“Thế giới sẽ không còn chỗ cho những năng lực trung bình”
“Sự trung bình và những năng lực trung bình sẽ không còn chỗ để tồn tại. Cái thế giới cần sẽ không phải là những gì bạn có trong đầu mà phải là những cái mà bạn sáng tạo ra. Nếu bạn có ý tưởng mà không làm ngay, ở đâu đó trên thế giới này, sẽ có người làm”.
Tác giả Thế giới phẳng Thomas L.Friedman đã có buổi chia sẻ, giao lưu cùng các bạn sinh viên tại Việt Nam vào ngày 7/5/2014 vừa qua
Khoảng một trăm năm sau, các nhà sử gia thế giới nhìn lại, liệu họ sẽ đánh giá sự kiện nào là quan trọng nhất của thế giới vào những thập niên đầu của thế kỉ 21? Có thể có người cho rằng, đó là sự nổi lên của Trung Quốc, sự nổi lên của Việt Nam, sự kiện khủng bố đánh vào nước Mỹ ngày 11/09 hay suy thoái kinh tế, hay đám cưới của hoàng gia Anh… Còn với tôi, sự kiện quan trọng nhất là chính là yếu tố toàn cầu hóa và cách mạng CNTT. Sự kết hợp này diễn ra vào đầu những năm 2000 và chúng nâng tầm lẫn nhau. Toàn cầu hóa thúc đẩy cách mạng CNTT và ngược lại. Khoảng 10 năm trước, thế giới đã diễn ra một sự kiện rất lớn lao, vĩ đại, đó là thế giới chuyển từ trạng thái kết nối sang siêu kết nối, trạng thái liên kết lẫn nhau đến phụ thuộc lẫn nhau.
Tôi cho rằng chúng ta đang trải qua một thời khắc rất quan trọng – thời khắc Zuckerberg. Khi mà thông tin được chuyển thành tri thức và tri thức được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay chúng ta đang ở trong thời điểm có những thay đổi lớn lao giống như thời Gutenberg phát minh ra máy in. Khi đó, một nhà sư đã nói: “Wow, giờ đây chúng ta không cần phải ghi chép nữa, chúng ta có thể in ra những điều chúng ta muốn nói một cách tiện lợi và nhiều lần”.
Năm 2004, khi tôi viết cuốn “Thế giới phẳng”, tôi nhận thấy có bốn nhân tố xuất hiện đồng thời vào khoảng thời gian năm 2000 làm thay đổi thế giới. Thứ nhất là sự xuất hiện của máy tính cá nhân. Máy tính cá nhân giúp chúng ta tạo ra những sản phẩm của riêng mình dưới dạng bit và byte. Khi đó, những nội dung như sách, thậm chí những phác đồ có thể chuyển thành dạng số. Và vì nó dưới dạng số nên nó có thể gửi đi và được nhận bởi nhiều người cũng như từ nhiều nơi khác nhau, dưới các cách thức khác nhau. Thứ hai là sự xuất hiện của mạng Internet. Mạng Internet cho phép chúng ta gửi những nội dung như tôi đã nói ở trên đến nhiều nơi trên thế giới, đồng thời tới nhiều người nhận khác nhau. Nhân tố thứ 3 là sự xuất hiện của phần mềm xử lý công việc. Những phần mềm này cho phép con người ở khắp nơi trên thế giới hợp tác với nhau, tương tác lẫn nhau. Ví dụ như tôi ở Mỹ có thể hợp tác với các bạn ở Việt Nam và ngược lại, các bạn ở Việt Nam cũng có thể tương tác với những người ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới. Thứ 4 là sự xuất hiện của Google. Google với tư cách là một cỗ máy tìm kiếm thông tin, cho phép tôi tìm kiếm thông tin của bạn, bạn tìm kiếm thông tin của tôi. Và 4 nhân tố trên đã tạo nên cơ sở cho cái mà tôi gọi là Thế giới phẳng. Thế giới đó có nhiều thông tin hơn, từ nhiều người hơn, từ nhiều nơi trên thế giới, có thể trao đổi với nhau với giá rẻ hơn rất nhiều và hiệu quả hơn rất nhiều. Dựa trên nhận định đó, tôi tuyên bố: Thế giới là Thế giới phẳng.
Năm 2004, nếu tôi là một tác giả trung thực thì tôi đã đặt tên cho cuốn sách là “Thế giới đang được làm phẳng”. Tuy nhiên, vì cuốn sách mang tên “Thế giới phẳng” nên tôi đã bán được 50 triệu bản tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khi đó, có khoảng 1 tỉ người trên thế giới biết đến những điều mà tôi đề cập ở trên – nền tảng cho thế giới phẳng. Thực tế, lúc đó thế giới chưa phẳng. Tuy nhiên, điều tôi dự đoán đã thành hiện thực. Vì sao tôi khẳng định như vậy? Bởi vì, năm 2011, khi tôi viết một cuốn sách khác cùng với người bạn của tôi là Matthew Tobias, việc đầu tiên tôi làm là lấy phiên bản đầu tiên cuốn sách Thế giới phẳng xuất bản năm 2004 để xem lại và nhìn lại phần phục lục của cuốn sách. Khi đọc đến phần A, B, C, D, F của cuốn sách, tôi thấy một điều rất quan trọng: Năm 2004 chưa có Facebook, Twitter cũng chỉ là một âm thanh xa lạ, Cloud vẫn chỉ là mây trên trời – chưa hề có khái niệm đó; Google chỉ mới là một cái tên đặt cho một gara, cũng chưa có Linkedln, chưa có Big Data, chưa có Skype… Tôi nhận ra rằng, công nghệ trong khoảng 10 năm trước đó đã thay đổi, đã xuất hiện và đang tiếp tục làm phẳng thế giới. Điều đó nói lên một sự vĩ đại vừa mới xảy ra. Thế giới đi từ kết nối tới siêu kết nối, từ liên kết nối tới phụ thuộc lẫn nhau. Và điều đó ảnh hưởng tới tất cả công việc chúng ta đang làm, ảnh hưởng tới trường học, sự lựa chọn nghề nghiệp của tất cả chúng ta.
Và tôi nhận thấy rằng, có 4 nhân tố tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Thứ nhất, chúng ta đi từ máy tính cá nhân trở thành điện thoại thông minh smartphone. Điều đó cho phép mọi người ở mọi ở trên thế giới với công cụ rất nhỏ có thể tạo ra những sản phẩm như tôi đã nói ở phía trên và chia sẻ với nhau. Thứ hai là sự xuất hiện của công nghệ không dây và công nghệ broadband cho phép chúng ta từ khắp nơi trên thế giới có thể gửi thông tin với tốc độ cao hơn, chia sẻ các sản phẩm cho nhiều người hơn trên thế giới. Thứ ba là phần mềm xử lý công việc Buffalo Software đang được cải tiến và nâng cấp một cách chóng mặt với sự xuất hiện của Facebook, Twitter, Cloud, Clowdfunding, Clowdsourcing,… những phần mềm cho phép dữ liệu chạy nhanh hơn rất nhiều. Cuối cùng là sự thay thế Google của phần mềm Big Data. Phần mềm này cho phép chúng ta tìm được nhiều dữ liệu hơn dưới nhiều định dạng khác nhau và với khả năng lớn hơn. Tất cả những sự thay đổi đó khiến thế giới thay đổi từ phẳng sang phẳng hơn và nó đang giúp chuyển hoá tri thức của chúng ta thành những sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Thế giới đang thay đổi như vậy nên tôi muốn chia sẻ với các bạn một số điều về thế giới ngày nay.
Đầu tiên, trong thế giới này nếu trở thành một người tiêu dùng thật là tuyệt vời. Tôi có thể lên các trang mạng như amazon.com mua bất cứ thứ gì, từ quần áo đến mọi thứ, thậm chí cả xe hơi với một mức giá rất cạnh tranh, chất lượng cạnh tranh và có rất nhiều sự lựa chọn trên mạng. Điều thứ 2, nếu trở thành một nhà sáng tạo trong thế giới này thì thật tuyệt vời. Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu một công ty mang tầm cỡ toàn cầu chỉ sau một đêm. Các bạn tốt nghiệp trường Business School, các bạn hoàn toàn có thể sử dụng hai thứ: smartphone và credit card để sau một đêm, bạn có thể lập ra một công ty có tầm cỡ toàn cầu.
Tuy nhiên trong thế giới này, nếu trở thành hiệu trưởng của trường Bussiness School thì thật là khó khăn. Hay nói cách khác lãnh đạo trong thế giới này là một công việc thật khó khăn. Ngày nay thời kì độc thoại đã không còn mà thay vào đó là đối thoại. Bất cứ lãnh đạo nào dù là Hiệu trưởng hay Tổng bí thư đều cần phải có đối thoại hai chiều với người dân.
Trong thế giới này sự riêng tư cũng không còn nữa. Hình ảnh tôi mặc gì đều có thể được chuyển đi bởi bất cứ ai sử dụng smartphone. Hoặc một lãnh đạo nào đó đi một chiếc xe hào nhoáng, cũng có thể rơi vào tầm ngắm và đưa lên mạng.
Cũng trong thế giới này, là một công nhân hay một người lao động chân tay sẽ thực sự khó khăn. Tôi cho rằng tính trung bình, năng lực trung bình sẽ không còn chỗ để tồn tại. Bất cứ bạn nào ở trường Business School chuẩn bị tốt nghiệp đều có thể nhận thấy, ở doanh nghiệp nào bây giờ cũng đều có khả năng thuê hoặc tiếp cận những chú robot làm những công việc trung bình mà ngày xưa chúng ta làm. Nguồn nhân lực giá rẻ, cơ chế tự động sẽ thay thế cho năng lực trung bình. Tôi làm việc cho tạp chí Times, gần đây trên báo cỏ một bài nói về nông trường bò sữa ở bang New York đã sử dụng robot để vắt sữa bò. Đây là một chuyện nghe có vẻ rất buồn cười nhưng nó đã diễn ra. Công việc của những người nông dân vắt sữa bò ở nông trường ngày xưa không còn nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần vài người nông dân điều hành phần mềm cho robot vắt sữa bò.
Tôi có hai cô con gái và tôi chia sẻ với chúng rằng: Bố bây giờ đã 60 tuổi rồi. Ngày xưa, sau khi tốt nghiệp đại học, điều quan trọng nhất là bố cần tìm được một việc làm. Ngày nay, các con không phải tìm việc nữa mà phải tự sáng tạo ra việc làm. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa thời đại của chúng tôi và thời đại ngày nay.
Tất nhiên, các bạn có thể tìm được một công việc mà ai đó thuê các bạn. Nhưng để tồn tại, phát triển và để được trọng dụng, các bạn phải không ngừng tự sáng tạo, tự tạo ra những giá trị gia tăng mới cho công việc của các bạn, nếu không, các bạn sẽ không còn được trọng dụng nữa.
Vì thế tôi cho rằng, sự trung bình, năng lực trung bình hiện nay không còn tác dụng nữa. Bởi vì bất cứ môi trường nào, ai đó cần gì ở những sinh viên mới tốt nghiệp như các bạn? Họ không cần những thứ bạn đã có trong đầu mà họ cần bạn làm được những gì. Bởi vì ngày nay, Google đã giúp giải đáp gần như tất cả các câu hỏi. Việc họ cần là những giá trị mà chúng ta tạo ra được và chúng ta được trả lương khi tạo ra những giá trị như vậy.
Chúc các bạn có thể sáng tạo ra những việc làm mới trong thế giới ngày hôm nay!
Nguồn: Chương trình giao lưu giữa tác giả Thế giới phẳng
với học viên Viện Quản trị Kinh doanh FSB