Hành Trình 1/4 thế kỷ

Tinh Vân đã cho tôi sự hồi sinh

Đăng bởi: editor | 6/12/2019

Đó là khoảng thời gian mà tôi sẽ không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời này – khoảng thời gian đánh dấu tất cả những cung bậc cảm xúc của một con người, đánh dấu những kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với Tinh Vân trong suốt thời gian công tác tại công ty. Mỗi lần nhắc đến, cảm xúc trong tôi cứ thế ùa về, ngày ấy…

Tôi vào Tinh Vân từ tháng 7 năm 2007, công tác tại Phòng Hành chính Nhân sự. Bước chân vào môi trường mới với đầy nhiệt huyết và ham mê công việc, cộng với yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi cũng có được một vị trí công tác khá ổn và bản thân rất tâm huyết tại công ty. Cuộc sống lúc đó tưởng chừng như khá viên mãn, nhưng rồi mọi thứ ập đến với tôi khá nhanh và đầy bất ngờ… Tôi bị ung thư, lúc phát hiện ra thì đã di căn hạch cổ… chẳng cần phải diễn tả chắc các bạn cũng hiểu được phần nào tâm trạng của một cô gái mới 28 tuổi, với một người chồng và một đứa con gái vừa tròn 3 tuổi, lúc đó, thật sự là quá suy sụp…

DSC_0335

Chị Tâm – tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ sinh nhật Tinh Vân 20 năm

Tôi nhớ như in đó là ngày 18/6/2008, sau khoảng chục ngày mổ cắt bỏ khối u và vét hạch di căn, ngày tôi “lừa” mấy chị y tá để biết được bệnh án thật của mình mà bác sĩ đang cố giấu tôi. Lảo đảo lết từ phòng bác sĩ lên đến phòng bệnh của mình, người đầu tiên mà tôi gọi điện chia sẻ là anh Hoàng Tô. Tôi không dám nói với chồng, tôi muốn giấu anh để anh và gia đình không phải lo lắng cho tôi quá nhiều (kỳ thực thì tôi không biết rằng lúc đó chồng tôi đã biết nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường để phối hợp với bác sĩ giấu tôi). Thú thực lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao mình lại gọi cho anh Tô, có lẽ bởi trong suốt thời gian công tác, anh là người lãnh đạo luôn cho tôi và các bạn bè đồng nghiệp khác sự tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong công việc và trong cuộc sống thường ngày… Qua điện thoại, tôi cũng đề nghị anh giấu kín chuyện này. Cúp máy, tôi nằm thẫn thờ trên giường, mắt nhìn chăm chăm trần nhà, nghĩ đến cô con gái bé bỏng… 10 phút sau anh Tô đến, anh ngồi cuối chân giường lặng lẽ nhìn tôi với đôi mắt rất đồng cảm. Anh đỡ tôi dậy, đề nghị dìu tôi ra khỏi cái phòng bệnh ngột ngạt ấy và muốn đưa tôi đi uống trà. Xuống nhà thì thấy anh Trần Hoài Phú (hiện là PTGĐ Minh Châu) đã chờ sẵn ở đó. Tôi nhớ rõ lắm, hôm đó trời mưa ngập đường, ngập phố Hà Nội, sấm chớp đùng đùng, mưa xối xả không ngớt… sau một hồi lặng im lắng nghe tôi bla bla những điều không đầu không cuối với một “tâm trạng” không hề nhẹ, câu nói duy nhất anh Tô với tôi là: “Anh nghĩ anh có thể và sẵn sàng tìm cách giúp em, một phần nào, chỉ cần em nghị lực và bản lĩnh!”

Điện thoại réo liên tục, các bác sĩ và y tá gọi tôi về để tiêm. Tôi bất động không nghe máy, nghĩ rằng có tiêm chục mũi lúc này chẳng giải quyết được vấn đề gì. Anh Tô động viên tôi trở lại viện để thực hiện đúng quy trình chữa bệnh. Ngoài trời mưa vẫn to lắm, những hạt mưa nặng trịch cứ điên cuồng xối xuống mặt đường, trắng xóa. Anh Phú dừng xe mua cho tôi cái áo mưa. Về đến gần viện thì nước đã ngập đến nửa ống chân, xe không vào được. Tôi bảo các anh quay xe về đi, để tôi lội nước vào nhưng anh Tô nhất quyết xuống xe lội nước đưa tôi vào tận trong viện. Quay lại nhìn thấy bộ dạng anh ướt nhoẹt, lòng tôi dâng trào sự biết ơn, biết ơn nghĩa cử của một người lãnh đạo!

Những ngày tháng tiếp theo vật lộn với việc chữa bệnh, tôi gặp không ít những khó khăn. Thuốc phóng xạ đợt đó không đủ để điều trị, bác sĩ khất lần mãi mà chưa hẹn được ngày nhập viện. Tôi mệt mỏi, người phù ra vì phải nhịn thuốc hooc môn chuẩn bị cho đợt điều trị phóng xạ. Tôi thấy nản, nhưng nhụt chí nhất là khi biết mình phải cách ly người thân và cộng đồng sau khi điều trị để tránh nhiễm xạ cho người xung quanh. Tôi gần như muốn bỏ cuộc. Lúc này, tôi cần hơn bất cứ khi nào để được ở bên những người thân yêu, tôi cần một điểm tựa, tôi vốn không phải là người mạnh mẽ, tôi sợ lắm sự đơn độc… Nghĩ đến việc phải một mình chống chọi với căn bệnh quái ác, tôi chịu không nổi… Cảm giác sắp chạm đến đích của việc buông xuôi thì một hôm cô cháu gái của tôi – lúc đó cũng đang công tác tại Phòng HCNS của công ty gọi điện: “Dì ơi, dì vào Tinh Đàn nhé (Tinh Đàn là một diễn đàn nội bộ để các Tinhvanner có thể chia sẻ, giao lưu với nhau). Cháu nghĩ dì sẽ có suy nghĩ khác đấy!”.

Tôi lập tức đăng nhập, đập ngay vào mắt là một topic mới: “Hãy chia sẻ cùng Mai Tâm”. Đọc chưa hết hai trang, mắt tôi nhòe đi, tôi gọi điện ngay cho chị Đào Tâm – Chủ tịch Tinh Đoàn cũng là người khởi xướng topic đó, òa khóc trong điện thoại: “Chị ơi, xin chị đừng làm thế, xin mọi người đừng làm thế… em hứa, em sẽ chữa, em sẽ cố gắng, em sẽ không bỏ cuộc, nhưng xin mọi người đừng làm thế. Ngoài kia còn rất nhiều người khó khăn hơn em, chị ơi…”

Tôi cảm nhận được rất rõ sự nghẹn ngào ở đầu dây bên kia khi chị lên tiếng động viên tôi đừng suy nghĩ nhiều, rằng mọi người đang muốn chung tay cùng tôi chiến thắng bệnh tật mà thôi.

Những ngày nằm nhà chờ đợi thuốc để vào điều trị, tôi ôm lấy cái máy ính như một chiếc phao cứu sinh. Tôi đọc không sót một từ nào của các bạn post lên diễn đàn, những lời hỏi han, động viên, chia sẻ, kể cả những “đòn” vùi dập cái suy nghĩ yếu đuối của tôi. Thời điểm đó, tiền đúng là thứ tôi rất cần, nhưng bên cạnh món quà vật chất to lớn mà các bạn Tinh Vân đã chia sẻ với tôi, cái giá trị về mặt tinh thần mà tập thể Tinh Vân mang lại như một phương thuốc kỳ diều đã vực tâm lý tôi dậy, tiếp thêm cho tôi sức mạnh để sẵn sàng chiến đấu với những ngày kinh khủng sau đó. Thời gian nằm điều trị một mình trong viện, cháu gái tôi cứ phải in ra giấy những trang tiếp theo của diễn đàn gửi vào viện cho tôi đọc, lúc đó tôi đã ví nó như chất adrenalin có chất xúc tác cực mạnh để tôi quên đi sự mệt mỏi bởi thuốc phóng xạ đang lan tỏa trong người. Tất cả những tình cảm của mọi người gửi gắm cho tôi, có những kỷ niệm từ thời niên thiếu mà bạn Hà LPV cùng tôi ôn lại, những niềm tin vào sự kiên cường của tôi, những hỏi han nóng lòng muốn cháu gái tôi cập nhật tình hình sức khỏe của tôi đến đâu?… Đọc xong, điều tôi có thể làm duy nhất lúc đó là: Kiên cường và chữa bệnh!

Tôi dành phần lớn thời gian để ngồi viết hồi âm cho mọi người, tôi chia sẻ về những gì tôi đang trải qua, cảm ơn tất cả những tình cảm thân thương của đồng nghiệp, tôi cứ thế viết ra giấy, rồi lại gửi cho đứa cháu nhờ nó typing lại rồi post lên diễn đàn.

Ra viện, phải nằm cách ly cộng đồng và người thân, nhưng tôi không còn sợ cảm giác cô đơn nữa. Tôi không thấy mình đang một mình, bởi từng giờ từng phút tôi vào Tinh Đàn, tôi lại thấy các Tinhvanner sát cánh bên tôi, tất cả như đang cùng tôi chống chọi bệnh tật. Có nhiều động viên chia sẻ khiến tôi bật khóc, rồi lại cười, cười vì thấy mình may mắn quá… Thời gian đó, “Tinh Vân” có lẽ là từ khóa được nhắc đến khá nhiều trong gia đình và người thân, bạn bè của tôi. Bố mẹ họ hàng hai bên nội ngoại, thậm chí cả hàng xóm đều muốn được đọc những trang diễn đàn đó. Tôi hãnh diện chia sẻ account cho mọi người, hay in thành tập giấy gửi về quê cho ông bà nội xem. Tất cả đều xúc động trước tấm lòng của cả một tập thể to lớn, họ bảo tôi may mắn vì đã công tác trong một môi trường có nét văn hóa tuyệt vời như thế. Trong mỗi cuộc trò chuyện về tôi, hầu như ai cũng phải nhắc đến Tinh Vân.

Chẳng bao giờ tôi quên được hình ảnh anh Lê Huy Hà – Trưởng phòng HTTT sáng sáng phóng xe từ nhà sang bên bà ngoại ở bãi Tân Ấp để mài cho tôi ít sừng tê giác, đến công ty gửi cháu tôi mang về cho tôi uống giải độc. Anh tìm tòi tất cả các bài thuốc dân gian hữu ích cho căn bệnh của tôi, gửi cả thuốc ngâm “cây lược vàng” cho tôi uống, không quên động viên tôi rằng: “Có bệnh thì chịu khó vái tứ phương em ạ”.

Xúc động lắm ngày anh Phan Quang Minh và chị Tâm Bà Bà dẫn một nhóm các bạn đến thăm tôi. Anh chị dúi vào tay chồng tôi một món tiền, mặc dù lúc đó tôi vẫn đang phải trong chế độ cách ly cộng đồng, nhưng dường như chẳng ai mảy may nghĩ đến những rủi ro về bức xạ có thể đến với bản thân mình. Chồng tôi cầm món tiền trong tay lặng người. Nó đúng là thiết thực và đáng quý với gia đình tôi lúc đó. Chúng tôi đều hiểu đây là tất cả những tấm lòng, những thiện chí của các bạn bè, đồng nghiệp đang nắm lấy tay tôi, cùng chúng tôi chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống. Anh nghẹn ngào động viên tôi: “Mọi người tốt như vậy, em phải cố gắng lên để không phụ lòng tốt của mọi người nhé”.

***

Đã sáu năm trôi qua, nhưng mỗi khi có ai hỏi tôi về những kỷ niệm, những vui buồn ở công sở, thì trong tôi lại tái hiện một cách rõ nét nhất những hình ảnh và cảm xúc vẹn nguyên của câu chuyện nói trên. Nó như một thước phim in sâu trong tâm trí tôi về tình cảm đồng nghiệp, về văn hóa chia sẻ của một doanh nghiệp, về tư tưởng của một người lãnh đạo, về nơi mà tôi và các bạn vẫn thân thương gọi là “Mái nhà chung Tinh Vân”. Nhờ đó mà tôi đã nỗ lực, đã lạc quan để vượt qua bệnh tật, để có thể sống với tâm thế an vui như bây giờ. Cảm ơn văn hóa Tinh Vân đã cho tôi sự hồi sinh trở lại!

Mai Thị Thanh Tâm – TVC