Xã hội - giải trí

Những ‘bản án’ không có công đường

Đăng bởi: hangnt | 4/6/2016
Ở một ngôi làng trung du lúp xúp những mái nhà vách đất lợp lá cọ, chúng tôi đi tìm một người con gái.

Cô gái ấy, nhiều năm về trước một người bạn của tôi đã gặp khi đi làm công tác xã hội. Khi mới 15 tuổi, cô ấy lên thành phố tìm việc làm rồi bị lừa. Công an giải cứu cô bé từ một quán cà phê kích dục ở gần sông Đuống, rồi đưa về làng. Anh bạn tôi ám ảnh mãi vì số phận của cô bé năm nào. Anh cảm thấy áy náy vì không giúp được gì cho cô. Anh sợ cái cô phải đối mặt sẽ là điều tiếng của người làng khi đi ra từ một “động quỷ” nơi thành phố, chứ không phải là chuyện mưu sinh. Khi anh kể tôi nghe, tôi bảo “đi” rồi hai người lên xe máy phóng 100 cây số lên mạn ngược, trong một ngày rét, đi tìm và sửa cái sự áy náy ấy.

Nhưng sự áy náy của anh không bao giờ được cứu vãn. Khi chúng tôi tìm đến căn nhà xác xơ, chỉ còn người mẹ. Cô gái trẻ đã hóa điên, bỏ đi đâu lang thang không biết. Và khi gặp gỡ những người trong làng, như là ông bố chồng – người rít qua kẽ răng để nói về “quá khứ hư hỏng” của con dâu – thì chúng tôi hiểu vì sao cô bị điên.

kham-pha-moi-la-ve-sk-tam-than-1406470966988

Trời hôm ấy mưa phùn gió bấc, rét căm căm, chúng tôi nhìn ra ngoài trời và không hiểu rằng một con người không tỉnh táo sẽ sống sót thế nào khi phong phanh lang bạt dưới thời tiết đó.

Bây giờ mỗi lần đi lên phía Bắc, ngang qua cái huyện ấy, tôi lại tự hỏi rằng có điều gì có thể thay đổi được trong câu chuyện đau lòng này? Và có một thứ mà tôi biết chắc rằng có thể làm tốt hơn: danh tính của cô gái trẻ. Vụ án triệt phá cái quán cà phê diễn ra cách ngôi làng nhỏ bé này hơn 100 cây số và cô hoàn toàn có thể được đưa về làng mà không ai biết cô được giải cứu từ đâu, nếu người ta muốn làm thế. Đằng này, hỏi ai cũng biết. Một nạn nhân bỗng trở thành một kẻ bị kỳ thị căm ghét với định kiến của những làng quê.

Chúng ta đang đòi hỏi hệ thống chính quyền phải minh bạch. Nhưng rất thường xuyên, ta giật mình nhận ra rằng các nhà chức trách đang không nhạy cảm với thông tin.

Hình ảnh và danh tính của các nghi can (xin nhấn mạnh là nghi can) được cung cấp hồn nhiên cho dù chưa ai kết tội họ. Đôi khi là danh tính các nạn nhân. Hoặc trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp điêu đứng vì thông tin của những cuộc thanh kiểm tra được tung ra công luận – một cách sai nguyên tắc.

Các bà mẹ sẽ không quên một thương hiệu sữa dê suýt bị xóa sổ khỏi thị trường sau khi Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cung cấp những thông tin liên quan đến công ty sản xuất và sản phẩm ra công luận. Những thông tin này sau đó được xác minh là không chính xác.

Chuyện tương tự lặp lại với công ty chuyên sản xuất xúc xích. Doanh nghiệp này đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng và đứng bên bờ vực phá sản sau khi lực lượng quản lý thị trường Hà Nội công bố với báo chí rằng trong xúc xích của họ “có chất cấm gây ung thư”. Quản lý thị trường hoàn toàn không có chức năng kết luận việc này, không có quyền công bố những thông tin này, đặc biệt là khi gắn với tên doanh nghiệp. Từ chỗ sản xuất cả trăm tấn xúc xích mỗi tháng giờ họ phải ngừng sản xuất, 100 công nhân phải nghỉ việc vì cái sự “minh bạch” sai chức năng của cơ quan công quyền.

Dư luận sẽ luôn tiếp nhận và chia sẻ thông tin tiêu cực nhanh hơn thông tin tích cực. Như thế nghĩa là khi định kiến đã hình thành thì quá trình “nói lại cho rõ” là vô cùng gian nan và đôi khi là… vô ích.

Sự “hồn nhiên” của các nhà hữu trách có thể tuyên án chung thân với nhiều số phận. Giá mà cô gái điên mà chúng tôi không tìm thấy và biết là còn sống hay đã chết kia, giờ này vẫn lúi cúi trong bếp củi, ở một căn nhà tranh thôi cũng được, nấu cơm chờ chồng đi làm đồng về. Nếu như không bằng cách nào đó, cả làng biết cô từ đâu trở về.

Đức Hoàng (Theo VnExpress)