Truyền thống mới
Rồi anh quay sang hỏi mọi người: “Này, liệu con người có quyền cắt đi buồng trứng của con mèo không nhỉ?”.
Đúng hay sai việc một ông chủ quyết định tước đi quyền sinh sản tự nhiên của một vật nuôi? Đó chưa phải là một câu hỏi về mặt pháp luật, cũng không phải là một vấn đề xã hội hiện nay. Nhưng đó là một câu hỏi về tình thương mỗi người có thể đặt ra cho mình. Hình như mỗi người sinh ra đều có lòng trắc ẩn với động vật. Ngày nhỏ, em trai tôi đã khóc sướt mướt vì con chó nhà nuôi bị chết. Con chim sáo, con dế mèn chết em cũng ân hận vì đã không chăm chúng tốt và tự đi đào hố chôn cẩn thận. Khi nuôi dưỡng tình yêu với từng con vật nhỏ như vậy, người ta cũng sẽ lành hơn trong ứng xử giữa con người với con người. Ngược lại, nếu từng xúc động nho nhỏ với các sinh vật xung quanh bị bào mòn, trẻ con quen dần với cảnh giết hại thì e rằng lớn lên cảm xúc với cuộc sống xung quanh cũng nhạt đi.
Chuyện ồn ào dấy lên trong những ngày đầu năm này ở Việt Nam là lễ hội chém đôi con lợn sống rồi chấm tiền vào máu để lấy may, hay chuyện đóng cọc vào đầu con trâu đến chết để cầu phúc.
Điều tôi băn khoăn nhất là đây được coi là “lễ hội truyền thống”, và trẻ con cũng được tự do chứng kiến cảnh hò reo giết hại này. Truyền thống gì cần được trẻ em tiếp nối ở đây? Trẻ con sẽ nghĩ gì, quen với điều gì sau khi chứng kiến cảnh đó? Chúng sẽ thấy vui mừng khi con vật bị đánh chết như vậy, rồi chúng cũng muốn làm “anh hùng” để giết được con vật, hay chúng sẽ thấy việc giết hại máu me như thế là quá bình thường.
Tiếp nối truyền thống đâu phải là sự lặp lại quá khứ một cách máy móc những việc người xưa đã làm. Nhiều hoạt động có thể có giá trị trong quá khứ (khi nhận thức của con người đang ở một mức độ nhất định), dần dà nó trở thành “truyền thống” với một cộng đồng nhỏ hẹp, sau lũy tre làng nào đó. Nhưng khi chúng được mở ra, phơi bày ra trước thế giới hiện đại với quy mô rộng hơn, với nhận thức khác hơn, chúng sẽ bộc lộ những điểm không còn phù hợp. Và nếu đã không còn phù hợp với thế giới hiện đại, thì không có gì đáng khôi phục, mà chúng ta có thể bắt đầu một “truyền thống mới”. Thay vì phải chém lợn, giết trâu, có thể mở ra một truyền thống mới để tắm lợn, tắm trâu; giống như ở một số nơi người ta đã cầu phúc bằng việc trồng cây ở chùa chứ không phải hái lộc mang về.
Trở lại chuyện con mèo của người bạn. Không hiểu ông bác sĩ thú ý mổ thế nào mà con mèo không lành được vết thương. Anh bạn lại phải gửi nó cho bác sĩ chữa trị thêm 10 ngày nữa (phí 150 nghìn đồng mỗi ngày). Nhưng cuối cùng con mèo cũng không qua khỏi. Anh càng ân hận hơn và trải qua một cú sốc tinh thần.
Người bạn đã không hề chịu một áp lực xã hội nào khi phải tỏ ra băn khoăn về con mèo hay trả thêm chi phí điều trị cho nó. Thế hệ trước của anh, do sự sinh tồn và những niềm tin khác có lẽ cũng từng giết động vật. Nhưng truyền thống đó đang dần thay đổi, bắt đầu từ chính anh, từ chính nỗi băn khoăn khi lỡ làm đau một con vật nuôi.
Chỉ khi một truyền thống được khôi phục với ý thức đầy đủ về sự phù hợp với các giá trị nhân văn mới, nó mới xứng đáng được tiếp nối. Nếu không, tôi cho rằng, nên bắt đầu một truyền thống mới có khả năng làm cho con người nhân ái hơn.
Tác giả: Nguyễn Thị Thủy
Nguồn: VnExpress