Xã hội - giải trí

Đại học không vì lợi nhuận

Đăng bởi: hangnt | 14/7/2015

Mời các Tinhvaner cùng lắng nghe quan điểm của nhà ngoại giao Tôn nữ Thị Ninh về cách quản lý quỹ trong các trường Đại học nhé.

Tôi có bốn năm thực tiễn theo đuổi dự án thành lập một trường đại học tư thục không vì lợi nhuận và thời gian đó đã phải “vật lộn” với ngộ nhận khá tai hại giữa đại học vì lợi nhuận và đại học không vì lợi nhuận.

Giai đoạn đầu triển khai, khi nhóm sáng lập tiếp xúc với một vài đại gia để vận động họ đầu tư cho một trường đại học tư thục không vì lợi nhuận thì họ tỏ ra khó hiểu khái niệm này và chất vấn: “Tư thục sao lại không vì lợi nhuận?”. Sau đó khi quảng bá dự án với các nhà đầu tư tiềm năng, chúng tôi đành không sử dụng cụm từ đó nữa mà phải lái theo dạng “đại học tư thục hướng tới lợi ích chung” (private university committed to public service). Trong khuôn khổ một hội nghị về giáo dục đại học, chúng tôi cũng đã thắc mắc trực tiếp với một vụ trưởng của Bộ Giáo dục Đào tạo về lý do áp đặt mô hình công ty cổ phần vào đại học tư thục, kể cả khi đại học đó chọn phương thức không vì lợi nhuận. Tiếc rằng, chúng tôi không nhận được bất cứ lời lý giải nào.

Ở Việt Nam, tôi cho rằng, câu chuyện đại học vì lợi nhuận và đại học không vì lợi nhuận đang tồn tại ngộ nhận ở những mức độ khác nhau, không chỉ trong công chúng mà cả trong một bộ phận nhất định của giới chuyên môn và thậm chí của viên chức cơ quan chuyên trách là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cho đến gần đây hầu như người ta đồng nhất đại học tư thục với đại học vì lợi nhuận.

Trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển như Mỹ và Anh, những đại học tư thục có chất lượng nhất là các trường danh giá như Harvard, Princeton, Stanford hay Oxford, Cambridge đều là không vì lợi nhuận. Đại học Harvard có nguồn tài chính hơn 32 tỷ USD; Đại học Princeton và Đại học Stanford: hơn 18 tỷ USD; Đại học Cambridge và Đại học Oxford: hơn 7 tỷ USD, chủ yếu do các doanh nghiệp, cựu sinh viên và những mạnh thường quân đóng góp. Mặc dù họ rất giàu có và nguồn tài chính khổng lồ của họ được giao cho những công ty quản lý quỹ rất chuyên nghiệp đầu tư lấy lãi cho trường, nhưng không cá nhân nào được chia lợi nhuận, cổ tức và số tiền lãi đó được sử dụng để vận hành và phát triển trường.

38_8_1346977215_97_Harvard

Đương nhiên để làm được điều đó cần tổ chức quản trị đại học (governance) một cách phù hợp dựa trên nhận thức đúng về vấn đề “sở hữu nhà trường”. Ta thử phân tích trường hợp Đại học Harvard. Nếu hỏi ai là chủ sở hữu Đại học Harvard thì không thể trả lời John Harvard, người đầu tiên đã hiến tặng khoản tài chính để bắt đầu thành lập trường. Công ơn của người sáng lập Harvard được ghi nhận chỉ với bức tượng tôn vinh ông đặt ở vị trí trang trọng trong trường. Cũng không có cổ đông, nhóm hay tập thể cổ đông, nhà đầu tư nào có thể coi là chủ sở hữu. Sau mấy thế kỷ vận hành và phát triển, có thể xem Đại học Harvard là tài sản hữu hình và vô hình mà các thế hệ mạnh thường quân, giáo sư và nhà nghiên cứu, sinh viên – quá khứ và đương đại – đã tạo nên giá trị và thương hiệu của đại học xếp hạng số một thế giới. Nói cách khác, chính cộng đồng đó là chủ sở hữu Đại học Harvard. Điều này thể hiện qua quyền quyết định (quyền lực) ở hai cơ chế quản trị chính của Đại học Harvard: (1) Hội đồng giám sát do cựu sinh viên Harvard bầu; (2) Nghiệp đoàn Harvard (Harvard Corporation/ The President and Fellows of Harvard College) gồm 13 cựu sinh viên Harvard. Qua việc này có thể thấy Harvard Corporation không phải là công ty trong đó quyền lực nằm trong tay Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị, nghĩa là chủ yếu trong tay các nhà đầu tư vốn (hữu hình).

Đại học tư thục vì lợi nhuận vẫn sẽ tồn tại ở Việt Nam nhưng theo tôi ở tầm quốc gia và nếu muốn đảm bảo chất lượng cao, bền vững và triển vọng vươn lên trước mắt ở tầm khu vực thì giáo dục đại học tư thục chủ yếu phải là không vì lợi nhuận và quan hệ hỗ tương với các trường đại học công lập. Với tầm nhìn như thế, nhà nước về lâu dài nên tạo thêm điều kiện pháp lý cho các đại học tư thục hoàn toàn không vì lợi nhuận.

Tôi cho rằng, điều kiện cơ bản về pháp lý và quản trị mà trường đại học tư thục không vì lợi nhuận cần là không áp đặt loại trường này phải tổ chức theo dạng công ty cổ phần mà cho phép tổ chức như một quỹ từ thiện chẳng hạn, sao cho không bị chi phối bởi khái niệm cổ phần, cổ đông, cổ tức – nghĩa là ít nhiều bởi khái niệm vì lợi nhuận.

Cuối cùng tôi nuôi hy vọng những người, những thực thể có nguồn tài chính thích hợp để đóng góp cho sự ra đời hay phát triển của một trường đại học ở Việt Nam hiện nay là các doanh nhân thành đạt và các công ty vững mạnh sẽ đóng góp một cách sáng suốt vì tầm nhìn rộng lớn và lâu dài của nền giáo dục Việt Nam qua việc “hiến tặng” – hiểu như “endowment” – của nhiều doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp lớn – những người thành đạt đầu tư trở lại cho cộng đồng.

Tôn Nữ Thị Ninh (theo VnExpress)