Viết cho bé con ngày khai trường
Con gái của bạn tôi bắt đầu vào lớp một.
Bạn tâm sự rằng không biết nói gì với con trước ngày khai trường. Tôi và bạn chia sẻ một hồi, thấy mình lỡ cỡ như những kẻ mắc lỗi trót đi vào đường một chiều, muốn sửa sai thì phải tiếp tục sai cho đến hết đoạn đường mới mong được làm lại từ đầu.
|
Dặn con phải nghe lời thầy cô ư? Bé mới 6 tuổi đã biết nhận xét cô giáo nhiều khi không công bằng, rằng hình như muốn cô thương thì ba mẹ phải biếu quà.
Dặn con phải ngoan ngoãn vâng lời ư? Có logic không khi cả tuổi thơ bắt con phải gọi dạ bảo vâng ngậm mồm cấm cãi, rồi đùng một cái tốt nghiệp ra trường lại muốn con mình chỉ qua một đêm biến thành một cá nhân kinh nghiệm sống dạn dày, giao tiếp khoáng đạt, ứng xử tinh đời? Như thế khác gì bắt con trở thành vận động viên bơi lội, vượt vũ môn với huy chương vàng, nhưng lại không muốn con xuống nước tập bơi vì sợ con chết đuối?
Dặn con phải học tốt ư? Tới 3/4 học sinh có bằng khen học sinh giỏi cuối năm, chứng tỏ con cái chúng ta đẻ ra thần đồng bẩm sinh hết rồi, cần gì phải dặn?
Dặn con “tiên học lễ hậu học văn” ư?… Nói đến đây bạn nghẹn lời. Lễ nghĩa ở đâu khi bé đã nhiều lần chứng kiến cả nhà chờ cơm bố, rồi bố say mèm gọi cả nhà là đồ “ăn hại đái khai”? Trẻ con sinh ra thì thầy cô đầu tiên là bố mẹ. Bảy năm đầu tiên quyết định tính cách của cả một đời người. Có vô lý không khi làm gì cũng phải học hành nát đầu ra mới được cấp bằng hành nghề. Vậy mà nghề nghiệp khó nhất, yêu cầu kỹ năng cao nhất, tức là làm bố làm mẹ – lại chẳng cần qua trường lớp đào tạo gì, chỉ cần sinh lý đủ đầy, “mót” là đẻ?
Con gái của bạn rất tình cảm. Chưa đi học nhưng lúc nào cũng muốn học giỏi. Mẹ tò mò hỏi tại sao con muốn học giỏi? Bé bảo vì học giỏi mới có nhiều tiền để nuôi ba mẹ sau này. Bạn rớt nước mắt thương con, tự hỏi có công bằng không khi chẳng đứa trẻ nào làm đơn xin được ra đời, được đẻ ra chẳng cần ai “xin phép”, có mặt trên đời này hoàn toàn chỉ vì ham muốn cá nhân của bố mẹ nó, rồi được nuôi nấng chăm bẵm như một thứ “của để dành” lúc già cả đau yếu, hoặc để chống gậy cho mát mặt nằm trong quan tài, để cái tên của mình có người tiếp nối, để thờ cúng tổ tiên? Vậy là chúng ta cần con cái, tạo ra con cái cho chính những nhu cầu của bản thân ta, cớ chi bắt con chưa đủ lớn đã phải biết ơn?
Bài học đạo đức đầu tiên ở trường của con là “trẻ con có quyền và nghĩa vụ đi học”. Con mới 6 tuổi, chưa hiểu quyền là gì và nghĩa vụ là gì. Đi học vui thì con đã chẳng cần “quyền”, đi học mệt mỏi thì bắt con coi là nghĩa vụ. Có lẽ cả ba mẹ và trẻ con đã quên rằng chỉ cần có đam mê, chúng ta sẽ không cần phải nói đến cả quyền cũng như nghĩa vụ. Đi học cũng như đi làm, lúc tuổi thơ cũng như khi trưởng thành, điều quan trọng nhất có lẽ là chúng ta MUỐN học chứ không chỉ là PHẢI học, MUỐN sống và cống hiến chứ không chỉ là PHẢI sống và tồn tại.
Bởi vậy nên bé con à, cô và mẹ không mong gì ở con hết. Tháng 9 đến rồi, trường lớp mở cửa đón con. Người lớn sẽ làm hết sức mình để cho mỗi ngày con đi học sẽ là một ngày vui, để cho con thấy sự học là hân hoan. Bởi mục đích của cuộc đời đơn giản lắm, chỉ là để có mặt trên thế gian này như một con người hạnh phúc mà thôi.
(Theo Thanh niên)