Đạo đức làm ăn
Tạo ra lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất của hầu hết doanh nghiệp, nhưng điều đó không hẳn sẽ giúp họ trường tồn. Nhật Bản có hơn 21.000 công ty tuổi đời trên 100 năm, nhiều nhất thế giới. Trong đó có 8 công ty đã tồn tại hơn 1.000 năm.
Điều gì giúp họ thách thức thời gian? Giáo sư Makoto Kanda tại đại học Meiji Gakuin chỉ ra hai điểm chung: luôn tôn trọng chữ tín và không đặt lợi nhuận lên đầu.
Tôi may mắn được tham gia dự án đánh giá, đào tạo và phổ biến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) tại Việt Nam theo ISO 26000 do EU tài trợ gần 10 năm trước. ISO 26000 được xem là “kinh thánh” cho những doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, đang được hàng ngàn doanh nghiệp thực hành trên toàn cầu. Và “đạo đức kinh doanh” là một trong bảy nguyên tắc để thực hành trách nhiệm xã hội theo bộ tiêu chuẩn đó.
Trong hơn bốn năm tham gia dự án, gặp các doanh nghiệp, tôi đã có những khảo sát, phân tích và chứng thực về khái niệm này. Thứ nhất, đạo đức doanh nghiệp luôn đến từ cam kết đạo đức của vị lãnh đạo cao nhất. Thứ hai, tiếng nói của khách hàng luôn tạo ra áp lực thay đổi theo hướng tốt hơn cho doanh nghiệp, đôi khi còn mạnh hơn luật pháp. Thứ ba, doanh nghiệp càng có xu hướng áp dụng các chuẩn mực đạo đức thì càng thành công, phát triển ổn định, và khách hàng sẽ tự tìm đến nhiều hơn.
Đặc biệt, tại Việt Nam, đạo đức kinh doanh có một tính chất dị biệt. Nhiều công ty thực hành kinh doanh bằng cái tâm trong sáng nhưng không muốn được biết đến vì “chỉ muốn yên ổn làm ăn”. “Làm kinh doanh tử tế khó lắm anh ạ, có bao nhiêu thứ để lo toan trong khi vẫn cố giữ mình trong sạch”, một doanh nhân nói với tôi, “Tôi sợ nổi tiếng quá thì phải đón nhiều đoàn ‘thanh cha, thanh mẹ, thanh dì’. Anh biết đấy, họ mà thường xuyên hỏi thăm thì rất dễ biến doanh nghiệp mình không còn tử tế đúng nghĩa, cho dù mình rất muốn”.
Nhiều học giả phương Tây cho rằng đạo đức kinh doanh chỉ mới được nghiên cứu và thảo luận từ những năm 1960. Vào cuối những năm 1970, một số trường đại học ở Hoa Kỳ bắt đầu đào tạo về đạo đức kinh doanh.
Nhưng theo nghiền ngẫm và quan sát của tôi, đạo đức kinh doanh đã được đề cao trong xã hội phương Đông từ hơn 2.500 trước. Bài thuyết pháp đầu tiên sau khi trở thành bậc giác ngộ hoàn toàn của Đức Phật Thích ca chính là Bát chánh đạo. Đó là tám con đường chân chính mà con người cần hành trì nếu muốn thoát khỏi khổ đau trên thế gian này. Một đại đệ tử của Đức Phật – thương gia Suddatta – có thể coi là người đã thực hành đạo đức kinh doanh từ thời đó. Mục đích công việc kinh doanh của ông là để có điều kiện làm việc thiện, cứu trợ những người nghèo khổ và cô độc, nên ông còn được gọi là Cấp cô độc.
Khi nghiền ngẫm về Bát chánh Đạo, tôi nhận thấy ít nhất năm con đường có thể áp dụng cho đạo đức kinh doanh: nhận thức chân chính, tư duy chân chính, ngôn ngữ chân chính, hành động chân chính và sinh kế chân chính. Nói theo ngôn ngữ kinh doanh, doanh nghiệp có đạo đức là doanh nghiệp có tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược, giá trị cốt lõi và ngành nghề hoạt động nương tựa nhất quán theo ít nhất năm trong tám con đường chân chính Đức Phật đã chỉ ra.
Một ví dụ không hiếm ở Việt Nam: doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp tư bản thân hữu, phục vụ nhóm lợi ích nào đó (mà không phải nhân dân). Họ là những doanh nghiệp không chân chính ngay từ trong nhận thức và tư duy của những người lập ra chúng. Vì không được xây dựng trên nền tảng đạo đức, những công ty đó rất khó, hay là không thể, trở thành những doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức.
Một trong những doanh nhân hiện đại triệt để thực hành đạo đức kinh doanh và rất thành công trên thương trường là Yvon Chouinard, nhà sáng lập Tập đoàn Patagonia (Mỹ). Yvon nổi tiếng vì triết lý kinh doanh “không khuyến khích tiêu dùng” để hạn chế tác động xấu tới môi trường và xã hội.
Thông điệp ông nhắc đi nhắc lại với công chúng trước khi bỏ tiền ra mua sản phẩm của công ty mình: hãy sửa chữa, tái sử dụng, tái chế thứ đang có đến khi không dùng được nữa. Là người chuyên tâm hành trì thiền Nhật Bản, Yvon cho rằng một khi các hoạt động sản xuất kinh doanh đã đạt đến cảnh giới hoàn hảo thì lợi nhuận sẽ tự đến mà không phải mong cầu.
Dù “can ngăn” khách hàng mua sản phẩm của mình, nhưng ông vẫn có nhiều khách hơn, phát triển tốt hơn. Ông cũng là người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận “1% for the Planet” vào năm 2002, nơi hiện quy tụ trên 1.800 thành viên tại hơn 45 quốc gia và cam kết đóng góp 1% doanh thu cho bảo vệ môi trường.
Tôi mong một ngày, tên doanh nghiệp Việt Nam sẽ có trong “1% for the Planet” chứ không chỉ là danh sách “doanh nghiệp tỷ đô”. Tôi cũng hy vọng sẽ sớm có tổ chức “1% for Vietnam” do các doanh nghiệp Việt lập ra để tài trợ cho các dự án môi trường tại Việt Nam, với đóng góp là những đồng tiền sạch từ hoạt động kinh doanh tử tế.
Một lần, tôi trao đổi câu chuyện “can ngăn khách hàng” của Yvon Chouinard với một chủ doanh nghiệp Việt Nam có thâm niên gia công hàng cho Patagonia, ông nói: “Yvon kêu gọi điều tử tế cho xã hội suy cho cùng là tạo phước cho chính bản thân mình được hưởng lâu dài. Doanh nghiệp của tôi cũng phải nỗ lực liên tục mới được gia công hàng cho ông ấy”.
Không ai chọn được nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cho mình cách sống. Cũng như câu nói này, doanh nhân có thể chọn giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp mình. Thực hành kinh doanh tử tế cũng như đem hạt giống tốt vùi trong lòng đất ẩm, sớm muộn cũng có ngày hưởng hoa trái ngọt lành.
Nguồn Nguyễn Đăng Anh Thi – Vnexpress, Chuyên mục Góc nhìn