới dần khoảng cách. Đường cũng bắt đầu đỡ dốc hơn thì phải. Leo thêm một đoạn nữa tôi gặp một runner đứng tuổi và cao lớn người nước ngoài. Bác này vượt tôi từ vài check point trước nhưng giờ lù lù ngay trước mặt. Bác ta khom lưng, một tay chống vào đầu gối, một tay bám vào vách đá, thở hổn hển. Trông bác y như một người đang quảng cáo cho một loại dược phẩm tăng lực nào đó, ý là trước khi uống. Tuổi tác đã phát huy tác dụng, tôi nghĩ vậy. Liếc nhìn bác để chắc chắn là bác vẫn OK không cần trợ giúp gì đặc biệt, tôi tiếp tục đi. Bước chân trở nên mạnh mẽ hơn hẳn, thậm chí những đoạn không dốc lắm, tôi đã có thể chạy lúp xúp.
Không còn GPS, tôi chỉ áng chừng quãng đường chạy xem đã sắp tới đỉnh dốc chưa. Qua một chỗ ngoặt, chợt thấy Asger ngồi ngả ngốn trên một phiến đá lớn. “Congratulations, you’ve made it”, Asger nói với tôi. Wow.”How is the road ahead, up or down?”, tôi hỏi. “Still up for about 750m, but not that steep, can you do it?”. “Yeah”. Thực ra thì sau thử thách vừa rồi, mọi chuyện chỉ là muỗi. Tôi tiếp tục chạy, chỉ đi chậm lại khi cảm thấy nguy hiểm. Đường lúc này bám theo triền núi, rộng vừa một người đi. Bên tay phải là thung lũng hun hút. Sâu khoảng 1 km phía dưới là con đường cơ giới ngoằn nghèo mà đứng từ trên này trông chẳng khác gì một dải ruy-băng xám buộc chặt lấy quả núi. Có lẽ đây là cung đường đèo năm ngoái chăng? Trời đổ mưa, mới đầu chỉ lộp bộp nhưng dần trở nên nặng hạt. Mưa mát lạnh làm tiêu bớt sự mệt mỏi. Chạy trong mưa làm sinh lực của tôi hồi phục. Đường mòn dẫn vào một cung đường rộng nơi có một chiếc xe tải đang đỗ. Lái xe ngồi ở ghế phụ, mặc đồng phục ban tổ chức thò đầu ra khỏi cửa xe. “Extra check point. You can fill your bottles here”, cậu ta nói với tôi bằng tiếng Anh. Tôi chìa 2 chai để một người đàn ông dân tộc dốc nước từ một cái bình lớn sang. “From now, only downhill, 5km,” cậu ban tổ chức bổ sung thêm. “It’s the best news of the day”, tôi giơ ngón tay cái lên và cũng trả lời bằng tiếng Anh dù cả hai đều là người Việt.
Cung đổ dốc khá vòng vèo và dài lê thê, đường cấp phối toàn những viên đá lổn nhổn to như nắm tay. Tôi chạy rất sung, bung hết sức dưới trời mưa lạt xạt. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe máy Minsk vọt qua. Mãi rồi đường cấp phối cũng nhập vào đường đèo, rộng hơn, nhưng cũng xấu y như vậy. Nước đọng thành vũng, bắt đầu có vệt bánh xe. Tôi chạy trong mưa rả rích giữa những cánh rừng với thấp thoáng đây đó những mái nhà của một bản người Dao Đỏ. Thỉnh thoảng lại gặp một nhóm các bà người Dao lưng đeo gùi đi theo chiều ngược lại. Người Dao đỏ da ngăm ngăm, phụ nữ cạo sói trán như đàn ông bị hói, đầu vấn khăn đỏ thành búi lớn. “Topas còn xa không các bác ơi?”, tôi hỏi. “Cũng còn hơi xa một tí”, một bà trong đám trả lời. Chẳng hiểu cách định nghĩa xa gần của người dân tộc là như thế nào, nhưng tôi tin xa có nghĩa là xa.
Con đường đất xấu kết thúc đột ngột như một tập phim truyền hình Hàn Quốc, đâm thẳng vào một cung đường trải nhựa phẳng lì. Gần tới đích rồi. Tôi chạy, đi rảo, rồi lại chạy. Lý do khiến tôi không muốn chạy liên tục vì thực sự tôi không biết đường còn bao xa nữa, tôi muốn dành ít sức lực còn lại cho đoạn về đích cho nó xôm, không muốn tiêu nốt vốn liếng trên đường. Rồi những nếp nhà của Topas Ecolodge nổi bật trên triền đồi cuối cùng cũng hiện ra. Áng chừng từ đây đến đó còn khoảng hơn nửa cây, tôi bắt đầu guồng chân chạy. Cảm giác lâng lâng.
Cuối cùng cũng đến cổng của Topas, rẽ vào con đường trải đá với hai bên là hàng quốc kỳ của 40 nước có runner tham gia VMM ’14. Mọi người dọc theo con đường đều vỗ tay cổ vũ cho tôi, tôi đập tay với lần lượt từng người. Từ xa tôi nhìn thấy vợ con đứng chờ ở vạch đích. Giọng Asger vang trên loa: “One more full marathon runner from Vietnam, Luong Pham”. Tôi chạy ào qua vạch Finish.
Chuẩn bị về đích
Cảm giác về đích thật choáng ngợp. Hỉ hả, sung sướng, nhẹ bỗng, bình an. Bốn năm phó nháy cả Tây cả ta chĩa camera ào tôi bấm liên tiếp như thể tôi vừa hoàn thành một cuộc đua vô địch thế giới. Asger nói đúng. VMM không phải là giải vô địch thế giới, nhưng hãy cứ thể hiện như thể đây là một cuộc đua vô địch thế giới. Ai cấm. Nhiều người tới bắt tay tôi chúc mừng, trong đó có Long, cũng là một thành viên của Hội LDR. Một thành viên ban tổ chức nhổ lá cờ Việt Nam cắm ở trong một cái chậu cây đưa cho tôi cầm để chụp ảnh. Vợ con ôm tôi cười sung sướng. Cảm giác thật tự hào.
Chung cuộc tôi về đích lúc 17:20, sau 09:28 phút trên đường, xếp thứ 33/72. Một kết quả không tốt như dự tính, nhưng làm tôi hoàn toàn hài lòng.
Các runner Việt Nam cự ly 42k
Nếu có ai nói rằng các vận động viên marathon phải là những con người có tố chất đặc biệt, thì từ bản thân mình mà suy ra, tôi thấy không phải như vậy. Đúng là họ có sức khỏe tốt, có ý chí và có sự khổ luyện, nhưng họ có thể là bất kỳ ai. Theo thống kê của ban tổ chức thì VMM ’14 thì có gần 40% số runner tham gia cự ly 42km có độ tuổi từ 40 trở lên, một lứa tuổi mà thể thao đã bắt đầu mang tính dưỡng sinh. Và nhân vật nổi bật nhất VMM ’14 là một runner ngoài dự kiến, em bé gày gò 8 tuổi người Hmong tên là A Chang. A Chang từ đâu xuất hiện ở vạch xuất phát cự ly 21km trong bộ quần áo lem luốc và cặp dép tông. Em xuất phát cùng và chạy theo mọi người. Ai cũng nghĩ em sẽ chạy một quãng rồi thôi, vậy mà cứ như thế em theo luôn một mạch về đến đích, hoàn thành cự ly bán marathon đầu đời.
Vì vậy nếu bạn muốn thử thách bản thân, muốn nếm trải và tận hưởng những gì như tôi đã trải qua, hãy luyện tập và sẵn sàng cho VMM năm sau. Giống như hầu hết mọi chuyện trong cuộc sống, enjoy or endure, it’s up to you.
A Chang chạy về đích
Phạm Thúc Trương Lương
Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân
Anh Lương là một trong những người Việt Nam đầu tiên về đích của cự ly Full Marathon 2014. Đây là hành trình được các vận động viên thế giới đánh giá là đẹp và khó khăn nhất thế giới.