Xã hội - giải trí

Chuyến chơi Tết

Đăng bởi: hangnt | 20/2/2016
Bạn tôi làm việc cho một tập đoàn lớn, có chi nhánh ở nhiều quốc gia. Năm nay, tập đoàn đón nhân viên ở các thị trường nước ngoài về đào tạo, vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nên các đơn vị chia nhau đón người về để tổ chức cùng ăn Tết. Thấy thú vị, tôi đề nghị được tham gia, bạn hẹn mùng 2 đi cùng đoàn trong tour chơi Tết Hà Nội.

Sáng mùng 2, tôi háo hức cùng bạn đến đón các nhân viên nước ngoài, một người Peru, một người Lào, một người Campuchia. Chúng tôi đi chùa Trấn Quốc. Chùa rất đông, chen chúc một lúc lâu chúng tôi mới vào được bên trong để ngắm tượng (chứ không có nhu cầu khấn vái gì). Rồi bạn tôi kể cho các đồng nghiệp nước ngoài nghe về lịch sử của ngôi chùa nghìn năm. Vì phải chen lẫn giữa đám đông đang khấn vái nên phần vãn cảnh chùa của chúng tôi không trọn vẹn, còn lịch sử thì nghe câu được câu chăng, nếu khách quan tâm cũng phải về tìm đọc lại qua Google.

Chua-Tran-Quoc

Tiếp theo là ngược nửa vòng Hồ Tây, lên công viên nước để tham quan vườn hoa Tết. Đây chính là khu vườn hồi cuối năm ngoái đem cây tam giác mạch từ Hà Giang về trồng, chỉ trong ba ngày bị du khách vào chụp ảnh dẫm nát toàn bộ mấy hecta cả hoa cả lá. Giá vé không cao, 80 nghìn đồng mỗi người. Nhưng những cụm trang trí đẹp nhất của khu vườn thì đều là hoa giả, kể cả hoa đào. Nghĩa là khu vườn chỉ đẹp để chụp ảnh, còn giá trị thưởng ngoạn thì không có gì.

Tôi hỏi bạn tiếp theo sẽ đưa khách đi chơi đâu? Bạn ngần ngừ, rồi quyết định đích đến tiếp theo là Hồ Gươm. Tôi cáo mệt, không đi theo đoàn nữa. Vì tôi biết rõ sự nhàm chán sẽ lại đến, bởi Hồ Gươm cũng lại là một cái hồ như Hồ Tây, sẽ chỉ hấp dẫn bởi câu chuyện kể mồm, và điểm tham quan là đền Ngọc Sơn thì cũng sì sụp hương khói.

Ngay giữa Thủ đô nghìn tuổi, ngay giữa dịp Tết cổ truyền của dân tộc nhưng chúng ta không có gì nhiều để giới thiệu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Còn ở góc độ khai thác du lịch, tôi thậm chí không thấy dịch vụ nào rút nổi 50 USD của du khách ra khỏi ví trong suốt một ngày dài.

Nhưng nếu đến Siem Reap – cách Phnom Penh 314 km, gần như 100% du khách sẽ bỏ ngay 50 USD rất nhẹ nhàng để xem một show tạp kỹ có tên là “Smile of Angkor” (Nụ cười Angkor). Đó là một show rất đặc sắc, gồm nhiều thể loại biểu diễn sân khấu, do các diễn viên, vũ công đẹp và chuyên nghiệp đảm nhiệm, kết hợp nhuần nhuyễn với các hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại. Trong gần một tiếng đồng hồ, lịch sử, văn hóa, các truyền thuyết và tinh thần của người Campuchia được khéo léo truyền tải, hoàn toàn thuyết phục khán giả. Show “Nụ cười Angkor” luôn kín khách vào các buổi tối, và mỗi tối họ diễn luân phiên tới vài lần, mỗi lần phục vụ vài nghìn du khách. Tất nhiên, có vô số dịch vụ khai thác triệt để giá trị show diễn, từ chụp ảnh chung với diễn viên, bán đồ lưu niệm, đến bán các đĩa chương trình mà ban tổ chức độc quyền. Đó là show lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất. Du khách có thể xem những show nhỏ có nội dung gần giống như vậy ở nhiều nơi.

Nếu quần thể di tích Angkor Wat là tài sản mà cha ông để lại, thì “Nụ cười Angkor” chính là giá trị do thế hệ người Campuchia hiện nay sáng tạo nên, để tăng tính hấp dẫn cho những di sản ấy. Và du khách sẵn sàng chi tiền, vui vẻ chi tiền cho một chỗ ngồi thoải mái, sạch sẽ, một bữa buffet toàn những món ăn dân tộc đặc sắc, và những món đồ lưu niệm hẳn hoi, không phải là đồ sản xuất hàng loạt từ Trung Quốc.

Tôi nhắc tới câu chuyện ở Campuchia, vì đó là quốc gia láng giềng, thường được xem là kém phát triển hơn, ít lợi thế du lịch hơn nước ta. Còn nếu nói đến dịch vụ du lịch trong khu vực, sẽ còn phải kể đến Sentosa của Singapore hay Disneyland của Hong Kong. Những nơi này làm dịch vụ tốt đến mức, mỗi năm có hàng triệu du khách bỏ tiền đến đây. Chỉ riêng khu Sentosa – một quần thể vui chơi giải trí ven biển của Singapore – mỗi năm đón trung bình 6 triệu du khách (trong khi đó theo thống kê, tất cả bờ biển, rặng núi, đồi cát, rừng nguyên sinh của Việt Nam – đón hơn 7 triệu du khách). Nếu bạn đã đến Sentosa, khi ra về có thể bạn sẽ bật cười nhận ra rằng, mình vừa dành cả một chuyến du lịch nước ngoài để tham quan những cảnh vật toàn bằng xi măng cốt thép trên một quần thể nhân tạo. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, có hàng chục nghìn người Việt Nam lại háo hức mua vé sớm, bay sang Singapore để được thực sự vui chơi.

Hết Tết, tôi gặp lại anh bạn Peru trong đoàn đi tour chơi Tết vừa qua. Tôi hỏi anh Tết chơi đâu, chơi gì, có vui không? Anh cười, hóm hỉnh nói rằng bây giờ mà có tàn lửa bay vào, có khi anh cháy như một cây đuốc, vì người anh toàn những cồn. Hóa ra, sau hôm đi chơi ấy, bạn tôi quyết định cho những đồng nghiệp ngoại quốc ăn Tết đúng kiểu Việt Nam, nghĩa là nhậu, nhậu, và nhậu.

Gia Hiền (Theo VnExpress)