Từ thiện và hiến tặng
Không, Mark không làm từ thiện. Mục đích số tiền 45 tỷ đô của tỷ phú này, như đã được nói rõ trong bức thư anh gửi con gái nhỏ, nhằm: “… Cùng nhân loại trên khắp thế giới thúc đẩy tiềm năng con người và tăng cường công bằng cho tất cả trẻ em thế hệ kế tiếp. Lĩnh vực tập trung ban đầu của chúng ta sẽ là cá nhân hóa học tập, điều trị bệnh tật, kết nối mọi người và xây dựng những cộng đồng vững mạnh…”. Với suy nghĩ và động cơ ấy, số tiền mà Mark hứa cống hiến, tôi cho rằng không phải để làm từ thiện.
Là một dân tộc Á Đông, người Việt Nam tôn trọng các giá trị truyền thống và coi trọng tình cảm. Có lẽ vì thế, khái niệm “mang tiền nhà đi cho”, thường mặc nhiên được hiểu là “làm từ thiện”. Nghĩa là giúp đỡ ai đó miếng cơm manh áo, hay một khoản tiền nhỏ để qua cơn bĩ cực.
Tôi có người bạn trước công tác tại Hội chữ thập đỏ. Cô kể rằng, cứ mỗi đợt vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khó khăn, cô và các thành viên khác trong Hội mất rất nhiều thời gian để lọc lại đồ đạc mọi người gửi đến. Bên cạnh những túi đồ được xếp ngay ngắn, sạch sẽ, là rất nhiều túi quần áo không chỉ cũ mà còn bẩn, những chiếc tất thủng, những chiếc áo chiếc quần rách bươm, những đồ vật cũ hỏng không còn có thể sử dụng được nữa.
Năm 2012, sau chuyến đưa tin về sự cố vỡ đê bối ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tôi đã kêu gọi mọi người đóng góp để giúp đỡ hàng nghìn nông dân bị thiệt hại nặng nề ở đây. Chỉ trong vài ngày, cộng đồng quyên góp tiền và hàng hóa lên tới hơn 200 triệu đồng để giúp bà con. Nhưng quyên góp được là một chuyện, đưa tới tận tay những người cần giúp đỡ lại là chuyện khác. Lực bất tòng tâm, tôi đành trở về Hà Nội sau khi gửi lại phần lớn tiền và hiện vật, ủy nhiệm đại diện chính quyền địa phương trao nốt cho bà con. Tôi đã trải qua cảm giác bất lực và buồn lòng, khi thấy rõ những gói hàng cứu trợ chỉ như muối bỏ bể, còn ở sau lưng, những người đã quyên góp qua tôi vẫn mong muốn một kết quả tốt đẹp hơn thế, sát sao hơn thế.
Muhammad Yunus, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 cho giải pháp tín dụng vi mô, đã giúp đỡ hàng triệu người nghèo khó ở Bangladesh với Ngân hàng Grameen. Ông giúp họ tìm sinh kế bằng cách tư vấn các giải pháp sử dụng các khoản vay tín dụng, chứ không đơn thuần là hỗ trợ họ bằng vật chất hay tài chính. Bởi vì Yunus cho rằng “khi chúng ta muốn giúp đỡ người nghèo, chúng ta thường hỗ trợ vật chất, tiền bạc. Cách làm này khiến ta lảng tránh vấn đề tìm ra giải pháp cho sự nghèo đói. Trong trường hợp này, từ thiện trở thành một cách để giũ bỏ trách nhiệm của chúng ta. Nhưng đó không phải giải pháp để giảm nghèo”.
Trở lại với câu chuyện của Mark Zuckerberg, tôi được biết, có một bức thư khác, có kèm chữ ký, mà vợ chồng Mark Zuckerberg đã gửi đi vào ngày 9/11/2015 – tức là gần một tháng trước. Bức thư gửi tới Tổ chức Giving Pledge, bày tỏ sự tự hào được tham gia vào danh sách hàng chục tỷ phú cam kết hiến tặng phần lớn tài sản của mình cho cộng đồng. Giving Pledge (tạm dịch Hiến Tặng), là một sáng kiến của vợ chồng tỷ phú Bill Gates, hướng tới các tỷ phú đô la trên toàn thế giới, thuyết phục họ cam kết hiến tặng tài sản ngay khi còn sống, nhằm phục vụ các mục đích tốt đẹp chung cho sự phát triển tích cực của cộng đồng. Cho đến nay, đã có hơn 130 tỷ phú viết thư cam kết với Giving Pledge, với tổng giá trị tài sản ước tính lên tới hàng trăm tỷ đô la. Đọc những bức thư mà các tỷ phú viết cho Giving Pledge, khái niệm “từ thiện” không hề được nhắc đến. Các tỷ phú hàng đầu như Michael Bloomberg, Warren Buffett hay Vincent Tan đều xem việc hiến tặng tài sản của mình là thuộc về trách nhiệm, là một hành động đền đáp cho những gì mình nhận từ cộng đồng. Họ mong muốn nguồn tài chính từ việc kinh doanh sẽ được chia sẻ để phát triển giáo dục, nghiên cứu khoa học, tìm ra các phương pháp điều trị bệnh tật, bảo vệ môi trường…
Tôi cho rằng, chúng ta cần có những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, để giải quyết các trường hợp cần cứu trợ cấp bách. Nhưng chúng ta cũng cần có một tư duy thoáng rộng hơn, về trách nhiệm với cộng đồng, về những đóng góp bằng hành động cho thế hệ tiếp theo. Và khi tư duy như vậy, sự đóng góp không nhất thiết phải là tiền. Đó có thể đơn giản là trồng một cây và chăm sóc cho đến ngày nó tỏa bóng mát.
Gia Hiền (Theo VnExpress)