Thơ máy
Mời các bạn cùng lắng nghe cuộc trò chuyện nhỏ với Giám đốc Truyền thông Tinhvan Group Phan Quang Minh về một trong những sản phẩm mang đậm chất Tinh Vân – Thơ máy
PV: Lý do nào để Tinh Vân làm ra và duy trì thơ máy, một dịch vụ khá đặc biệt và phải tốn nhiều công sức và tiền bạc để viết phần mềm bên dưới, trong khi nguồn thu thực khó có từ đây, khi thơ đang mất dần vị thế thu hút người đọc tại Việt Nam?
Anh Phan Quang Minh: Dịch vụ Thơ Máy đặc biệt nhưng không tốn nhiều công sức và tiền bạc. Nó được phát triển dần dần qua… gần 20 năm, nhưng tổng cộng nỗ lực không tốn quá 1 người x năm. Nguồn thu từ Thơ Máy tất nhiên không có, và Tinh Vân cũng không có chủ trương thu bất kỳ khoản tiền nào từ nó. Nhưng thực ra Thơ Máy đã tạo ra nhiều giá trị khác biệt cho Tinh Vân.
Còn thơ đang mất dần vị thế thu hút là không đúng đâu, nước ta là đất nước của “thi sĩ”, ai cũng yêu thơ và đều có thể là nhà thơ, các câu lạc bộ thơ hưu trí hoạt động rất xôm tụ, trên fb các stt bằng thơ hoặc có chất thơ chiếm tới 20%. Chỉ những bài thơ hay mới thực sự là của hiếm…
PV: Thơ Máy ra đời vào khoảng thời gian nào, nhóm làm có phải là những nhà thơ mê CNTT hay nhà CNTT mê thơ hay không, vì sao họ lại được Tinh Vân chọn để làm một dự án đầy mơ mộng và khó như vậy?
Anh Phan Quang Minh: Phiên bản đầu tiên của Thơ Máy chỉ là sản phẩm thử nghiệm khi học lập trình ngôn ngữ Visual Basic vào năm 1996 của anh Hoàng Tô, nay là Chủ tịch HĐQT Tinh Vân. Ban đầu Thơ Máy có tên gọi “Em tập làm thơ”, được viết rất nhanh trong có 3, 4 ngày gì đó và được mang ngay ra trưng bày tại Hội chợ CNTT Expo’96 Triển lãm Giảng Võ, tạo nên rất nhiều sự thích thú cho khách tham quan, đến nỗi vài năm sau vẫn có người, kể cả các nhà thơ chuyên nghiệp ở các địa phương gọi về hỏi cách sử dụng.
Năm 2001 anh Hoàng Tô viết lại phần mềm này trên nền tảng web (phiên bản 2.0) và nó cứ phục vụ cần mẫn như vậy trên internet, cho ra cả triệu bài thơ “rất đúng vần và niêm luật”. Đến tận năm 2011 thì một bạn sinh viên thuộc Vườn ươm Tinh Vân (TVi) là Hoàng Trọng Linh, hiện đang làm PhD ở Canada, hứng thú bắt tay vào code lại Thơ Máy trên nền tảng công nghệ mới và các thuật toán tiên tiến hơn, tạo ra phiên bản Thơ Máy như hiện nay tại địa chỉ thomay.vn.
PV: Thơ Máy đã có đến phiên bản 3.0, là người theo dõi Thơ Máy từ phiên bản đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên về sự cải tiến tính năng, khả năng kết nối ngữ nghĩa, sáng tạo các tính năng thú vị như Mật Ngữ, Thơ theo phong cách tác giả-thể loại, xem tử vi bằng thơ… từ phiên bản đầu, dự án có sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia ngôn ngữ học, văn học? Nếu có thì vai trò của họ như thế nào? Các tính năng thêm vào là theo xu hướng và nhu cầu người dùng hay sáng tạo riêng? Các thuật toán ngữ nghĩa, ngôn ngữ là Tinh Vân viết riêng hay sử dụng lại 1 nền tảng nào đó?
Anh Phan Quang Minh: Tinh Vân từ trước đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo. Trong nhiều năm với việc phát triển các dịch vụ tìm kiếm tiếng Việt, từ Vinaseek (2001-2007) đến máy tìm kiếm Xa Lộ, các dự án thư viện điện tử và nội dung số, phần mềm dịch tự động Davit, các công nghệ ứng dụng Big data… các thuật toán xử lý ngữ nghĩa tiếng Việt của Tinh Vân ngày càng được tối ưu và chắc chắn đã được tận dụng nhiều cho Thơ Máy.
Tính năng của phiên bản 3.0 khá nhiều, trong đó quan trọng là khả năng chuyển mọi thứ thành thơ. Ví dụ Thơ Máy có thể nhanh chóng chuyển một đoạn truyện Kiều thành thơ thất ngôn:
“Ngày xuân con én đã đưa thoi
Chín chục thiều quang chợt sáu mươi
Cỏ tận chân trời non ngất nghểu
Một vài cành trắng điểm hoa rơi
Thanh minh trong tiết tháng ba ấy
Lễ là tảo mộ Đạp thanh thôi
Yến anh nô nức xa gần nhỉ
Chị em sắm sửa bộ hành chơi…”
Thơ Máy có thể chuyển lời bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải thành thơ lục bát:
“Mùa này Hà Nội vắng mưa
Khăn em bay, cái rét vừa hiu hiu
Thôi rơi hoa sữa em yêu
Cổ ngư chầm chậm về nhiều bước ta”
Thậm chí có thể chuyển một đoạn tin trên mục Tâm sự của VnExpress thành… thơ:
“…cô ta quá mức vô liêm
rất hay gửi nhắn tin kèm cho tôi
yên tâm công tác chồng ơi
bố con đã ở nhà rồi xa nhau
tự tin mạnh mẽ tôi đau
mà giờ phút ấy nhớ nhau cồn cào
không còn chút sức lực nào
không còn cuộc sống đặt vào niềm tin…”
Đọc những bài trên quả dễ thấy có chút ngây ngô nhưng cũng khó hình dung đó chỉ là sản phẩm của máy.
Cũng chỉ với sự trợ giúp của Thơ Máy ta mới có thể dễ dàng làm những thể thơ cực độc, ví dụ 1 bài thơ lục bát đọc xuôi từ trái sang phải hay đọc ngược từ phải sang trái đều “có nghĩa” và đúng luật:
“em yêu nắng cực chàng ơi
ai môi mềm đỏ thắm trời thu sang
vai tròn lót áo tơ vàng
chiều về khoai nóng bởi chàng yêu em…”
Đọc ngược từ phải sang trái:
“ơi chàng cực nắng yêu em
sang thu trời thắm đỏ mềm môi ai
vàng tơ áo lót tròn vai
em yêu chàng bởi nóng khoai về chiều…”
PV: Cho đến giờ, khối lượng truy cập và sử dụng Thơ Máy đạt bao nhiêu? Tinh Vân có ngạc nhiên không nếu thơ được Thơ Máy làm có thể xuất hiện trên báo dưới tên một tác giả nào đó, thậm chí đem lại vinh quang văn học cho người ấy?
Anh Phan Quang Minh: Hiện số lượng truy cập thomay.vn không nhiều, mỗi ngày trung bình chỉ có khoảng 500-1000 người truy cập, mỗi người trung bình “sản xuất” độ 10 bài mỗi lần. Tôi không tin Thơ Máy có thể xuất hiện trên báo, bởi nó chưa đủ trình độ làm ra những câu thơ có cảm xúc, nhưng để hỗ trợ cho đúng niêm luật, gợi ý từ ngữ, hoặc giúp những bạn không biết gieo vần cho ra những bài chuẩn niêm luật thì là đặc biệt có ích.
PV: Thơ vốn luôn được coi là địa hạt của tâm hồn mỗi cá nhân, các rung động trùng tần số với nhiều người, với các vấn đề lớn của xã hội mới tạo ra thi sĩ, vậy một thi sĩ máy luôn hùng dũng, lúc nào cũng sẵn sàng có thi hứng, không bao giờ cạn nguồn sáng tạo với các thuật toán của mình có đối nghịch với hình tượng thi sĩ như đã nói, có làm nhiều người phản ứng không, thưa anh?
Anh Phan Quang Minh: Còn xa lắm Thơ Máy mới có thể đem lại những bài thơ thực sự giá trị, hiện vẫn chỉ dừng lại ở tác dụng mang lại nhiều niềm vui sảng khoái cho những người yêu thơ và thích hài hước. Một tác dụng không thể phủ nhận của Thơ Máy, coi như có đóng góp cho văn học nước nhà là Thơ Máy giúp 1 số “nhà thơ” hạn chế làm những bài thơ quá chán, bởi chính họ cũng có thể nhận ra rằng chỉ cần bấm nút Thơ Máy là đã có thể sản xuất những bài thơ nghe còn hay và xuôi tai hơn.
PV: Em rất mong muốn nghe câu chuyện cá nhân và cảm nhận của anh với tư cách nhà đầu tư với một trang web và ứng dụng lạ lùng như Thơ Máy, mong anh kể?
Anh Phan Quang Minh: Kỷ niệm ấn tượng nhất của anh là khi thực hiện bộ lịch Tinh Vân 2012. Theo truyền thống các bộ lịch hàng năm của Tinh Vân đều phải mang tính sáng tạo, độc đáo, khác biệt và trí tuệ. Chưa biết chọn đề tài gì thì anh Tô gợi ý về làm một bộ lịch Thơ, như kiểu nhà thơ Nguyễn Duy vẫn thường làm vào những năm 200x, nhưng thơ ở đây là Thơ Máy. Ý tưởng được triển khai rất nhanh, 12 tờ lịch tháng là 12 bài thơ do Thơ Máy sáng tác, điểm duy nhất khác biệt là các bài thơ này đều do nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nhấn chuột lựa chọn, và được họa sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả bộ sách “Sát thủ đầu mưng mủ”) vẽ minh họa. Như bài thơ tháng Giêng dựa trên chủ đề Xuân Diệu của Thơ Máy như sau:
“Biển xanh hận tháng ngày nhiều trăng quá
Trời đầy trăng tình thổi gió em ơi
Mắt như thuyền hôn mãi ánh khơi vơi
Biển xanh lặng bước trong trăng soi bóng
Anh không xứng tha hồ nghe tiếng sóng
Cạnh bờ mây phảng phất má em hồng
Bâng khuâng thơm bằng ánh sáng thinh không
Gieo mộng tưởng nhạt sương mờ ai biết”
Bộ lịch đã tạo được ấn tượng và cảm tình của người xem, được khách hàng đánh giá cao.
PV: Cám ơn anh Minh, chúc anh, Tinh Vân luôn khỏe, sinh động và sáng tạo như Thơ Máy!
Vương Thuấn