Trung Quốc – quen hay lạ
Sunway TaihuLight của Trung Quốc là chiếc siêu máy tính có thể thực hiện 93 triệu tỷ phép tính một giây, vượt qua siêu máy tính hàng đầu khác cũng của Trung Quốc có tên Tianhe-2.
Thông tin này được công bố tại Hội nghị Siêu máy tính quốc tế tổ chức ở Frankfurt, Đức hồi giữa tháng 6. Cũng tại sự kiện này, Trung Quốc với 167 siêu máy tính được xác định vượt qua Mỹ – 165 chiếc. Trong khi “người thường” còn ngơ ngác chưa hiểu siêu máy tính dùng để làm gì, Trung Quốc tiếp tục công bố hoàn thành công đoạn cuối cùng để tạo nên chiếc kính thiên văn lớn nhất thế giới, nâng cao khả năng quan sát vũ trụ và có tham vọng thu nhận các dấu hiệu sự sống ngoài Trái đất.
Vốn có định kiến với các mặt hàng thứ cấp “made in China”, dân ta không ít người vội vàng dè bỉu “báu gì mấy thứ nhất thế giới”, “chắc cũng chỉ như bánh chưng to nhất thế giới của ta thôi”. Những người biết võ vẽ thì dễ dàng tặc lưỡi rằng với một đất nước đã xây được cả Vạn Lý Trường Thành việc gì họ chẳng làm được – như thể đó là chuyện đương nhiên. Chỉ có số ít là ngỡ ngàng thực sự trước những thành tựu này.
Mới 15 năm trước, trong số 500 siêu máy tính trên toàn thế giới, Trung Quốc không có cái nào. Bây giờ họ đứng đầu cả về số lượng và tốc độ. Đặc biệt, Sunway TaihuLight được phát triển trong bối cảnh chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm Trung Quốc tiếp cận với bộ xử lý nhanh nhất của Intel. Họ đã sử dụng những công nghệ độc quyền được phát triển ở Trung Quốc. Họ biến cái tưởng như không thể thành có thể.
Tuy không thể so sánh về quy mô, nhưng tôi cũng từng gặp những con người biết “biến cái tưởng như không thể thành có thể” ở Việt Nam. Khang, bạn tôi, là một người như vậy.
14 năm trước, khi chúng tôi đang choáng ngợp với mẫu mã và giá cả của những thiết bị cơ khí và điện tử mà mình vừa nhìn thấy tại triển lãm Canton Fair 2002, Khang trầm ngâm nói: “Em sẽ làm được sản phẩm tốt hơn và rẻ hơn các bạn ấy”. Công ty của Khang khi đó mới khởi nghiệp được hai năm, làm việc trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp dựa trên thẻ từ. Còn sản phẩm mà anh nói “sẽ làm được với giá rẻ hơn” là thẻ thông minh (smart card), khi đó mới phổ cập trên thế giới.
Ba năm sau, khi công ty bắt đầu có thu nhập ổn định, Khang bắt tay thực hiện giấc mơ. Anh mua một miếng đất để làm nhà máy, đi khắp nơi trên thế giới, mặc cả từng đồng để mua từng chiếc máy trong dây chuyền sản xuất. Cứ thế, sau hai năm, anh đã xây dựng được một dây chuyền với giá bằng 1/10 nếu mua trọn gói, đồng bộ. Không chỉ rẻ, công ty còn hoàn toàn làm chủ được từng công đoạn trong dây chuyền, để có thể nâng cấp, điều chỉnh.
Nhưng đó vẫn chưa phải là thách thức lớn nhất. Trái tim của smart card là con chip. Phải làm chủ được hệ điều hành trên chip đó mới có thể hạ được giá. Khang nhờ tôi giới thiệu một chuyên gia giỏi nhất, một người giỏi nhưng tính cách phải gàn gàn, không bao giờ bỏ cuộc.
Tôi giới thiệu Quốc. Đội của anh đã mất 7 năm để thực hiện được ước mơ của Khang. Nhưng như thế vẫn chưa phải là tất cả. Phải bán được sản phẩm. Công ty Khang dần dà chiếm đến 80% thị trường thẻ thông minh trong ngân hàng.
Anh tất nhiên không dừng lại ở đó mà tiếp tục tiến vào các công ty viễn thông, làm sim. Tuy nhiên, những nhà khổng lồ này không có thói quen đổi nhà cung cấp. Họ càng không tin một công ty nội địa nhỏ bé lại có thể cạnh tranh sòng phẳng với Pháp lẫn Trung Quốc cả về chất lượng và giá cả trong một sản phẩm công nghệ cao thế này.
Nhưng sau một thời gian không ngừng thử nghiệm và chỉnh sửa, cuối cùng, năm 2015, hai tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam đã bắt đầu mua sản phẩm của Khang cho thị trường trong nước. Khang tuyên bố năm nay sẽ bán sản phẩm của mình trên toàn thế giới.
Tôi luôn tin vào những người mơ mộng và dám theo đuổi giấc mơ của mình. Rất nhiều phát minh vĩ đại trên thế giới xưa nay đã bắt nguồn từ những ý tưởng ban đầu tưởng như rất điên rồ. Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa hình dung được siêu máy tính và siêu kính thiên văn dùng để làm gì, thì tôi tin khi mới được phôi thai, đây có thể cũng là một ý tưởng bị coi là “lãng mạn”. Trung Quốc đã biến sự lãng mạn này thành hiện thực.
Điều nghịch lý là trong khi dè bỉu những mặt hàng kém chất lượng của nước láng giềng, dân ta dường như lại cũng mặc định rằng, họ là nước lớn, đương nhiên sẽ làm được những thứ lớn lao. Tôi thì lại nghĩ, họ làm được những thứ lớn lao vì họ có những giấc mơ lớn.
Trung Quốc, tưởng là một nước rất quen, nhưng sẽ còn nhiều lần khiến chúng ta cảm thấy rất lạ, nếu ta không học được cách ước mơ.
Nguyễn Thành Nam (Theo VnExpress)