Hành Trình 1/4 thế kỷ

Khởi đầu Xa Lộ

Đăng bởi: editor | 6/12/2019

Phạm Thúc Trương Lương

Phó Tổng Giám đốc điều hành Tinhvan eBooks (TVB)

Năm 2005, máy tìm kiếm Vinaseek nổi danh một thời đã được quyết định cho “nghỉ hưu” sau nhiều lần nâng lên đặt xuống. Những tưởng giấc mơ search engine của Tinh Vân sẽ dừng lại ở đây, nhưng đến đầu năm 2007, vấn đề máy tìm kiếm tiếng Việt lại được đưa ra thảo luận trong buổi họp HĐQT tổng kết năm.

Lúc đó đang là cuối thời kỳ phát triển cực thịnh và có phần điên cuồng của thị trường chứng khoán trong nước. Cơn sốt chứng khoán tạo ra nhiều đại gia với túi tiền rủng rỉnh, và một số, vừa có tiền vừa có tầm nhìn, bắt đầu nghĩ đến chuyện đầu tư vào những công ty công nghệ khởi nghiệp thay vì chỉ bám sàn. Anh Nguyễn Hồng Chương, người được Ban lãnh đạo Tinh Vân coi như bậc đại ca với nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo cả trong và ngoài ngành CNTT, đã khuyến khích Tinh Vân tiếp tục bài toán máy tìm kiếm. Theo anh Chương, Internet không chỉ có mình Google. Tại một số quốc gia, các máy tìm kiếm địa phương vẫn có thể cạnh tranh, thậm chí chiếm thị phần áp đảo, đặc biệt là những nước sử dụng bảng chữ cái phi Latin. Nga có Yandex, tại Trung Quốc thì Baidu là số 1 và tại Hàn Quốc thì người dùng chỉ biết đến Naver. Người Việt rất có thể cũng cần một search engine hiểu tiếng Việt và hiểu mình như vậy. Với kinh nghiệm về tìm kiếm và xử lý ngôn ngữ tích lũy được cùng Vinaseek, Tinh Vân nên khởi động lại dự án máy tìm kiếm một cách bài bản và quy mô hơn để nắm bắt cơ hội đó. Hơn nữa, nếu Tinh Vân quyết tâm, thì sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền cho Tinh Vân làm.

xalo

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong HĐQT. Người thì cho đây là cơ hội nên thử, người thì hoài nghi về tính hợp lý của chính ý tưởng này. Nhưng có một điểm mọi người đều đồng thuận, đó là phải có công nghệ tìm kiếm đủ mạnh thì mới có thể cạnh tranh với Google cũng như đáp ứng được với tốc độ tăng trưởng rất nhanh của lượng nội dung tiếng Việt trên Internet. Nền tảng công nghệ là điều kiện cần, tiên quyết và là rào cản đầu tiên phải vượt qua.

Tôi và anh Sơn được giao nhiệm vụ tìm giải pháp. Chúng tôi phân công đi theo hai hướng. Anh Sơn sẽ tìm các công ty cung cấp sản phẩm tìm kiếm, còn tôi thì liên hệ với các công ty có dịch vụ tìm kiếm đang cạnh tranh được với Google, thương thảo để mua công nghệ của họ hoặc đề xuất cùng hợp tác.

Tôi liên lạc với Yandex, Mail. ru và Rembler của Nga; Baidu, Sohu của Trung Quốc; Naver của Hàn Quốc. Cách liên lạc thì rất du kích, bắt đầu bằng việc gửi email tới một vài địa chỉ bâng quơ nào đó lấy được trên trang web của họ rồi đợi phản hồi, hy vọng đầu bên kia có người lấy thư, biết tiếng Anh và quan tâm đến những gì mình viết. Tuy chỉ hú họa như vậy nhưng vẫn có bốn công ty phúc đáp và việc trao đổi tiếp tục được đẩy dần lên cấp cao hơn. Sau vài tuần thì tôi chốt được hai cuộc họp qua điện thoại với lãnh đạo của Baidu và Yandex.

Đối tác Baidu trao đổi với tôi là Mr Chen, giám đốc Marketing, nói tiếng Anh khá tốt. Anh ta hỏi lại hầu hết những gì đã trao đổi qua email, sau đó chia sẻ rằng Baidu rất quan tâm tới Việt Nam, nhưng chưa thể làm gì vào lúc này vì đang phải tập trung nguồn lực cho dự án Baidu Nhật Bản. Đó cũng là dự án đầu tiên của Baidu tại nước ngoài. Nếu thành công, Baidu sẽ mở dịch vụ tại Việt Nam và hy vọng lúc đó Tinh Vân sẽ là đối tác. Hướng Baidu như vậy là cụt.

Trong tay tôi lúc đó chỉ còn Yandex, xem như là cơ hội cuối cùng vì anh Sơn tới lúc đó cũng không thành công với hướng tìm sản phẩm.

Đích thân Arkady Volozh, CEO của Yandex là người trao đổi email và họp qua điện thoại với tôi. Một tín hiệu tốt, tôi nghĩ thế. Cậu đòi rất nhiều số liệu về thị trường Internet Việt Nam mà tôi phải phóng tác ra một phần. Qua điện thoại, tôi cố gắng vẽ ra một bức tranh sáng lạn về cơ hội và tiềm năng của bài toán kinh doanh máy tìm kiếm tại Việt Nam và kể về Vinaseek. Tôi thuyết phục Volozh đầu tư vào Việt Nam cùng với Tinh Vân, nơi có các sáng lập viên tốt nghiệp trường MGU danh tiếng của Liên Xô và nói tiếng Nga trôi chảy. Nhưng Volozh tỏ ra thận trọng. Cậu nói CTO của Yandex là Ilya Segalovich vừa mới quay trở lại công ty làm việc và đang cùng đội công nghệ “refactor” lại mã nguồn của máy tìm kiếm (Ilya là người Nga gốc Do Thái, đã nghỉ Yandex để di cư sang Mỹ nhưng rồi ở lại). Với hiện trạng sản phẩm như vậy, Yandex chưa thể bắt tay vào một thị trường khác, Volozh kết luận. Vậy là cơ hội cuối cùng thất bại nốt, tôi nghĩ. Nhưng thật may là câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Volozh nói với tôi: “Tao biết một công ty của Na Uy có sản phẩm rất hợp với nhu cầu của chúng mày. Tên công ty là Fast. Tao sẽ giới thiệu mày với bọn nó. Mày có thể mua search engine của bọn nó và mua giải pháp Quảng cáo theo từ khóa Direct của bọn tao”.

Sau đó Volozh viết email giới thiệu tôi cho một cậu tên là John Sviland của Fast Search & Transfer. Tôi nói anh Sơn thử tìm hiểu về công ty này. Kết quả quá tuyệt. Fast đúng là đỉnh của đỉnh, công nghệ tìm kiếm của họ cho thị trường doanh nghiệp thậm chí còn được đánh giá là tốt hơn cả Google Appliance. Khách hàng của họ nhiều vô thiên lủng, toàn loại tay to và cũng có những công ty khá tương đồng với hướng của Tinh Vân, đó là giải quyết bài toán tìm kiếm địa phương. Anh Sơn còn vào website của thị trường chứng khoán Oslo, nơi Fast niêm yết, để đọc báo cáo tài chính của họ. “Công ty này dư nhiều tiền mặt quá Lương ạ, họ có 200 triệu đô trong két”. Lẽ ra theo phân công, anh Sơn sẽ là đầu mối tìm ra Fast nhưng vào thời điểm đó, khi nghĩ về các công ty cung cấp công nghệ tìm kiếm, chúng tôi chỉ hướng đến vào Mỹ mà không thể ngờ rằng Na Uy lại có cái mà mình cần.

Với giới thiệu của Volozh, John Sviland phản hồi ngay. Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Cậu ta không tin Tinh Vân có tiền để mua Fast. “Đắt đấy”. Thật oái oăm là bên mua lại phải thuyết phục bên bán là ý định của mình thực sự nghiêm túc. Để vượt qua quá trình thẩm định, tôi phải trải qua ba lần họp qua điện thoại. Hai lần đầu với John Sviland, lần thứ ba có thêm TK là giám đốc Kinh doanh của Fast, tham dự từ văn phòng tại Los Angeles. Vẫn một bài ca về tiềm năng thị trường Internet Việt Nam như trình bày với Baidu và Yandex. “Mày phải tới Oslo làm việc trực tiếp với bọn tao thôi”, John Sviland chốt sau buổi họp thứ ba. “Sẵn sàng, tuần sau luôn nhé”, tôi đáp.

Ngày 12/05/2007, tôi và anh Sơn tới Oslo. Chúng tôi không có một chút ý tưởng nào về mức giá của Fast. Cũng chưa có nhà đầu tư cụ thể nào cả. Ngoài anh Chương, một vài người khác cũng thể hiện sự quan tâm. Còn nguồn đầu tư nước ngoài, lúc đó Tinh Vân đang đánh võng giữa IDG và M&H, một quỹ đặt trụ sở tại Hồng Kông. Nhưng tiền thì chưa có và cũng không biết sẽ có bao nhiêu.

Nước Na Uy từ trên máy bay nhìn xuống là rừng thông ngút ngàn đến hết tầm mắt, đẹp như tiên cảnh. Nó gợi cho tôi giai điệu của bài hát “Norwegian wood” của The Beatles, bài hát được dùng làm tên cho cuốn tiểu thuyết “Rừng Na Uy” đã dịch ra tiếng Việt của nhà văn Nhật Bản Murakami. Chúng tôi đến Oslo vào chiều thứ Bảy nên có ngày Chủ nhật khám phá thành phố. Na Uy đầu hè đến 10 giờ đêm mới chạng vạng tối và giá cả thì cái gì cũng đắt đến khó hiểu.

Buổi làm việc đầu tiên tại Fast là vào sáng thứ Hai. Tôi trình bày slide về thị trường Internet Việt Nam, còn anh Sơn thì chat về nhà, cập nhật diễn biến tình hình. Sau đó tới Bjorn Olstadt, CTO của Fast, giới thiệu về các sản phẩm của họ. Công nghệ Fast Searh có quá nhiều thứ hay ho. Tiếp theo, John Sviland thuyết trình về dịch vụ của khoảng một tá khách hàng tiêu biểu ở đủ các châu lục.

Vẫn chưa nói về giá. Đó sẽ là việc của ngày hôm sau.

Buổi tối John mời chúng tôi đi ăn. John mắc chứng dị ứng trứng nặng, ăn một món nào có dính một chút trứng thôi là sẽ chết ngay tại chỗ. Ấy là cậu ta nói vậy. Vì vậy gọi món gì cũng phải trao đổi rất cẩn thận với hầu bàn. Tôi gợi chuyện: “Tao với Sơn đến đây được hai hôm rồi. Oslo rất đẹp, nhưng cái gì cũng đắt kinh. Đắt đến mức mà bọn tao có một thuật ngữ riêng gọi là Norwegian price“. John gật gù. Tôi nói tiếp: “Tao hy vọng sáng mai bọn tao sẽ không phải nghe thêm một Norwegian price nữa”. Cả nhóm phá lên cười.

Buổi mặc cả sáng hôm sau khá căng thẳng. John có vẻ chuyên nghiệp trong chuyện này. Cậu ta hỏi dự kiến search engine của chúng mày sẽ index bao nhiêu terabyte dữ liệu? Có bao nhiêu truy vấn một giây (QPS)? Hóa ra đó là hai tham số để tính giá. Hôm qua tôi chém gió rất nhiều về tiềm năng Internet Việt Nam và quy mô máy tìm kiếm mà chúng tôi muốn xây dựng. Các con số làm mồi câu sự quan tâm của Fast hôm qua có thể sẽ khiến chúng tôi phải trả giá ngày hôm nay. John không tiết lộ công thức tính giá. Nếu nói thấp, có thể chúng tôi sẽ không mua đủ công suất hoạt động, nếu nói cao, có thể sẽ quá đắt. Tôi với anh Sơn trao đổi và nói đại hai thông số. John hý hoáy bấm chuột. “Tao nghĩ bọn mày sẽ phải trả hai triệu đô”. “Sao đắt thế?”, câu hỏi bật ra hết sức tự nhiên. John giải thích về cách tính giá. “Vậy bọn tao không cần bằng đó QPS, và lúc đầu index cũng không lớn như vậy”, chúng tôi trao đổi và đưa ra cặp số mới. Một mức giá mới, khoảng 1,5 triệu đô. Bắt đầu mặc cả. Có những thời điểm chúng tôi cảm giác sẽ không thể đạt được thỏa thuận. John có một chiêu là thỉnh thoảng bỏ ra ngoài gọi điện thoại, giống như là xin ý kiến sếp. “Bọn tao có thể không trả toàn bộ bằng tiền, một phần sẽ bằng chia sẻ doanh thu bán quảng cáo từ khóa”, chúng tôi đề xuất. “OK, vậy bọn tao sẽ thu 40% trong 3 năm” (Thế thì bằng ăn thịt người ta à!) Lại mặc cả, trao đổi, ra ngoài gọi điện thoại. Sau hai tiếng, con số chốt lại là khoảng 1/3 mức giá đầu tiên, với lượng QPS và kích thước index khá hẻo, kèm theo điều kiện chia sẻ doanh thu rất chát. Thôi kệ, còn hơn là về tay không, tôi với anh Sơn bảo nhau.

Lúc quá cảnh ở Paris, chúng tôi gọi điện về nhà thông báo tình hình. Tin tức ở nhà khá tốt, các nhà đầu tư đều phấn khởi. Hy vọng sẽ có đủ tiền để trả cho Fast. Anh Sơn bảo tôi: “Anh không có cảm giác là mình vừa tiêu một số tiền lớn như vậy, mọi thứ quá ảo”.

Một tuần sau đó là quá trình mặc cả tiếp tục qua email. Chốt được giá rồi thì bây giờ đến màn đòi thêm quyền lợi. Tăng QPS, tăng kích thước index, tăng dịch vụ hỗ trợ. Có thứ John Sviland đồng ý, có thứ không chịu. Sau cùng cậu email: “Thôi được rồi CEO của bọn tao là John Lervik có chuyến công tác Hong Kong, tiện thể sẽ ghé qua Hà Nội ký hợp đồng với chúng mày luôn. Muốn gì thì cứ nói trực tiếp với ông ta”.

John Lervik đến Hà Nội vào buổi tối và chỉ ở Việt Nam chưa tới 24h. Tôi ra sân bay đón. CEO của Fast khá trẻ và đẹp trai, hầu như lúc nào cũng bận điện thoại. Lervik cho tôi biết ngoài làm việc với Tinh Vân, cậu ta có hai cuộc hẹn khác. Cái gì? Tiện ghé Hà Nội mà còn có thêm hai cái hẹn nữa? Hay là còn có các công ty khác cũng muốn mua công nghệ Fast để làm search engine? Tôi báo tin cho anh Tô. “Chúng ta phải giám sát tay này trong suốt thời gian ở Hà Nội, để xem nó gặp những ai”. Anh Tô phân công anh Trần Hoài Phú, giờ là Phó TGĐ Minh Châu, làm lái xe đưa đón Lervik và cùng một bạn phòng Hành chính đưa cậu ta đi chơi Văn Miếu và Bảo tàng Dân tộc học, mục đích là để chiếm hết thời gian. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng ngoài hai cuộc hẹn đã lên lịch, John Lervik không có lúc nào riêng tư ngoài tầm mắt của chúng tôi. Còn anh Hoàn được phân công làm thám tử, sẽ theo dõi John Lervik tại khách sạn Daewoo, khi cậu tiếp hai cuộc hẹn kia.

John Lervik đồng ý với tất cả những gì tôi đòi thêm mà John Sviland chưa chốt. Chúng tôi ký hợp đồng, chụp ảnh. Lervik nói với tôi: “Tao nghĩ Sviland cho chúng mày một cái giá rất tốt. Với công suất thế này, công ty RedNano của Singapore phải trả tiền gấp 3 đấy”. Thông tin này về sau tôi kiểm chứng được khi tham dự hội thảo Fast Forward tại Mỹ lúc uống bia với nhóm RedNano, nhưng ngay lúc đó thì chẳng ai tin cả.

Đúng là Lervik có hai cuộc hẹn. Anh Hoàn báo cáo tình hình hai người cậu ta gặp, một thanh niên Tây và một phụ nữ Châu Á kiểu người Hoa. Thở phào. Không phải gương mặt từ một công ty Việt Nam.

Buổi chiều tiễn Lervik ra sân bay tôi chỉ cho cậu tấm biển quảng cáo sơn Joton trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài: “Quảng cáo sơn của nước mày kìa”. John phát âm chữ Na Uy bằng tiếng Việt, có vẻ khoái chí và bảo tôi: “Năm sau khi bọn mày ra mắt search engine, bọn tao sẽ tài trợ một biển quảng cáo cho Xalo”.

Máy tìm kiếm Xalo.vn được phát triển trên nền tảng công nghệ Fast Search với sự khởi đầu như vậy.

Tháng 4/2008, Fast Search bị Microsoft mua lại để tích hợp công nghệ tìm kiếm của họ vào dòng sản phẩm SharePoint. Nhiều kỹ sư của Fast ra đi vì ghét Microsoft. John Lervik trở thành phó giám đốc cao cấp của người khổng lồ phần mềm và chuyển đến Redmond, Mỹ. Năm 2010, ông cùng một nhóm nhân viên cũ của Fast thành lập công ty Cxense, phát triển công nghệ quảng cáo hướng ngữ cảnh cho các dịch vụ web và ứng dụng mobile. Cả John Sviland và TK đều chuyển về làm việc tại đây.

Arkady Volozh hiện vẫn là CEO của Yandex. Ước lượng giá trị tài sản của ông vào năm 2013 là $1. 15 tỷ đô. Còn Ilya Segalovich đã mất năm 2013.

Dự án Baidu Nhật Bản được triển khai nhưng không thành công. Khi Baidu chuẩn bị sang Việt Nam làm ăn có cử một nhóm qua Tinh Vân trao đổi. Tôi hỏi thăm về giám đốc Marketing họ Chen. Cậu ta đã chuyển khỏi Baidu.

Hiện nay Xalo.vn là một trong nhiều dịch vụ khác nhau của TVT. Tuy nhiên, giờ nó là trang tổng hợp tin tức tự động, không còn là máy tìm kiếm và cũng không còn dùng phần mềm Fast. Giấc mơ máy tìm kiếm tiếng Việt một lần nữa phải gác lại. Nhưng với tất cả các thành viên HĐQT Tinh Vân và những ai từng làm việc trong giai đoạn đầu của dự án Xalo.vn, đó sẽ là những ngày tháng nhớ mãi.

Tags: