Phụ nữ và thần đồng
Công ty nằm trong ngõ nhỏ quận Phú Nhuận, TP HCM. Giám đốc là một cô gái trẻ, tên là Phan Thị Mỹ Hạnh. Cô rất ngạc nhiên khi tôi đến. Công ty bé tí, nên anh em ra quán cạnh đó nói chuyện.
Công ty làm dịch vụ tin học nhưng em rất mê truyện tranh. Qua mỗi cuốn truyện, em thấy được cuộc sống, văn hóa của cả dân tộc Nhật Bản. Tại sao mình không thử. Nước mình đánh nhau nhiều, nên cuốn đầu em làm về “danh tướng Việt Nam”. Thất bại thảm hại. Vì họa sĩ xịn, vẽ đẹp quá. Trẻ con đọc truyện tranh thích những hình vẽ người mất cân đối, đầu to, mông bé. “Anh cứ nghĩ mà xem, nó vẽ bố mẹ chỉ có cái đầu còn chân tay như que tăm”, Hạnh giải thích.
Một điều khó là dù truyện tranh hàng trăm tập cũng chỉ nên có một nhân vật nhất quán. Một hôm Hạnh mua được cuốn truyện Trạng Việt Nam. Em chợt nghĩ, sao không gộp tất cả chuyện này vào. Đổi tất các trạng thành Trạng Tý, cuối mỗi tập kể lại câu chuyện gốc. Bạn bè được đặt tên là Sửu, Dần, Mão. Em lấy luôn tên họ của em đặt tên cho làng. Thế là xong.
Rồi Hạnh phát hành sách định kỳ. Em giải thích làm thế để bảo vệ bản quyền, hạn chế các đầu nậu sách kiếm lời từ sản phẩm của mình. Khi tôi chê sách in xấu, giấy đen sì, em bảo đó cũng là cách ngăn chặn in lậu, vì giấy đen thế khi đem photocopy ra sẽ bị nhòe, khó bán. Hạnh còn cho viết một chương trình để quản lý các nhân vật để khi có kịch bản xong là lắp vào ngay.
Tôi lặng nghe em nói, những điều quá sâu sắc từ một cô gái còn rất trẻ.
Thời điểm đó, theo lời Hạnh, mỗi số truyện tranh, nhà xuất bản bán được 100.000 bản, một tháng là 200.000 bản. Nhưng lợi nhuận, sau khi trừ hết chi phí chẳng còn được bao nhiêu. Tuy vậy Hạnh nói: “Em thấy vui vì trẻ con thích”.
Tôi thấy tiếc, nếu ở nước phát triển, em có thể kiếm được rất nhiều tiền từ bản quyền. Nhưng có lẽ đó không phải là mục tiêu của Hạnh. Em đã biến đam mê của mình thành sản phẩm, mang lại niềm vui cho rất nhiều trẻ con Việt Nam. Và với tôi, đó là một buổi cà phê đầy cảm hứng, để tôi đi tiếp con đường của mình, lúc đó còn rất khó khăn.
Tôi nhớ đến câu chuyện này khi dư âm ngày 8/3 vẫn còn đâu đó. Phụ nữ có khả năng làm được những việc phi thường. Họ không cần phải là thần đồng. Họ tạo ra thần đồng.
Nguyễn Thành Nam (Theo VnExpress)