Xã hội - giải trí

Điều ước cho 2016

Đăng bởi: hangnt | 8/1/2016
Tôi có một thói quen, mỗi khi đi đâu xa, nhìn thấy cảnh gì đặc biệt, tôi lại mở điện thoại ra để xem cùng lúc đó những người “ở nhà” – tức là các cư dân thành thị như tôi – đang quan tâm đến điều gì. Chúng thường khác xa nhau về tính chất.

Tháng 1, tôi đi vào thăm trạm y tế một xã rất nghèo của tỉnh Đăk Lăk, nằm sâu trong những rẫy cà phê. Người dân ở đó không có tiền mua một viên paracetamol giảm đau khi ốm. Các bác sĩ thì phải xin xỏ đồng bào để… được chữa bệnh, được tiêm vắc-xin, vì đồng bào chỉ tin cúng bái. Sáng hôm ấy, Facebook vừa bị hacker tấn công, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 vừa đăng quang và một nữ ca sĩ hàng đầu nước ta vừa có “người tình tin đồn” ở tuổi thất thập. Không cần nói cũng biết đây sẽ là những chủ đề được quan tâm hàng đầu ở những nơi có Internet, nơi người dân có tiền mua cả vỉ paracetamol và nghiện Facebook.

Tháng 9, tôi ngồi ăn bánh tráng cuốn cá nục trong nhà chị Thủy, một người mẹ đơn thân ở Quảng Ngãi. Thoạt nghe thì tưởng là đặc sản, nhưng thật ra là bởi nhà chị không có gì ngoài cá nục. Chồng chị đi biển lâu ngày, rồi sinh nghi ngờ ghen tuông. Bị chồng bạo hành, chị bế con đi ở nhờ rồi làm mướn ở cảng cá, thù lao bao nhiêu chị dành hết để con đi học, còn nhà chị chỉ có cá xin được sau mỗi chuyến tàu ở cảng. Chị ăn cá nục quanh năm. Lần này, khi tôi mở điện thoại ra, những chủ đề nghiêm túc hơn một chút. Sau nhiều sự kiện, đặc biệt là chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Trung Quốc, Biển Đông trở lại là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Nhưng cạnh đó, vẫn không thể thiếu việc một thần đồng bóng đá Việt chuẩn bị sang Nhật thi đấu; lễ hội trung thu tưng bừng, hoành tráng và giá iPhone 6 đang giảm mạnh.

1379926895049

Tôi tự hỏi rằng liệu những “đồng hương” đô thị của tôi, trước màn hình vi tính, khi quan tâm đến vấn đề Biển Đông (cạnh tin về iPhone 6), liệu có thể nhìn nhận nó cặn kẽ dưới góc độ con người đến mức nào. Những ngư dân “bám biển” kia, không chỉ đánh bạc về tài sản, về tính mạng, mà còn đánh bạc cả hạnh phúc và niềm tin.

Tháng 11, tôi đứng trước một đám đông những đồng bào người Dao Đỏ xếp hàng chờ trong mưa lạnh để lấy 100 nghìn tiền hỗ trợ của nhà nước. Họ đứng từ sáng sớm, trên đỉnh núi, mưa rét căm. Họ thậm chí không biết ký tên, điểm chỉ để nhận hỗ trợ. Ngày hôm trước đó, tôi nhìn thấy một cuốn sổ theo dõi tử vong ở xã Phan Thanh, Bảo Lạc, Cao Bằng. Từ đầu năm có 22 trường hợp tử vong thì 8 người tự tử bằng việc ăn lá ngón. Chuyện tưởng là nằm trong chữ của Tô Hoài từ 50 năm trước. Hóa ra đồng bào dường như vẫn sống một đời sống tinh thần nhiều bế tắc. Tôi lại giở điện thoại ra. Cristiano Ronaldo và Messi, ai sẽ là quả bóng vàng? Một cuộc luận chiến về việc tại sao biển số đẹp lại chỉ gắn vào xe sang. Một phát biểu về bóng đá Việt Nam của Lee Nguyễn cũng đang gây tranh cãi.

Tôi sẽ không kết luận, vì sẽ cần đến một cuộc điều tra thật quy mô và chi tiết để biết rằng những người dân đô thị đang quan tâm đến phần còn lại của dân số tới mức độ nào. Nhưng cần phải biết rằng, cái gọi là “thành kiến đô thị” (urban bias) – khi mà dân đô thị chỉ quan tâm đến các vấn đề của mình, cho dù họ có nhiều nguồn lực và tác động chính sách hơn để giải quyết các vấn đề của đa số, là rất dễ mắc phải. Cho dù là ở các quốc gia phát triển. Đài BBC của Anh từng bị khiếu nại vì suốt ngày chiếu tin tức đô thị dù một phần lớn dân Anh vẫn sống ở nông thôn.

Năm 2015 trong tôi là một cảm giác về khoảng cách. Tôi cứ rời xa những con phố đông đúc thành phố là lại như rơi vào một thế giới khác, thế giới mà thậm chí mình chưa từng biết, đối mặt với những vấn đề mình chưa tưởng tượng ra. Như là chuyện của chị Thủy, của người chồng đi biển rồi ghen tuông, nhà chỉ có cá nục ăn. Như những bác sĩ không “ăn” phong bì mà còn phải cho tiền bệnh nhân để được chữa cho họ.

Nếu khoảng cách về suy nghĩ ấy thực sự tồn tại, thì có thể những lời kêu gọi đổi thay là vô nghĩa.

Nhưng tất nhiên năm 2015, tôi cũng gặp nhiều điều tích cực. Những người phiêu bạt, rời bỏ cuộc sống thành thị để đi khắp nơi tặng sách, chữa bệnh. Tôi gặp một bạn trẻ sinh năm 1988, lên miền núi làm lãnh đạo xã theo “Chương trình 600”, nhà ở quê rất có điều kiện nhưng vẫn đóng bộ tuềnh toàng và đi xe máy xuống từng bản, loay hoay học từng chữ tiếng dân tộc.

Năm 2015, tôi nhìn thấy nhiều nỗ lực sẻ chia. Những cuộc tranh cãi xem thế nào là “từ thiện đúng cách” cũng là một nỗ lực để sẻ chia nhiều hơn.

Năm 2016 này, nếu có một lời chúc, hay đúng hơn là một hy vọng, tôi muốn chúng ta có nhiều sẻ chia hơn nữa. Tất nhiên là quan tâm đến Ronaldo và Lee Nguyễn cũng cần, ai cũng cần giải trí trong áp lực xô bồ của phố thị. Nhưng hãy thử rời xa chốn thị thành, chúng ta sẽ thấy, còn bao khó khăn cần nhiều hơn sự sẻ chia.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)