Quà của đàn ông
Sáng 7/3, tôi khám cho một cháu bé bị khối dị dạng tĩnh mạch vùng lưng. Người mẹ trẻ vừa lo trông túi đồ, vừa dỗ đứa con khóc ngặt nghẽo vì hoảng sợ, vừa tranh thủ trả lời những câu hỏi của bác sĩ.
Bên ngoài phòng khám, anh chồng đang mải mê chơi điện thoại ở hàng ghế đợi.
Buổi chiều, trong bữa liên hoan chúc mừng chị em nhân ngày mùng 8/3, chúng tôi phiếm chuyện về phụ nữ – đàn ông. Ý kiến mọi người tựu trung lại, thì bình đẳng giới là tôn trọng phụ nữ, là câu chuyện của các nhà hoạch định chính sách sao cho phụ nữ được trao quyền và cơ hội.
Cuộc nói chuyện chỉ dừng lại ở đó. Không một ai đề cập đến vai trò đặc biệt quan trọng của chính họ, những người đàn ông đang giữ trọng trách chính từ gia đình, cho đến các công ty, các cơ quan quản lý và cộng đồng. Cuối cùng, chúng tôi than thở với nhau về “gánh nặng” phải nghĩ ra món quà tặng vợ, bạn gái vào ngày hôm nay.
Tôi từng sống trong một gia đình ở châu Âu có vợ chồng và hai con nhỏ. Sáng nào cũng vậy, anh chồng dậy sớm lo bữa ăn sáng cho cả nhà, anh còn tranh thủ đi siêu thị, sau đó mới đưa con đến lớp. Chiều tan giờ làm, anh đón con đưa đi dạo chơi. Trở về nhà, anh lại bắt tay vào công việc bếp núc. 9 giờ tối, anh đọc truyện cho con trước khi đi ngủ.
Không phải tất cả, nhưng đàn ông châu Âu thường như thế. Họ sẽ vào bếp, chăm sóc con cái, dành thời gian cho gia đình bất cứ lúc nào có thể. Nhiều người không nề hà, không sợ “mất mặt đàn ông”, sẵn sàng xách bỉm, sữa, mắm muối… miễn là việc đó khiến cho người phụ nữ của họ đỡ khệ nệ mang vác. Với những việc không thể nào… mang vác thay phụ nữ, họ sẽ đưa ra những chính sách thỏa đáng, phù hợp. Ví dụ, Thụy Điển cho phép người chồng “nghỉ thai sản” 18 tháng để chăm sóc gia đình trong thời gian vợ sinh con.
Ở ta thì khác. Phụ nữ sinh con thường chỉ được “miễn trừ” nghĩa vụ nội trợ, chăm chồng chừng… một tháng rồi mọi trách nhiệm sẽ trở lại… “lợi hại” hơn xưa.
Tôi rất ngại khi đi ăn cỗ ở quê. Có điều gì đó không ổn khi phụ nữ phải đầu tắt mặt tối dưới bếp, cánh đàn ông chỉ việc ngồi uống rượu và yêu cầu phục vụ. Sau mỗi bữa cỗ, bao nhiêu bát đũa đổ lên đầu đàn bà, chưa kể đến việc phục vụ những ông chồng thích say rượu.
Nhiều vùng nông thôn mà tôi có dịp đến, vẫn còn cảnh vợ và con gái ăn riêng dưới bếp. Họ chỉ được phép ăn khi chồng và con trai đã ăn xong, có miếng ngon nào dành hết cho chồng. Ăn đói mặc rách vì chồng vì con được coi là đức tính cần phải có ở bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào.
Không chỉ phụ nữ nông thôn mới bị coi là yếu thế. Ngay cả những người phụ nữ thành đạt, làm cán bộ công chức, hay sống ở thành phố, họ vẫn bị đối xử thiệt thòi.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID): trên khắp thế giới, có 98 triệu trẻ em gái không được đi học, cứ 3 phụ nữ lại có một người phải hứng chịu bạo lực liên quan đến giới trong suốt cuộc đời, 1/7 cô gái kết hôn dưới tuổi 15, có những cô dâu mới chỉ 8 – 9 tuổi, mỗi năm có gần 300 nghìn phụ nữ ở các nước đang phát triển tử vong liên quan đến tai biến thai nghén.
Ở Việt Nam, tôi rất muốn biết những con số cụ thể là bao nhiêu? Là một bác sĩ, tôi đã được lắng nghe nhiều câu chuyện của chị em phụ nữ. Tôi nhận ra rằng, những cuộc đấu tranh về bình đẳng giới đã thay đổi rất nhiều vai trò và sự đóng góp của giới nữ nói chung đối với thế giới. Nhưng để thay đổi cuộc sống riêng của từng người phụ nữ, quan trọng nhất là sự thay đổi của những người đàn ông bên cạnh họ.
Nếu ai chưa tìm ra hướng xử lý “gánh nặng” quà cáp cho phái đẹp ngày hôm nay thì tôi nghĩ, món quà của phụ nữ là đàn ông, chính xác hơn là sự thay đổi của đàn ông, trong từng ngày, từng giờ, từng việc nhỏ, việc lớn.
Trần Văn Phúc (Theo Vnexpress)