Tinh thần thể dục
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA,Việt Nam nằm trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.
Mấy năm trước, lúc tôi còn dạy học. Có bạn học sinh tâm sự: “Thầy! em muốn tập thể dục”.
“Thì em cứ thức dậy sớm rồi chạy bộ mỗi ngày thôi”.
“Em không quen thức dậy sớm. Em nghĩ từ từ thôi, có khi phải đến phòng gym thuê huấn luận viên riêng quá”.
Nghe vậy, tôi biết chắc cậu này khó mà tập thể dục. Bí quyết rất dễ: gạt bỏ tất cả những suy nghĩ chần chừ, bước ra ngoài và chạy hết sức mình. Tập thể dục không phải để tìm kiếm sự thoải mái và dễ dàng mà là để tìm bài học và phát triển chính bản thân.
Trong cuộc đời, tôi đã phải chiến đấu rất nhiều để tìm ra bí quyết này. Tôi bị sinh non trước 3 tuần. Ngày đi học lớp mầm, tôi đã khóc rất nhiều, đến nỗi mẹ buộc phải cho tôi ở nhà tận một năm sau.
Mẫu giáo, lớp một, hai, ba, mỗi lần cả lớp chạy bộ, khoảng 26 học sinh, tôi lúc nào cũng lẹt đẹt gần áp chót, chỉ nhanh hơn được 2 bạn. Tôi được sinh vào cuối năm nên rất nhỏ con so với các bạn. Thiệt thòi như vậy nên tôi phải cố gắng nhiều hơn để bắt kịp mọi người.
Rồi tôi phát hiện ra mình rất thích chạy việt dã, khoảng 10 km. Tôi bắt đầu thi thoảng trốn học để thi chạy với các trường khác năm lớp 9. Phần lớn những người chạy việt dã tốt thường cao và gầy, còn tôi khi đó hơi thấp và cơ bắp. Từ nhỏ tôi đã phụ việc trong nông trại ngựa của gia đình nên cơ thể rất to và nặng. Tôi khởi đầu không giỏi lắm.
Tôi đạt vị trí 75 trong số 100 người, thầm nghĩ “thế cũng khá ổn rồi”. Vì khi đó tôi đâu biết tập thế nào, chiến thuật của tôi là chạy đến kế bên một đối thủ: “Hello, bạn thế nào?”. Rồi trong lúc họ nói chuyện, họ thở hết hơi, tôi vượt lên được một người.
Tôi có anh bạn tên Dane, rất cao và gầy, chạy tốt lắm. Dane hay ở vị trí 20 trong 100 người chạy bộ. Tôi rất vui khi có Dane trong nhóm, chúng tôi thường gặp nhau sau mỗi giờ học, cậu ấy hay trêu tôi chạy chậm như rùa, mặc cho tôi giận cỡ nào đi nữa.
Tôi hỏi bố về cách chạy việt dã để có thể chiến thắng được Dane hay khoe khoang. Bố nói: “Chỉ có một cách. Đi ra ngoài và chạy bộ đi”.
Vậy nên hàng tối, tôi chạy bộ vào rừng khoảng 13 phút.
Cuộc đua tiếp theo, Dane bước đến vỗ vai và tiếp tục trêu, tôi chỉ im lặng. Trong một cuộc đua đông người, khi tiếng còi cất lên, tất cả sẽ chạy ồ ạt rất nhanh, thấm mệt cũng nhanh, rồi sẽ phải dừng lại nghỉ hoặc là tụt lại mấy km. Lúc luyện tập ở nhà, tôi đã thấy được rằng, mấu chốt là mình phải bình tĩnh, hít thở vừa đủ, chạy nhanh vừa đủ để không mệt, giữ được nhịp điệu và tần số ổn định. Tôi vượt qua Dane ở km thứ 3. Nét mặt anh ta không thể tin được luôn. Cảm giác thật tuyệt vời.
Mấy năm trước lúc đi lính, chúng tôi có một cuộc đua tên là Mountain Man. Nó gồm nhiều chặng: Đầu tiên chạy 50 km, tiếp theo là 32 km khi mang 15 kg trên lưng, rồi mang ca nô trên đầu trong 3,2 km, đi ca nô trên sông 10 km, cuối cùng chạy 10 km với 15 kg balo. Có khoảng 350 người tham gia.
Đến chặng mang ca nô trên đầu, nó nặng đến nỗi tôi gần như không thể làm gì được. Tôi đã chạy rất nhanh đoạn đầu, nhưng khi thấy mọi người dần vượt qua mình, tôi gần như muốn khóc. Tôi chỉ có hai lựa chọn lúc này, một là tiếp tục chịu đựng cái ca nô búa bổ hoặc là bỏ cuộc. Và khi tôi tự nhủ “tiếp tục”, thì cơ thể bỗng quen với nỗi đau đó.
Sau 6 tiếng 6 phút, tôi kết thúc với vị trí 32, đứng thứ 2 trong tiểu đoàn.
Làm cách nào tôi có thể hoàn thành được cuộc đua khổ cực ấy? Tôi chỉ đơn giản bước ra ngoài và chạy. Mưa, tôi chạy 2-3 tiếng. Tuyết, tôi chạy 3-4 tiếng. Và tôi yêu điều đó. Lúc chạy tôi chỉ tập trung hít thở, mặc kệ cơn đau trong người, thuyết phục bản thân rằng “mày có thể tiếp tục mà”.
Bài học mà tôi có được từ chạy bộ là sự cố gắng không bao giờ từ bỏ trong cuộc sống.
Tôi bây giờ không còn chạy bộ nhiều như trước nhưng vẫn lấy trải nghiệm đó là gốc cho cuộc đời. Tôi không nhớ biết bao lần phải đối mặt với hai sự lựa chọn “có” hoặc “không”, bao nhiêu lần chạy rồi kiệt sức, không thở được và trong đầu luôn có một giọng nói: “Đứng dậy, chiến đấu đi. Đừng bỏ cuộc! Mình sẽ bỏ hả? Mình yếu đuối hả? Đây là cách mình muốn sống hả? Đứng lên và chiến đấu đi. Không đau đớn thì sao thành công”. Bao nhiêu lần tôi đứng ở chân núi, nhìn lên thấy mây mù, biết sẽ còn chặng đường gian nan, mưa lạnh tát lên mặt như muốn thúc tôi bỏ cuộc. Nhưng nó không thể.
Học tiếng Nhật, tiếng Việt, chiến đấu với những ngôn ngữ và văn hoá khác biệt, tôi đã không bỏ cuộc. Rồi có khi xung đột với những người suy nghĩ khác mình, rất bực mình, tôi chạy bộ 20km từ cầu Phú Mỹ, Quận 7, rồi chạy thêm 20km nữa, đến khi ngã xuống và không thể di chuyển.
Bao nhiêu công việc mới, môi trường mới. Tôi đối diện tất cả, tôi vẫn nhớ cách mình đã chiến đấu, chịu đau khổ và không bỏ cuộc. Đến giờ, đôi khi tôi còn thấy buồn chán nếu lâu lâu chưa có thử thách gì cho mình phát triển tiếp.
Hãy tin tôi: Cái cảm giác mình sắp rơi xuống hố, nhưng một sức mạnh bên trong thúc ta dứng dậy một lần nữa, đó là một trong những cảm giác mạnh mẽ nhất thế giới, một trong những bài học cuộc sống tốt nhất.
Tôi biết chắc tất cả chúng ta đều có khả năng đó, chỉ cần gạt bỏ mọi lăn tăn, đừng tự biện minh kiếm cớ trì hoãn cho mình. Không bao giờ quá già, quá mập, quá buồn chán hay quá trầm cảm để tập thể dục. Không cần có nhiều tiền để có thể tập thể dục.
Chúng ta, tất cả, chỉ cần một thái độ đúng đắn: Nhảy ra khỏi giường, xỏ giầy, bước ra ngoài và chạy đến khi “hết pin”.
Theo Jesse Peterson – Góc nhìn trên Vnexpress
No related posts.