Chính phủ có Facebook
Ấn Độ có hơn 1 tỷ dân và khối lượng thông tin mà Chính phủ nắm giữ là vô cùng lớn. Nếu bây giờ cứ lúc nào dân cần, làm đơn yêu cầu, Chính phủ mới cung cấp thông tin, thì khối lượng đơn thư phải xử lý là khổng lồ, nguồn lực để xử lý yêu cầu thông tin là quá sức tưởng tượng. Ví dụ tập đoàn lưới điện quốc gia Ấn Độ, cung cấp điện cho 600 triệu người, nếu lâm vào tình cảnh bị chất vấn vì số ghi từng cái công tơ, thì chịu. Thế mà ở hội sở của tập đoàn tại New Dehli, họ chỉ có dăm ba nhân viên chịu trách nhiệm trả lời chất vấn, còn kiêm nhiệm cả vị trí khác, tỏ ra rất nhàn hạ. Họ nói với tôi rằng, bởi vì chúng tôi “suo motu” hết cả rồi.
“Suo motu” là khái niệm mô tả một tiến trình được tự thực hiện mà không chịu tác động của một bên nào. Hiểu nôm na là tự chủ động cung cấp thông tin, không chờ được đòi hỏi. Càng tự cung cấp nhiều bao nhiêu thì càng nhàn hạ bấy nhiêu trước các chất vấn.
Ngày 21/10, trang thông tin điện tử Chính phủ đã có tài khoản Facebook với tên gọi “Thông tin Chính phủ”. Tài khoản Facebook này nhằm mục đích cung cấp rộng rãi hơn thông tin hoạt động của Chính phủ trên môi trường Internet. Hạ tầng mạng xã hội Facebook, hiện tại có hàng chục triệu tài khoản đến từ Việt Nam. Việc Chính phủ có Facebook, cũng là một động thái “suo motu”.
Khi những lo ngại về chi tiêu ngân sách xuất hiện, đơn giản như việc duy trì hệ thống xe công mỗi năm tiêu tốn 13.000 tỷ đồng mà không ai thống kê được “xe ở đâu tối qua”, “anh làm gì tối qua”, thì người dân sẽ mang nhiều hoài nghi về hiệu quả.
Ở nhiều quốc gia, ví dụ như Vương quốc Anh, bạn có thể tìm thấy toàn bộ đầu việc mà các cơ quan chính phủ đang làm trên Internet. Xin nhấn mạnh là toàn bộ, được thống kê thành các bảng biểu, bao gồm ngày bắt đầu, ngày dự kiến kết thúc, và có cả biểu đồ cho thấy việc nào đã làm đúng kế hoạch, việc nào chưa. Ví dụ năm nay thì Chính phủ Anh đang có 1.384 đầu việc, trong đó có 77,2% đã hoàn thành, 0,8% chưa bắt đầu được, 7,7% đang tiến hành, Văn phòng Chính phủ “đuối” nhất với chỉ 69,7% số đầu việc hoàn thành đúng tiến độ còn Bộ ngân khố thì đúng tiến độ hơn 82%… Những thông tin này được cung cấp “suo motu” và rất dễ tìm. Tôi nghĩ cũng chẳng có bao nhiêu người dân bình thường ngồi đọc hết những bảng thống kê nhàm chán này, nhưng việc chủ động cung cấp khiến đôi bên yên tâm về nhau.
Sự thiếu tin tưởng vì thiếu thông tin có thể tạo ra trở lực xã hội. Nếu không có sự thông cảm và chung sức giúp đỡ của nhân dân, thì một mét đường có khi cũng khó xây. Chính vì thế tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt Nam có Facebook. Nó có thể là bước đầu cho một cuộc giao tiếp sôi nổi và hứa hẹn đầy tính xây dựng. Bước đầu, bởi để cuộc giao tiếp ấy trở nên thực sự hiệu quả, thì người dân sẽ còn cần biết rất nhiều thứ, và Chính phủ sẽ phải “suo motu” rất nhiều lần nữa. Trong thâm tâm, tôi cũng rất muốn biết Chính phủ có tổng cộng bao nhiêu đầu việc và việc nào đang làm, việc nào chưa xong, bộ nào hoàn thành đúng tiến độ các công việc của mình. Thứ này hiện tại muốn có thì phải sử dụng đủ loại nghiệp vụ báo chí chưa chắc đã tìm thấy.
Ở Ấn Độ, tôi hỏi tiến sĩ Venkatesh Nayak, một học giả nổi tiếng của nước này về Luật thông tin, rằng có một thông tin tôi tìm cả đời không thấy, là tại sao vợ tôi cứ làm khổ tôi mãi thế. Tôi đùa thôi. Nhưng ông khẽ mỉm cười, rồi lý luận rất nghiêm túc: “Tôi nghĩ anh cần minh bạch với vợ mình trước, rồi đời anh sẽ thay đổi. Sự minh bạch bắt đầu từ gia đình”. Thông điệp của vị học giả rất rõ ràng: mọi quan hệ tốt đẹp đều được xây dựng từ sự chủ động như thế.
Đức Hoàng (Theo VnExpress)