Xã hội - giải trí

Một la mã, xuống dòng,…

Đăng bởi: editor | 16/4/2015

Thời Tony đi học, có nhiều thầy cô giảng rất hay, sinh viên ngồi nghe thích thú. Còn cũng có vài “tiến sĩ gây mê ”, đứng trên bục cầm cái micro nói cái gì đó không rõ, dưới này cả trăm đứa, loi nhoi ghi chép đâu được 5 phút là gục ngã. Chỉ còn vài bạn ngồi bàn đầu còn chép được, gần tới ngày thi thì là nguồn tài liệu cho “xóm nhà lá” mượn photocopy. Vì thật ra, chỉ là môn chính tả. Giáo viên: một la mã, định nghĩa, xuống dòng, a nhỏ, dấu hoa thị, hai nhỏ. Rồi giải lao. Rồi vô tiếp tục hai la mã, xuống dòng…

mot la ma Sau này qua nước ngoài, thấy giáo trình y chang nhưng phương pháp lại khác. Thầy Peter dạy môn Biology, phòng A210, 9AM -11AM. Cô Mary cũng dạy môn này, giảng đường khác, giờ khác. Muốn học ai thì vác mẹt đến giảng đường đó. Mình phải lên mạng coi cái trang của giảng viên, họ yêu cầu đọc trước chương 7-8 trong giáo trình và nghiên cứu các vấn đề liên quan từ mọi nguồn tài liệu, thư viện, google…Lên lớp thầy đứng ở dưới, sinh viên ngồi thành hình vòng cung cao hơn ổng, giống trong mấy nhà hát. Ông vô giới thiệu đâu vài ba câu rồi thôi. Sinh viên giơ tay hỏi, ổng trả lời. Mà cũng hẻm có ai chưa đọc bài mà dám đến lớp. Vì lỡ ổng chỉ định, Tony mày trả lời giùm câu hỏi của thằng Jimmy, mình lắc đầu nói hẻm biết thì nhục. Ổng hỏi mình 2 lần mà lắc đầu thì thôi, ổng ghi nhớ, bữa sau không gọi nó nữa, coi như là đứa nhảm nhí. Còn các bạn trong lớp thấy vậy thì hẻm ai thèm nói chuyện với mình luôn, vì họ khinh bỉ mấy đứa dốt và lười.

Nếu bạn làm giáo viên, nếu bạn đang giảng mà dưới kia sinh viên ngủ ngáy khò khò, thì nên coi lại mình, coi lại phương pháp truyền đạt sao không thu hút. Nhiều người cứ chê sinh viên ngu, không hiểu bài…trong khi đúng ra là lỗi của họ. NGƯỜI NGHE KHÔNG HIỂU LÀ LỖI CỦA NGƯỜI NÓI. Mình gặp nông dân mình nói khác, gặp nhà doanh nghiệp nói khác, sinh viên 18 tuổi nói khác, hạc sinh 12 tuổi nói khác….còn gặp ai cũng có một cách nói y chang vậy là do mình kém cỏi. Làm thầy giáo là phải dạy hay chứ không phải có nhiều bằng cấp. Tiến sĩ mà không có công trình khoa học nào, không có bài báo quốc tế nào thì việc sở hữu cái bằng ấy lại có tác dụng ngược. Vì sĩ diện, mình ráng kiếm bằng để người khác tôn trọng nhưng lại bị sinh viên coi thường, mục đích cuối cùng không đạt được.

Bắt tụi nó đọc trước, tìm hiểu trước, trên lớp, đứa nào không hỏi được thì mời ra ngoài. NÓ PHẢI ĐẶT CÂU HỎI CHO MÌNH, CHỨ HẺM PHẢI MÌNH ĐẶT CÂU HỎI CHO NÓ. Câu hỏi nào có trong sách thì kêu đứa khác trả lời. Câu hỏi khó thì mình mới ra tay. Làm thầy mà! Sau đó kêu tụi nó về nhà viết bài thu hoạch, viết gọn trong 200-300 chữ, email lại ngay tối hôm đó. Tui dạy 10 buổi, chỉ cần ngồi tổng hợp lại 10 bài, khỏi thi. Còn đứa nào trốn hạc thì thi, qua được thì OK. Cần gì phải quản lý bằng biện pháp nhảm nhí là điểm danh?

Còn đổi mới phương pháp rồi mà tụi nó vẫn ngủ, thì mình nên tính chuyện đổi nghề. Ví dụ như xuống bệnh viện vô khoa gây mê xin làm. Thay vì tiêm thuốc mê rất hại cho sức khỏe, nói ê-kíp mổ cầm dao kéo chờ mình, mình đứng cầm micro giảng liền, một la mã-xuống dòng-gạch đầu dòng-dấu hoa thị…. Bệnh nhân sẽ mê man bất tỉnh, tha hồ mà mổ xẻ. Khi mổ xong thì mình cũng ngưng giảng bài, để bệnh nhân hồi sức. Nhớ cho bác sĩ đeo tai nghe để không bị gục lên gục xuống.

Hoặc mình chuyển qua làm bảo mẫu. Sáng vô trường mầm non, cũng một la mã xuống dòng gạch đầu dòng… các bé mầm non sẽ vui vẻ ngủ, khỏi dỗ dành. Tới giờ ăn là mình ngưng, để tụi nó thức dậy đồng loạt. Cho tụi nó tắm rửa xong thì mình hai la mã. Cho tụi nó ngủ trưa.

Cũng có thể kinh doanh lợi thế của mình. Thu âm bài giảng của mình rồi gửi bán ở mấy tiệm thuốc tây, ghi là “đây là sản phẩm thay thế thuốc ngủ”. Dù bị mất ngủ cỡ nào, nghe đến “năm la mã” thì ngáy vang như sấm…

(Theo Tony Buổi Sáng)

Tags: