Lời chào tròn hay méo
Trong một chuyến du lịch Hongkong cách đây vài năm, quãng đường từ sân bay về khách sạn, anh tài xế vui tính luyên thuyên hỏi han tôi đủ thứ chuyện. Anh hỏi lan man từ chuyện lấy vợ chưa, tại sao lại chưa, có tìm bạn gái nơi đây không, mua bán chỗ này là bịp khách đấy, chỗ kia là hợp lý, ăn mỳ vằn thắn chỗ nọ mới đúng khẩu vị… Xe tới khách sạn, nhân viên sảnh lễ tân ra mở cửa xe và chào tôi đầy đặn bằng thứ tiếng Việt lơ lớ đủ cả tên cúng cơm.
Một thoáng ngạc nhiên, vui vẻ, sau khi nhận đủ hành lý được bê xuống từ thùng xe, tôi “típ” thêm chàng trai bản xứ vài đôla. Tôi tự đặt dấu hỏi tại sao nhân viên khách sạn lại biết chính xác tên mình? Hai phút tôi có câu trả lời.
Trong quá trình di chuyển trên taxi, những thông tin cơ bản về quốc tịch, tên tôi đã được tài xế bằng cách nào đó thông báo trước về khách sạn. Cho dù đó là một “nghiệp vụ” của ngành du lịch xứ sở này để làm vui lòng khách đến thì dù đánh giá như thế nào đi chăng nữa vẫn phải công nhận đó là một phương pháp hay. Họ, chí ít đã lấy được cảm tình của một người xa lạ.
Tôi đã từng xem nhiều clip trên mạng Internet, trong ấy chan chát nội dung đối thoại giữa người dân và cảnh sát giao thông ở Việt Nam trong những tình huống kiểm tra vi phạm lặt vặt. Vô số trường hợp bắt đầu căng thẳng ngay từ lời nói bắt lỗi đầu tiên: “Anh đã chào tôi chưa, ơ kìa?”. Anh cảnh sát ngượng nghịu, lúng búng vung tay lên vành vũ kếp-pi khiên cưỡng chào rất nhanh kiểu cho có rồi vào việc luôn: “Tôi chào anh rồi đấy nhé, anh cho kiểm tra giấy tờ!”. Một lời chào “méo miệng”.
Tôi cũng không rõ động tác chào theo điều lệnh ấy có vất vả lắm hay không mặc dù quy định là bắt buộc. Đôi khi tôi cũng tự hỏi rằng tại vô số trụ sở công quyền tiếp dân, đóng thuế, công tác hành chính… nụ cười và lời chào hỏi ban đầu với người dân của cán bộ hình như giống như vô số loài thú trong sách đỏ đang bên bờ “tuyệt chủng”. Đằng sau lớp kính ngăn cách đục lỗ thông âm ấy là những gương mặt mệt mỏi, cau có, mỗi lời nói gắt gỏng như mệnh lệnh và thường xuyên đều đặn thiếu chủ ngữ.
Nỗi vất vả của bên nào là thường trực? Có lẽ không cần khảo sát thì cá nhân mỗi người dân đều nhiều ngần ngại khi bắt buộc phải đến chốn công quyền.
Mới đây, trong mỗi ngày làm việc của cán bộ, chiến sĩ điểm cấp mới, cấp đổi chứng minh nhân dân, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội (44 Phạm Ngọc Thạch) bắt đầu bằng việc chào dân nhằm thể hiện sự tôn trọng và nhắc nhở về chức trách phục vụ nhân dân.
Cho dù loáng thoáng đâu đó một chút gượng gạo nhưng tôi thấy đây là một tín hiệu le lói đáng mừng, rất cần thiết được nhân rộng khi cái hố khoảng cách giữa cảnh sát nói riêng và công quyền nói chung với người dân ngày càng rộng miệng.
Có quan cách đến đâu, một nhân viên công quyền khó lòng hách dịch quát tháo ngay được với người đối diện mà mới trước đó vài chục giây, mình vừa phải đứng nghiêm chào – dù là chào theo điều lệ.
Tôi cũng chả dám mơ ước xa xôi, chỉ mong rằng, đến lúc nào đó những vị cán bộ khi đối diện với nhân dân, gửi tới chúng ta một nụ cười và lời chào tự nhiên nhất có thể.
Có lẽ chỉ cần hao hao tươi tắn giống như những người phục vụ nhà hàng, dịch vụ, bán vé cầu đường BOT… thì khi ấy, ắt những vụ việc chống người thi hành công vụ, phàn nàn dịch vụ công cũng sẽ thuyên giảm đáng kể. Tôi tin là vậy. Có ai muốn đôi co căng thẳng, lằng nhằng, hoạnh họe khó chịu với một “đầy tớ” đầy trách nhiệm vừa lịch lãm gật đầu chào mình.
Phản xạ chào hỏi cũng có thể mai một, kém tự nhiên hơn nếu chúng ta ít sử dụng nó. Lời chào hỏi là một hành vi văn hóa cần thiết trong cuộc sống văn minh. “Tác dụng phụ” duy nhất của nó, tôi tin, sẽ chỉ làm người đối diện tôn trọng, có thiện cảm với ta hơn.
Tất nhiên đó nên là một lời chào tròn tiếng.
Hoàng Minh Trí (Theo VnExpress)