Tản mạn bóng đá Ngoại hạng Anh & quản trị doanh nghiệp
Ngoại hạng Anh (Premier League) chưa hẳn là giải đấu chất lượng nhất nếu so sánh với La-Liga hay Bundes-liga nhưng ở đó người ta tìm thấy sự sôi động, cuồng nhiệt và tinh thần cống hiến cho cái đẹp của bóng đá và đó là điều làm nên sự thành công của giải đấu này. Hôm qua khi chứng kiến MU thất bại trước Sunderland và hôm nay chứng kiến sự bế tắc của Arsenal trước Leicester (trước khi Leicester thiếu người) thì quả thật có quá nhiều cảm xúc cho người hâm mộ món túc cầu này.
Không ai nghĩ rằng một đội hình đầy ngôi sao trị giá gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần của MU so với chủ sân The Light lại bại trận bạc nhược như vậy. Điều đó cũng tiếp thêm niềm tin cho Leicester trước khi vào trận với đội chủ sân Emirate – Arsenal. Xem Arsenal và Lei đá trong hiệp 1 thì không ai còn nghi ngờ khả năng vô địch của Lei nữa. “Ngựa ô” hay những cụm từ “mỉa mai”, ngờ vực các đội bóng hạng trung, ít tiền với mục tiêu đầu giải chỉ là trụ hạng giờ đây họ đàng hoàng thi đấu ngang ngửa, thậm chí còn lấn sân những ông lớn của ngoại hạng. Vậy thì lý do gì để Leicester từ một đội bóng tầm thường với những cầu thủ “tầm thường” lại có thể thay đổi một cách kỳ diệu đến vậy?
Khi Vardy, một cầu thủ đã 29 tuổi (mức lương chỉ bằng 1/100 lương của Wayne Rooney phía MU) dẫn đầu danh sách và lập kỷ lục khi 11 trận liên tiếp khi bàn ở giải ngoại hạng, người ta vẫn cho rằng đó chẳng qua là một sự ăn may và sớm muộn đội bóng này cũng sẽ trở về với giá trị cố hữu của nó đó là trụ hạng, may mắn thì kiếm được suất dự Champion League hay Europa League. Bởi đơn giản người ta vẫn tin vào sức mạnh của cái gọi là “đẳng cấp” từ các ông lớn với đội hình trị giá hàng tỷ đô mà các đội bóng như đội chủ sân The Light hay King Power sẽ không bao giờ với tới được. Ấy vậy mà cứ lần lượt Leicester đã đem đến cho người yêu bóng đá những bất ngờ khi lần lượt hạ gục các đối thủ từ thấp đến cao một cách sòng phẳng. Họ không quá đặc biệt, không quá nổi trội trong lối chơi, không hoa mỹ như Barcelona hay Man City, không ban bật kinh điển như Arsenal, không đặt nặng việc kiếm soát bóng nhiều như MU… nhưng bù lại là sư hiệu quả đáng kinh ngạc. Sau khi LEI rời sân Etihad của Man City với chiến thắng động trời 3-1 thì có lẽ tất cả đã phải ngả mũ thán phục họ, Ranieri và những học trò xuất sắc của ông đã đem đến cho người xem những bữa tiệc bóng đá để họ tiếp tục giấc mơ và cũng là một điều khẳng định rằng “tiền không phải là tất cả”. Nếu như Leicester vô địch năm nay thì đó cũng là cái kết đẹp của bóng đá cũng như mong ước của nhiều người hâm mộ.
Ranieri đã quá xuất sắc khi dẫn dắt một đội bóng như LEI dẫn đầu giải ngoại hạng đến thời điểm này. Không ngoa nếu có thể nói rằng ông là 50% sức mạnh của đội chủ sân King Power. Nhìn những đường bóng cùng sự tập trung, cống hiến, tinh thần cao độ của các cầu thủ mà ông thổi vào họ thì có thể thấy tài cầm quân và khả năng thu phục lòng người của vị thuyền trưởng này tốt như thế nào. Bóng đá là môn chơi của tập thể, đâu đó có những cá nhân có thể làm thay đổi cả thế trận như Messi hay Maradona nhưng có lẽ thế giới bóng đá cần một người như Ranieri. “Gã thợ hàn” đã tạo ra một thế hệ những cầu thủ vô danh để giờ đây họ trở thành những người hùng giống như Robinhood của thế kỷ 21.
Nhìn sự thành công của Leicester và Ranieri đến thời điểm này lại liên tưởng đến quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam, doanh nghiệp hay coi nhân tố làm nên thành công của họ là phải có nhân viên giỏi, trả lương cao cho những nhân tài, đồng tiền có thể mua được tất cả và quan trọng nhất nhưng đó có lẽ là sai lầm mang tính hệ thống. Hãy quay lại để nhìn nhận từ đội bóng của “gã thợ hàn” Ranieri:
01. Hãy phát hiện, nuôi dưỡng và tuyển dụng nhân sự thật kỹ càng để làm sao cho giá trị cá nhân phù hợp nhất với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. “Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp” là thứ mà không phải ai cũng nhận ra và nhớ đến nó. Những Giám đốc nhân sự, giám đốc tuyển dụng thường không để ý đến yếu tố này, ngay cả những ông chủ hay CEO hầu hết cũng không quan tâm thậm chí còn không biết GIÁ TRỊ CỐT LÕI đó là gì? Đây là bài toán đến hiện tại chưa có lời giải đáp, một phần lớn là do chúng ta chưa nhìn ra tầm quan trọng của điều này trong quản trị doanh nghiệp.
02. Tất cả phải cùng chung chí hướng, đồng lòng cho một mục tiêu. Nhân viên, quản lý, lãnh đạo cần chung một mục đích, nếu không vì một mục tiêu thì đường đến đích và vinh quang sẽ trở nên xa vời. Sự thống nhất, chia sẻ, mạch lạc và rõ ràng trong quản trị là điều hết sức cần thiết đối với các lớp quản lý.
03. Tiền không phải là tất cả, hãy chi trả cho nhân viên công bằng và đúng với giá trị vốn có của họ để họ không ảo tưởng với sức mạnh của mình. “Cái tâm yên thì cống hiến sẽ vô biên”.
Chắc không nhiều người biết rằng, các cầu thủ Leicester thậm chí còn không biết có thưởng hay không nếu họ vô địch. Tâm thế ra sân của họ là thắng từng trận, từng trận để họ được thể hiện mình. Tinh thần chiến đấu đó của họ cũng là những vũ khí lợi hại nhất mà các đối thủ khác đã không dùng tiền để mua được. Các ông chủ của doanh nghiệp thường hay nghĩ rằng cứ trả lương cao, tăng lương nhanh thì nhân viên sẽ làm việc hết sức! Theo tôi đó là sai lầm và lối mòn trong phương thức quản lý, tư duy trồng người và sử dụng nhân sự ngày nay. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam hiện nay không chỉ có bong bóng bất động sản mà còn có cả bong bóng về lương bổng chi trả cho nhân viên.
Tại sao không nếu cuối mùa giải chúng ta được chứng kiến những Vardy hay Mahrez nâng chiếc cúp vô địch và cho dù họ có thể không với tới được chiếc cúp danh giá trong mùa giải này thì đối với tôi và nhiều người hâm mộ họ đã là những nhà vô địch!!!
Chúc mừng năm mới, chúc cho Leicester City sẽ ẵm cup cuối mùa và chúc cho toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững và thành công hơn trong năm 2016.
14/02/2016
Đinh Hồng Sơn
(Giám đốc Tinhvan Consulting Hà Nội)