Xã hội - giải trí

‘Thất thủ’ trước cơn mưa

Đăng bởi: hangnt | 29/9/2016

Sài Gòn “thất thủ”, theo cách gọi của cộng đồng mạng bây giờ, trước kẻ tấn công là cơn mưa chiều qua.

Thành phố năm nào mùa này cũng mưa, những cơn mưa ầm ào hung tợn, những cơn mưa biến phố thành sông, điều đó quá quen. Tuy nhiên, chiều qua sau một trưa oi ả, là cuộc tấn công chớp nhoáng của một cơn mưa.

“Tê liệt”, “rối loạn”, tắc nghẽn”, “bất lực”… là những từ được báo chí sử dụng nhiều nhất để chỉ tình trạng đô thị lớn và hiện đại nhất nước sau cơn mưa chiều. Hàng triệu người đã không thể về nhà đúng giờ. Hàng trăm nghìn gia đình đã dời buổi cơm chiều đến khuya. Trẻ con ngái ngủ trong làn áo mưa khi cha mẹ chúng đứng dầm mình cố giữ cho chiếc xe thăng bằng giữa dòng nước ngập chảy xiết.

Nhân viên tôi xin nghỉ làm sáng nay vì mẹ con các cô ấy mãi 21 giờ vẫn chưa về được đến nhà. Hàng nghìn cuộc hẹn chiều qua ở thành phố này đã bị lỡ. Không chỉ là dòng sông. Nhiều đoạn phố thực sự là dòng thác. Trên mạng lan truyền đoạn clip xe máy bị nước xô ngã và cuốn vèo như chiếc lá, cảnh người dân bấu tay vào cột điện để không bị nước cuốn trôi.

tp-hcm-sau-mua-lon-nhieu-tuyen-duong-ket-cung_3

Tôi đã sống ở thành phố này 25 năm, tôi yêu nơi đây từ cảnh vật đến con người. Cũng như hàng triệu dân thành phố, tôi đã khá bình thản những năm trước đây với khẩu trang kín mặt và dòng người tắc nghẽn giữa trưa khi đâu đâu cũng dựng lô cốt để thi công cống ngầm. Khi ấy, tôi chịu đựng với sự kiên nhẫn vì ngày mai đường thông hè thoáng và hết ngập.

Ai cũng như tôi, mỗi người một chút sẻ chia. Tôi càng tin tưởng và hy vọng hơn khi thành phố thành lập hẳn Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM. Thế nhưng sự chờ đợi của tôi và nhiều người dân cứ dài ra mãi. Kẹt xe và ngập nước đã lớn hơn cả một nỗi ám ảnh, nó quy định tập quán sinh hoạt của người dân.

“Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa” không phải để qua nhà em gái nào như thơ Nguyễn Bính viết, mà để né kẹt xe. Trẻ con dậy sớm hơn nếu không muốn trễ giờ đến lớp. Mỗi ngày ngoài thời gian làm việc, người dân bị cộng thêm chừng một giờ mỗi người cho việc di chuyển nếu so với một thành phố thông thoáng. Khi phố thị vào mùa mưa, bên cạnh việc nhắc con mang theo áo mưa, nhiều phụ huynh còn phải dặn: Mưa to quá thì kiếm chỗ cao ráo rồi đứng yên đấy chờ ba mẹ. Dặn thế là bởi họ sợ con mình tai nạn đuối nước trên phố.

Tôi là nhà báo, công việc của tôi là sống cùng thời sự. Nhưng cơn mưa chiều qua đã khiến tôi nhận ra một điều: chỉ một cơn mưa đủ cho dòng thời sự chính trị lẫn quốc tế bị chìm lút. Đại án tham nhũng, tình ái và tù tội, bầu cử tổng thống… tất cả lu mờ chỉ sau một cơn mưa ngắn. Hàng triệu bạn đọc và khán thính giả sẽ không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc làm cách nào thoát khỏi đám kẹt xe khi nước dâng. Họ bất lực và chỉ còn cách chờ đợi.

Những năm trước đây, sau một cơn mưa lớn, sau bản tin thời sự ban đầu, các báo sẽ chạy tít về nguyên nhân và giải pháp. Ngày mai, sẽ không như thế nữa. Bởi bất kỳ người dân nào cũng có thể tìm thấy nguyên nhân và giải pháp và nói như một chuyên gia. Là bởi báo chí đã nói quá nhiều: nguyên nhân là do quy hoạch, do tầm nhìn, do lấp sông lấp cống, do mật độ dân cư; giải pháp là mở rộng kênh mương, giảm áp lực mật độ dân số đô thị, liên thông chống ngập giữa các vùng, xây hồ điều hoà.

Giờ, tất cả những điều ấy không còn là tin nóng nữa. Nhìn những người nhẫn nại trong đó có chính mình nhích từng chút bánh xe, nhìn những bảo vệ cao ốc hiện đại hối hả chất bao cát được chuẩn bị sẵn để chắn nước vào tầng hầm ở khu Phan Xích Long (Phú Nhuận), tôi nhìn thấy ở đó sự cam chịu. Và tôi nhận ra không chỉ họ, chính mình cũng cam chịu. Cam chịu bởi vì bất lực.

Có một điều tôi không hiểu nổi: Vì sao đô thị lớn và hiện đại nhất nước này, sau rất nhiều những trăn trở đột phá để phát triển, thì chiều nay hàng triệu người lại bất lực trước một cơn mưa?

Hay điều khiến họ bất lực không phải là cơn mưa, mà là một điều gì khác?

Đức Hiển (Theo VnExpress)