Go Global – “It’s a Big World and There’s Lots to be Done”
Ngẫm nghĩ, mới đó đã 5 năm kể từ khi xác lập chiến lược làm với Nhật từ khoảng giữa 2010. 5 năm dốc lòng dốc sức, để rồi đến thời điểm này chúng tôi cũng đã có một công ty nho nhỏ xinh xinh với hơn trăm người, lấy đội ngũ quản lý dày dặn kinh nghiệm và gắn bó làm nòng cốt.
Sau 5 năm, chúng tôi có 4 văn phòng tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Tokyo, Nhật Bản. Sau 5 năm, chúng tôi có một tập hợp các bạn hàng tên tuổi, đang hàng ngày nhận được dịch vụ của chúng tôi một cách hài lòng. Sau 5 năm, chúng tôi đủ tự tin để xây dựng cho mình niềm tin tiếp theo vào thành công lớn hơn. Sau 5 năm, giờ đây chúng tôi đang mạnh dạn mở rộng ra những Quốc gia khác, mạnh dạn vươn ra biển lớn.
Năm nay, cho tới giai đoạn 5 năm tiếp theo, tôi và đội ngũ của mình sẽ tiếp tục với cái thứ to tát mà chúng tôi gọi là “chiến lược Toàn cầu hoá”, chiến lược mà chúng tôi đã không thay đổi từ những ngày đầu tiên.
Về mặt khái niệm, Toàn cầu hoá, tiếng Anh gọi là Globalization, hoặc “Go Global” như 1 cách nói đơn giản và dễ hiểu, là thuật ngữ để chỉ việc 1 doanh nghiệp định hướng cho đơn vị mình có hoạt động trên những mảng thị trường vượt ra ngoài lãnh thổ của quốc gia nơi doanh nghiệp đó có hoạt động sản xuất kinh doanh. Chiến lược toàn cầu hoá là chiến lược xác định việc doanh nghiệp coi thị trường toàn cầu gồm nhiều quốc gia như một thị trường thống nhất nên doanh nghiệp cần phải cung cấp được những sản phẩm và dịch vụ được tiêu chuẩn hóa, theo yêu cầu khắc nghiệt của các bạn hàng quốc tế. Các doanh nghiệp thực hiện chiến lược này có những mục tiêu khác nhau, tuỳ theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, tuy nhiên có một điểm chung, là được hưởng lợi từ các hiệp định, thoả thuận thương mại và kinh doanh quốc tế, cũng như sẽ phải có tầm nhìn dài hạn và chiến lược đầu tư bài bản, vì cuộc chơi ở môi trường toàn cầu sẽ đòi hỏi sự bền bỉ và thấu hiểu, không chỉ về lĩnh vực kinh doanh, mà còn về con người và văn hoá.
Quay lại với câu chuyện của Tinhvan Outsourcing, lấy cảm hứng từ bài diễn văn chào mừng tốt nghiệp tại Stanford của Steve Jobs, tôi cũng xin kể thành 3 câu chuyện nhỏ..
- Connecting the dots – Nhìn lại quá khứ
2010 – năm đầu tiên của chiến lược toàn cầu hoá, chúng tôi xác định sẽ làm với thị trường (TT) Nhật đầu tiên. Hồi đó, loại bỏ những yếu tố tiềm năng về thị trường một cách chính thống, chúng tôi đơn giản nghĩ Nhật Bản là đất nước chứa đựng những nét đẹp về văn hoá và sự thuỷ chung, luôn trân trọng những mối quan hệ hay công việc làm ăn. Vậy,nên chọn Nhật Bản là thị trường tập trung, và hăm hở lên kế hoạch kinh doanh.
Với tư cách là CEO của công ty, tôi quyết định đi học tiếng Nhật, và sau 2 buổi học, vài câu chuyện hàn huyên, tôi mời chính thầy giáo dạy tiếng của mình là Phạm Minh Đức (hiện đang là Giám đốc Kinh doanh cho Nhật Bản của công ty) về cùng tôi chiến đấu. Đức sinh năm 82, cũng bằng tuổi tôi. Anh em nhanh chóng tìm được điểm tương đồng trong mục tiêu và con người. Thắm thoắt, đã 5 năm trên cùng một con thuyền.
2012, một người bạn từ Singapore, cũng xuất phát từ tình cảm quí mến tôi, nhân cơ hội nhận chức vụ CEO tại một công ty phần mềm (trước đó bạn làm trong một tổ chức chính phủ), đã đưa cho tôi một dự án nho nhỏ làm ứng dụng trên iPhone cho một Bộ của Singapore. Và cơ duyên đến, tôi quyết định mở thêm thị trường thứ 2 bên cạnh Nhật Bản. Người đi cùng tôi trên con đường này, Bùi Thanh Tùng, nay đã là Giám đốc của Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm Singapore. Đến hôm nay, cũng đã hơn 4 năm chúng tôi gặp mặt nhau hàng ngày.
Tất nhiên, mọi chuyên không tốt đẹp và lãng mạn như vậy.
Chỉ vài tháng sau khi xác lập Nhật Bản là TT tập trung và có một vài khách hàng nhỏ đầu tiên, trận động đất và sóng thần lịch sử đầu năm 2011 dường như làm chúng tôi nản chí khi 7, 8 tháng trời không có 1 dự án nào, anh em quẩn quanh tìm đường thoát, quẩn quanh với suy nghĩ mình sẽ làm gì, có từ bỏ không hay tiếp tục theo đuổi.
Singapore là một thị trường khó nhằn khi các yêu cầu dự án đều có yêu cầu không rõ ràng, làm là lỗ, làm là mệt, làm là có khi không rút chân ra được.
Ngày hôm nay, sau 5 năm, chính bản thân tôi cũng không hiểu chúng tôi làm sao để vượt qua cái thời kỳ chông chênh ấy. Có lẽ đó là vì niềm tin, một niềm tin vào những thứ còn chưa đủ rõ ràng, nhưng thực sự chúng tôi đã tin vào một điều gì đó. Niềm tin ấy giúp chúng tôi đi đến ngày hôm nay.
- Success is about love and loss – Thành công là yêu việc mình làm và chấp nhận cái giá phải trả
2010, khi chúng tôi team up lại để cùng làm Tinhvan Outsourcing, anh em ai cũng độc thân, phần lớn anh em chủ chốt của công ty đều đang đi xe máy, chúng tôi chỉ giàu nhất một thứ, đó là tình yêu to lớn đối với công việc mình đang làm.
Không yêu sao được, khi chúng tôi gặp nhau từ 8h sáng, làm việc điên cuồng trong công ty tới 8h tối, rồi lại ngồi cùng nhau tới 2h sáng hôm sau, và 6 ngày 1 tuần.
Không yêu sao được, khi chúng tôi ngày nào cũng làm đúng công việc đó, mà sang năm thứ 6 rồi, chưa một lần nào thấy chán nản.
Không yêu sao được, khi vượt qua được những lúc tưởng như bế tắc khi 1 loạt yếu tố khách quan làm hàng tháng trời không có dự án và không có khách hàng.
Cho đến ngày hôm nay, tình yêu cho những gì mình đang làm trong chúng tôi vẫn chưa hề thay đổi. Và cùng với tình yêu đó, tôi hiểu, anh em xung quanh mình đang hàng ngày hàng giờ có những hy sinh thầm lặng.
Thời gian cá nhân và sức khoẻ là điều khỏi phải bàn. Thời còn độc thân, chúng tôi dành 12-14 tiếng ở cạnh nhau, ăn, ngủ, và làm việc. Đến khi lập gia đình và có con cái, chúng tôi vẫn dành chừng đó thời gian để làm việc cạnh nhau, đồng nghĩa với việc thời gian dành cho gia đình không được như những gia đình bình thường khác. Có những lúc lo lắm, mong lắm, nhưng anh em lại nhìn nhau và tự nhủ: Vì ước mơ lớn, chút hy sinh có đáng gì. Một cách thực tế hơn, tôi gọi đó là những cái giá phải trả cho mục đích của hiện tại và tham vọng của tương lai. 5 năm vừa qua, phải chăng chúng tôi là những người may mắn, may mắn vì chúng tôi sớm tìm ra được thứ mình yêu thương và dành tâm huyết để làm, hay may mắn vì chúng tôi được ở bên nhau như những người tri kỷ, nắm tay nhau, quyết không thay đổi, mãi chẳng sai lời khi đã hứa.
Ngẫm nghĩ lại, tôi thực sự cảm thấy nếu không phải là công việc chúng tôi đang làm, và không phải những con người thời ấy và bây giờ, có lẽ công ty của chúng tôi đã không như ngày hôm nay. Chúng tôi trân trọng những gì mình đang có, và đặt trọn vẹn tình yêu vào nó.
- Future is in our hands – Quá khứ là kinh nghiệm, Hiện tại là đấu tranh, Tương lai là ở mình!
2016 đang cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời – cần phải khẳng định lại điều này, khi thị trường Nhật vẫn đang hết sức rộng lớn, và TPP sắp được ký, mở ra những cơ hội với nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay là Mỹ.
Việc thành lập xong văn phòng tại Tokyo, thành lập riêng mô hình 1 trung tâm độc lập phù hợp với đặc thù để làm việc với các bạn hàng Singapore, và xác lập chiến lược tiếp cận TT Mỹ, là những nền tảng mạnh mà chúng tôi đã tích luỹ được trong năm 2015, chắc hẳn không có lý do gì để thất bại trong 2016 và những năm kế tiếp.
Chúng tôi có 5 năm với những bài học quí giá, những quyết định đúng và cả quyết định sai, chúng tôi đã có những kinh nghiệm mà tự bản thân mình đã đi và đã vấp ngã, chúng tôi trân trọng quá khứ và quyết liệt ở hiện tại, chúng tôi tin tương lai được quyết định bởi nỗ lực của chính mình.
Có một câu, cũng trong bài diễn văn nổi tiếng của Steve Jobs, mà tôi tâm đắc: “Most important, have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary”. Đúng, trong thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm, có đôi khi tôi nghĩ, tôi và những cộng sự của mình sẽ cần một niềm tin mãnh liệt vào trái tim và trực giác, vì trái tim sẽ biết và trực giác sẽ mách bảo thứ chúng tôi thực sự muốn trở thành là gì, tất cả những thứ còn lại, sẽ chỉ là thứ yếu.
Ích Vinh, Tản mạn một ngày mùa đông…