Xã hội - giải trí

U19 đừng là một đoản ca

Đăng bởi: hangnt | 29/10/2016

Một chiều tháng Bảy năm 2011, tôi đến sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng xem trận cầu đinh V-League 2011 giữa SHB Đà Nẵng và Sông Lam Nghệ An.

Những phút cuối trận, khi tỷ số gần như đã được ấn định, tôi thấy Văn Quyến xuất hiện bên ngoài đường pitch. Đến lúc đó, anh mới được lệnh khởi động để vào sân.

Chi Lăng, cũng thảm cỏ đó 10 năm trước, trong giải U16 Châu Á, chàng trai áo số 10 Văn Quyến đã sút phạt đẹp mắt hạ gục Trung Quốc và nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải. Hôm nay, vẫn trên sân vận động ấy, sau 10 năm là cả một khoảng trời thăm thẳm của hai thái cực: ngày đầu của thần đồng và ngày cuối của tàn phai.

Văn Quyến không phải là cầu thủ duy nhất của bóng đá Việt Nam có xuất phát điểm đầy kỳ vọng, và rồi sau đó bước hụt về quên lãng. Quyến chỉ là cầu thủ tiêu biểu, còn lứa U16 năm 2000 ấy cũng chỉ là thế hệ tiêu biểu trong một hệ thống bóng đá Việt Nam mà thành quả khi trưởng thành của các cầu thủ trẻ rất không tương xứng với xuất phát điểm ban đầu.

20161024021059-bhr-vie-2

Khi U19 Việt Nam của thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn giành được chiếc vé dự U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc, tôi nhớ lại hình ảnh Văn Quyến buổi chiều Chi Lăng 5 năm trước.

Đây có thể coi là thành tích quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá sân cỏ, Việt Nam góp mặt ở sân chơi World Cup bằng tấm vé trực tiếp. Chưa kể, U20 World Cup là một thương hiệu lớn, một cái nôi sản sinh ra những siêu sao, huyền thoại bóng đá trong tương lai. Những Trần Thành, Trọng Đại, Tiến Dũng, Đức Chinh… sẽ đối diện với những người có thể trở thành Messi, Maradona của tương lai. Nhiều huyền thoại đã đánh dấu sự xuất hiện ở sân chơi này.

Nhưng những Trần Thành, Trọng Đại… sẽ là gì của tương lai? Đó là câu hỏi mà người làm bóng đá Việt Nam cần đặt ra.

U20 World Cup từng chứng kiến sự sản sinh của thế hệ vàng bóng đá Bồ Đào Nha với Luis Figo, Rui Costa; nó cũng là nơi tạo ra một cú hích lớn cho các nền bóng đá từ trung bình trở thành nền bóng đá được nể trọng như Ghana, Nhật Bản, Chile.

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Trung Quốc cũng góp mặt tại giải đấu này, nhưng họ không làm được như Nhật Bản. Các nền bóng đá ít tên tuổi như Benin, Syria, Burkina Faso… đều từng một lần đến đó. Nhưng lứa cầu thủ vàng đó giờ đã biến mất. U20 World Cup bằng vị thế của nó, sẽ trao cơ hội cho tất cả những ai đến sân chơi này, nhưng thành công chỉ đến với những ai biết nắm bắt. Còn với những liên đoàn đi sai hướng, họ sẽ mất đi lứa cầu thủ vàng đó. Tôi muốn gọi đấy là những “Thế hệ bị đánh cắp.”

Bức tranh bóng đá Việt Nam lại có quá nhiều “thế hệ bị đánh cắp” như vậy. Ví dụ ngay chính lứa U19 của 5 năm trước, trong giải vô địch U19 Đông Nam Á 2011. Ngôi sao sáng nhất của U19 Việt Nam năm ấy là tiền đạo Nguyễn Xuân Nam, anh là vua phá lưới của giải đấu với 8 bàn thắng. Còn đội tuyển U19 Việt Nam giành ngôi á quân. Bây giờ Nguyễn Xuân Nam ở đâu? Anh đã phải lưu lạc ở giải vô địch quốc gia… Lào. Bây giờ, Việt Nam có hẳn một lứa U19 đi đến World Cup. Nhưng sau mừng vui, hãy bắt đầu lo lắng. Và có cơ sở để mà lo lắng.

Sau thành tích vang dội hôm nay, những ngôi sao trẻ của chúng ta sẽ quay trở lại và đối mặt với một nền bóng đá nặng về… bệnh thành tích.

Bệnh thành tích tạo ra những gì? Việc gian lận tuổi ở các giải bóng đá phong trào sẽ tiêu diệt bóng đá trẻ Việt Nam về lâu về dài. 

Vì thành tích, người ta không chỉ gian lận tuổi, mà còn dạy các em “gian lận” cả các nguyên tắc sống. Những cú vào bóng làm què chân đối phương đầy rẫy trên sân cỏ V-League không phản ánh nhân cách cá biệt của một cầu thủ: nó phản ánh cả một lối tư duy chung.

Bệnh thành tích cũng tạo ra thứ văn hóa “gà nòi” – đốt cháy giai đoạn của những tiềm năng và ghẻ lạnh những người thất bại. Nếu có điều gì khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thì đó là Trung Quốc đào tạo kiểu “gà nòi”, tập trung hết các tài năng trẻ lại một siêu-trung-tâm để nuôi giấc mơ World Cup. Họ chưa thể thành công. Còn Nhật Bản, họ phát triển phong trào bóng đá cộng đồng, và từ đó các ngôi sao được sinh ra.

Vào World Cup là một giấc mơ đã thành hiện thực. Nhưng chừng nào ta vẫn không giải quyết được “lỗi” trong tư duy thượng tầng, thì bóng đá Việt Nam sẽ không tạo ra bước ngoặt. Và khúc hát chiến thắng ngày hôm nay của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có thể sẽ chỉ là một đoản ca.

Để nền bóng đá cất cánh, sau bệ phóng cho các cầu thủ trẻ ở giải đấu lớn, người ta cần một đường hướng phát triển đúng đắn cho lứa cầu thủ vàng ấy ở giai đoạn tiếp theo.

Đồng minh lớn nhất của một cầu thủ trẻ, chắc chắn là những thành tích như hôm nay. Nhưng kẻ thù lớn nhất của họ, cũng sẽ lại là thành tích – hay là cái cách người lớn nghĩ về thành tích.

Dũng Phan (Theo VnExpress)