Xã hội - giải trí

Mức phạt cao nhất

Đăng bởi: hangnt | 1/10/2015
Vài tháng trước, khi tôi viết bài về thói quen leo lên vỉa hè của những người tham gia giao thông ở nước ta, một độc giả của VnExpress đã bình luận: “Chỗ tôi ở, cảnh sát giao thông nhiều khi còn bắt mọi người trèo lên vỉa hè mà đi vì nếu không thì sẽ tắc nặng hơn”.

Các con đường của nước ta đang quá tải để có thể tuân thủ luật lệ. Ngay cả những người chấp pháp đôi khi cũng phải chấp nhận thực tế ấy.

Có rất ít lựa chọn ngoài phương tiện cá nhân. Sau một cuộc nhậu, nếu anh không muốn tự lái xe về nhà thì có thể sẽ phải tốn đến năm, bảy trăm nghìn đồng tiền taxi cho hai chiều, vì hôm sau còn quay trở lại lấy xe. Người ta sẽ không lựa chọn giải pháp đó. Họ sẽ lái xe về, còn chuyện bị phạt thì coi như “trời gọi ai, nấy dạ” vì thực tế là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, lực lượng cảnh sát giao thông trên dân số cũng tương đối mỏng.

120727121132-364-450

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị phạt nặng hơn, từ 150% (với các trường hợp có nồng độ cồn cao trong máu ) cho đến tận… 1000% (với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc).

Bản thân tôi tin rằng, việc tăng mức phạt sẽ khiến người điều khiển phương tiện “chùn tay” trước các hành vi phạm. Đó gần như là một logic hiển nhiên. Nhưng rất nhiều ý kiến đồng tình với bình luận trên cho thấy một thực tế khác, sự quá tải giao thông sẽ thôi thúc người ta vi phạm từ những điều nhỏ nhất. Leo lề, quặt ngang chuyển làn hay quay đầu xe vì phía trước là một đám đông tắc đường đáng sợ. Và tôi đồng ý mức phạt có khả năng giải quyết phần nào đó tình trạng, vẫn sẽ chỉ là một giải pháp của bề nổi.

Tôi nghĩ đến hình phạt cao nhất: không cho người ta sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nữa. Một số nước đã áp dụng được “hình phạt” này, nhưng không phải bằng một sự can thiệp hành chính thô bạo theo kiểu “cấm xe máy” hay “biển chẵn đi ngày chẵn”. Đơn giản là xã hội đã đầu tư đủ mạnh cho hệ thống giao thông công cộng. Những công dân đã “bị” tước mất cả cái nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân. Tại sao phải tự đi xe cho mệt khi có thể đi tàu?

Tôi thấy một người Đan Mạch cười cợt khi nghe giả thuyết, rằng ở nước họ, vì thuế xe, bảo hiểm và thuế xăng quá cao (thuộc hàng cao nhất thế giới), nên người dân ít sử dụng phương tiện cá nhân. Anh ta nói rằng thuế cao thì thu nhập dân tôi cũng cao, mấy nghìn euro một năm chả nghĩa lý gì. Chỉ đơn giản là họ không có nhu cầu phải tự đi xe vì sử dụng phương tiện công cộng đơn giản hơn nhiều.

Thuế xe ở nước ta không rẻ, thậm chí so với thu nhập bình quân thì cũng là cao bậc nhất hành tinh. Ai cũng biết rằng, bản thân thuế đã là một loại “chế tài” để hạn chế phương tiện cá nhân rồi. Nhưng rất nhiều người cũng vẫn nghiến răng mua xe ngay khi có điều kiện. Nhà nghèo thì bán thóc mua cho con cái xe máy lúc nhập học đại học. Nhà trung lưu thì vay ngân hàng sắm ôtô. Xe chen chúc đầy phố và đè dải phân cách cứng bất kỳ lúc nào. Khi không có lựa chọn, những chế tài cũng bị ý chí đè bẹp.

Hành trình để đưa ra được “hình phạt” tối thượng là không cho người ta cả lý do để sử dụng phương tiện cá nhân nữa, không hề đơn giản. Ngay cả Nhật Bản, đất nước có hệ thống tàu điện nổi tiếng nhất thế giới về sự chính xác và là niềm tự hào quốc gia, cũng đã trải qua những giai đoạn khốn khó. Thập kỷ 80, những bến tàu quá tải, tập đoàn Japan Railways đầu tư thua lỗ. Và lúc đó, họ phải kêu gọi sức lực của cả xã hội – cổ phần hóa một phần Japan Railways với hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư để có được ngày hôm nay.

Có rất nhiều thứ cần được tiến hành song song để giải quyết bài toán giao thông. Nâng cao ý thức, cải thiện tình trạng quy hoạch đô thị, hoàn thiện các chế tài (như Bộ Giao thông đang làm), và tất nhiên, là cho người dân thêm những lựa chọn.

Nhưng có rất nhiều thứ không thể tiến hành song song. Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của quốc gia, niềm hy vọng của nhiều người trong đó có tôi – một người sống ở ga cuối của tuyến Yên Nghĩa – Cát Linh, đang lùng bùng trong những rắc tối. Hôm qua tôi đọc báo và lại thấy chữ “tổng thầu” đập vào mắt:  Nhà thầu Trung Quốc lại vẫn lần khần dây dưa trước những nhắc nhở nhẹ nhàng của Bộ Giao thông Vận tải.

Hai tuyến đường huyết mạch nối trung tâm thủ đô với Hà Nội mở rộng không biết đến bao giờ mới hết cảnh ùn tắc. Và tôi gấp tờ báo lại. Giấc mơ về “hình phạt” lý tưởng kiểu Bắc Âu hay Nhật Bản, thậm chí đang không thể bắt đầu.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)