Mỳ tôm và Giáng sinh
Lần cuối chúng tôi xuống thăm, chị đã rất yếu. Chị ngồi thở dốc trong “căn nhà” nổi lềnh bềnh trên sông, giữa một khung cảnh đầy ám ảnh. Nhà chị nhiều gấu bông. Phải có đến cả trăm con gấu bông to nhỏ chất đầy trên giá. Những con gấu không được sạch sẽ và thơm tho như nhà người, chúng lem luốc.
Nhung thích gấu bông. Đi học lớp tình thương, thỉnh thoảng có quà từ thiện, em không chọn gạo, chọn bánh, mà lúc nào cũng chỉ lấy gấu bông. Cả xin và nhặt nhạnh ở những đâu về nữa, rồi Nhung có một bộ sưu tập gấu đủ loại. Chị Mai, lần cuối gặp, cười cười khó nhọc với chúng tôi, là có lúc trêu nó, bây giờ nhà không có tiền mua thuốc cho mẹ, gom hết chỗ gấu này lại đem bán cũng được mấy trăm bạc đấy. Nhưng Nhung không chịu.
Căn phòng ấy ám ảnh. Bởi nó nói lên rằng cuối cùng thì Nhung, ở độ tuổi của một thiếu nữ, cũng có mơ ước bình thường như mọi thiếu nữ đô thị khác, muốn có một căn phòng đầy gấu bông, một thứ lãng mạn mà có thể ai đó sẽ nói rằng phù phiếm trong hoàn cảnh của em.
Căn phòng đầy gấu bông ấy nói lên một khía cạnh rất ít được quan tâm của những người nghèo, là đời sống tinh thần của họ. Khi tiếp cận người nghèo với mong muốn giúp đỡ, người ta sẽ có xu hướng đề cập ngay đến quần áo ấm, thực phẩm, các vật dụng gia đình khác. Cao hơn nữa, sẽ có giáo dục. Tôi đặc biệt tôn trọng một nhóm thanh niên đã lập nên chương trình “Lớp học trên thuyền” để phụ đạo cho những em bé sống trong những căn nhà nổi trên sông Hồng. Nhưng cuộc sống của những con người ấy, còn nhiều thứ khác bị bần cùng hóa, ở khía cạnh tinh thần, ở văn hóa. Nhung đã cương quyết chống lại sự bần cùng hóa ấy bằng việc nhặt ở bãi rác nào đó một con gấu bông.
Tất nhiên là những khía cạnh vật chất cần được quan tâm trước nhất. Nhưng chúng ta đối mặt với nguy cơ về một phương thức giúp đỡ bị “đơn điệu hóa”. Những người giơ ngón tay hình chữ V với nụ cười hớn hở bên cạnh những con người lam lũ để chụp ảnh trong các chuyến từ thiện, sẽ có xu hướng nghĩ rằng thế là đủ. Nhiều phong trào tình nguyện sẽ cương quyết tập trung vào khía cạnh này mà không gì khác.
Chúng ta đều hiểu, rằng sự nghèo nàn về đời sống tinh thần có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp hơn cả nghèo nàn về vật chất, cả cho chính cuộc đời họ lẫn cho an sinh xã hội.
Lại sắp đến một mùa Giáng sinh, rồi Tết Dương lịch, và Tết âm lịch, quãng thời gian mà tinh thần lá lành đùm lá rách sẽ lên cao. Tôi bắt gặp những con người, những phong trào “mỳ tôm cho người nghèo và không gì hơn thế” ở khắp mọi nơi. Tôi không nghĩ rằng chúng ta thiếu năng lượng xã hội để giúp đỡ họ về các khía cạnh khác, chỉ là thường xuyên quên mất. Tôi bắt gặp những đoàn thanh niên, hăng hái quyên góp nhu yếu phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn – nhưng rồi cũng chính họ, khi xuống trao quà, không có lấy một cuộc trò chuyện, không có sự sẻ chia về mặt tinh thần. Họ chụp ảnh, rồi vội vàng ra về. Họ không phải không có thời gian làm việc ấy. Họ thậm chí có thể đàn, có thể hát. Nếu thực sự năng lượng xã hội chỉ đến mức ấy thôi, tôi cũng ủng hộ rằng ta nên dồn lực cho nhu yếu phẩm, nhưng đó là một thứ mà tôi gọi là “định kiến mỳ tôm”.
Hồi tháng 8, tôi vô tình quen hai cặp yêu nhau ở hai đầu thành phố. Một sống dưới bãi sông Hồng còn một sống trong xóm chạy thận khu Lê Thanh Nghị. Tôi muốn tặng họ một món quà. Tôi hỏi người bạn đồng hành, này, bây giờ tặng ảnh cưới có phù phiếm quá không nhỉ. Bởi vì có thể, những người ấy sẽ không bao giờ được mặc bộ váy cưới một cách trọn vẹn. Anh trả lời, tiền thì ăn mấy bữa là hết, tặng ảnh cưới đi. Tôi gọi người bạn chụp ảnh, chính người đã chụp ảnh cưới cho vợ chồng tôi, bỏ ra một ngày lên Ba Vì làm cho họ hai album ảnh cưới đàng hoàng – giống với thứ vợ chồng tôi đã có.
Hai cặp vợ chồng ấy vẫn khó khăn lắm, từ tiền nhà đến tiền ăn. Nhưng mỗi lần xuống thăm, thấy cái cách họ lôi album ảnh ra cho khách xem, rồi cẩn thận cất lại nâng niu quyển album, tôi tin mình đã làm một việc đúng. Xoay xở để kiếm ăn chắc họ làm được, nhưng những niềm vui, những kỷ niệm không vướng với cuộc sống cơ cực, chẳng biết tìm đâu ra.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)