Xã hội - giải trí

Hà Nội còn đâu phố vắng?

Đăng bởi: editor | 30/8/2014

So với thế hệ của cha mẹ mình, những người trẻ tại Hà Nội đang có một cuộc sống tiện nghi hơn, hiện đại hơn. Thế nhưng, chính sự đô thị hóa đó đã làm mất đi nhiều điều quý giá mà chỉ có những người đã từng chứng kiến Hà Nội xưa mới có thể thấy hết được.

Xưa nay, Hà Nội vốn tự hào là thâm trầm, cổ kính, lặng lẽ hơn so với một Sài Gòn xô bồ, ồn ã, ken đặc người… Đã có bao nhiêu bài hát về Hà Nội với hình ảnh những con phố vắng, những quán cóc liêu xiêu, dáng giai nhân trên đường vắng… Các nhạc sĩ đã thể hiện rõ sự thiên vị của họ dành cho Hà Nội, với những bài hát về bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, và cả thời khắc giao mùa chốn Hà thành. Có lẽ, xét về cả chất và lượng thì chỉ có các tác phẩm về xứ Huế mộng mơ là cạnh tranh được với những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội…

Thế nhưng, Hà Nội của hiện tại có còn thâm trầm, cổ kính như lời các thi sĩ, nhạc sĩ xưa ca tụng?

anh4

Nhớ về Hà Nội của những năm tháng cũ, tôi thường nhớ về những vỉa hè thoáng đãng thưa bóng người lại qua, những trưa Hè mình tôi đạp xe trên đường vắng, những ngõ nhỏ lặng lẽ – lối tắt bí mật nối những con phố chính.

…Đó là Hà Nội của những năm tôi còn là một cô bé 11, 12 tuổi, cái thời mà chỉ một cuốc xe từ Hoàn Kiếm lên Cầu Giấy đã được coi là một cuộc phiêu lưu nho nhỏ. Cái thời mà chỉ cần dạo bước trên vỉa hè ngập lá vàng trong gió Thu lồng lộng, hít căng lồng ngực bầu không khí mát mẻ trong lành đã đủ làm tôi thấy lòng xôn xao hạnh phúc. Phố xá Hà Nội ngày ấy vắng hơn bây giờ, người ta ra đường không đeo khẩu trang và cũng chẳng phải lo đến nguy cơ bị ung thư trong tương lai vì hít phải quá nhiều khói bụi.

Hà Nội bây giờ ngày càng trở nên xô bồ giống Sài Gòn, nhưng lại không thể cạnh tranh với những thế mạnh hiển nhiên của Sài Gòn như dịch vụ tử tế hay cuộc sống phóng khoáng vô tư.

Ngày nay, nhà bê tông cao tầng mọc lên như nấm ở Hà Nội, lấn át một dúm ít ỏi các “mái ngói thâm nâu”. Không gian xanh ngày càng trở nên khan hiếm, và đôi khi chúng vẫn phải nhường đất cho các tòa nhà. Vỉa hè không còn là nơi thích hợp để đi bộ nữa, mà chính là lòng đường. Những con phố ta có thể đi dạo giờ chỉ còn giới hạn ở một vài nơi trong quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Đến cả lòng đường cũng chật hẹp hơn vì sự xuất hiện ngày một dày đặc của các loại ô tô. Đó là chưa kể những con đường bao năm vẫn cứ nằm trong “quy hoạch” và tu bổ… Đến cả lòng người cũng trở nên “chật hẹp” khi người ta chỉ biết nghĩ cho mình mà thờ ơ trước cộng đồng. Nhiều người thích xây ban công kiểu “vươn dài” “đón” nắng, càng lấn chiếm, càng cơi nới diện tích thêm chừng nào càng hay chừng ấy – chẳng mảy may suy tính việc làm của mình gây ảnh hưởng đến mỹ quan chung như thế nào.

Cũng không hẳn là Hà Nội đã đánh mất toàn bộ vẻ đẹp vốn có. Là người thích chụp ảnh, thi thoảng tôi vẫn lang thang quanh đường phố Hà Nội để chụp những ngôi nhà cũ, những ngõ nhỏ xinh xinh, những góc phố quen mà lạ… Thế nhưng để có được những góc ảnh đẹp, nhiều khi tôi phải canh suốt nhiều phút liền, vì đường phố lúc nào cũng ken đặc những người với những chiếc ô tô cục mịch táo tợn tạt qua sát sạt.

Tôi vẫn yêu Hà Nội của bây giờ. Nhưng đó là một tình yêu “bao dung”, như cái cách một cô vợ quyết định nhắm mắt cho qua những tật xấu của ông chồng bệ rạc nhiều năm sau ngày cưới. Một kiểu quan hệ yêu-ghét điển hình. Muốn yêu Hà Nội, ta phải chấp nhận là có những điều tồi tệ mãi không được cải thiện, trong khi các vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn: thời tiết ngày một khắc nghiệt, ô nhiễm không khí, giao thông hỗn độn… Điều an ủi duy nhất là Hà Nội đã có thêm nhiều tụ điểm giải trí, sân chơi và các rạp chiếu phim nên ta không còn phải than thở như ngày xưa, rằng “Hà Nội chả có gì để mà chơi” nữa.

Theo Elle