Tinh Vân những ngày đầu
Lâu nay, tôi vẫn thường bị ban biên tập báo TXTV trách vì gần như chưa đóng góp một bài viết nào cho tờ báo. Quả thực cũng đã một vài lần định ngồi viết một bài về những ngày xa xưa của Tinh Vân, nhưng bao nhiêu công việc có tên và không tên cứ triền miên không dứt, nên bài báo đầu tiên của tôi vẫn chỉ là dự định.
Mãi rồi chủ báo TXTV cũng nghĩ được đề tài cho tôi. “Anh viết 1 bài về những ngày đầu tiên của Tinh Vân đi”. Ấy là những dòng tôi đọc được sáng nay khi vừa bước chân đến công ty. Và rồi nhiều ký ức, nhiều hình ảnh cứ dần hiện lên trong trí nhớ của tôi.
Ngày ấy, đầu năm 1994, tôi còn là một sinh viên sắp tốt nghiệp ĐH Tổng hợp, khoa Toán Tin. Anh Quan Sơn đang làm dở nghiên cứu sinh ở Nga. Tôi chuẩn bị tài liệu làm luận văn tốt nghiệp thì anh Sơn đến, cho bộ đĩa Borland C 3.1, và nói rõ ý định sẽ về Việt nam “mở một cái gì đó làm về máy tính”, theo như lời anh Sơn nói.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh quán nước vỉa hè phố Yết Kiêu, góc ngã ba Yết Kiêu – Nguyễn Thượng Hiền, lúc ấy chắc khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 4, xe cộ tấp nập buổi tan tầm. Sau khi nghe dự định ấy, và câu hỏi “Anh muốn rủ Tùng tham gia, Tùng nghĩ thế nào”, tôi đã trả lời không chút chần chừ “Nhất trí ngay”. Dù trong đầu lúc ấy cũng chưa biết mọi sự sẽ thế nào.
Việc đầu tiên cần phải giải quyết là đi tìm địa điểm. Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến Hoàn, anh bạn không học chung một ngày nào, nhưng thân với tôi và hội bạn cấp 3 chuyên lý của tôi như một thành viên thực sự của lớp. Hoàn ngày ấy với Hoàn bây giờ cũng không khác nhau nhiều đâu. Có già đi, lên chức bố trẻ con đã lâu, nhưng những câu ví von của anh Hoàn thì vẫn vậy, “cứ nói 3 câu thì một câu không ai hiểu”. Nhưng nếu chịu khó đãi cát tìm vàng, thì có những câu bất hủ, cho đến tận bây giờ bạn bè vẫn nhớ và vẫn nhắc lại mỗi dịp gặp mặt. Có lẽ, điểm khác biệt dễ thấy nhất của Hoàn so với hồi ấy là bộ ria mép, chắc là để che đi vết sẹo nhỏ trên môi trên, và trông cho có vẻ đàn ông hơn thôi.
Địa điểm được chọn là nhà cậu Hoàn, phòng 101 nhà E6, phố Thái Thịnh. Căn buồng nhỏ xíu 12 m2, cửa sắt kéo, lợp mái tôn, chỉ đủ chỗ kê 2 bàn làm việc và một bộ bàn ghế nhỏ để tiếp khách. Chúng tôi quyết định gọi “cái gì đó làm về máy tính” mà anh Sơn đã nghĩ đến ấy là Trung tâm dịch vụ máy tính, “Computer Service Center”. Công việc ban đầu sẽ là làm tất cả các dịch vụ liên quan đến sửa chữa máy tính, cả phần cứng và phần mềm, rồi nâng cấp máy, diệt virus, … Mục tiêu lâu dài hơn sẽ là viết phần mềm, nhưng cụ thể thế nào sẽ tính sau.
Ngày mở cửa hàng được chọn là ngày 20/7. Tôi cũng không còn nhớ vì sao lại chọn đúng ngày này. Buổi sáng hôm ấy tôi đến trường nhận bằng tốt nghiệp, và buổi chiều thì bắt đầu công việc ở Computer Serice.
Những công việc đầu tiên mà Computer Service làm hồi ấy là nâng cấp, sửa chữa máy tính, diệt virus, khôi phục dữ liệu. Mỗi người một bộ đồ nghề, mà dụng cụ quan trọng nhất là tuốc nơ vít, một bộ đĩa 1.2Mb và một bộ đĩa 1.4Mb để cài đặt chương trình, diệt virus. Công việc có được thông thường qua quảng cáo trên báo và do những người quen biết, khách hàng cũ giới thiệu. Thời gian rỗi anh Sơn tiếp tục làm việc với bộ thư viện tính toán với số lớn (sau này là hạt nhân cho bộ thư viện các công cụ bảo mật và sản phẩm DEA của công ty), tôi ngồi hý hoáy với các đoạn mã virus và chương trình diệt virus. Hoàn thì vẫn tiếp tục học ở trường Đại học Xây dựng, chỉ có mặt ở trung tâm nửa ngày.
Những đồng tiền đầu tiên kiếm được thật khó khăn. Thu nhập chủ yếu là từ dịch vụ sửa chữa máy, cài đặt phần mềm, diệt virus. Việc nâng cấp máy cho khách hàng từ 286, 386 lên 486 là có lãi nhất, nhưng lãi đó lại nằm trong đống thiết bị cũ thu về. Mãi mà chẳng có cách nào biến được đống thiết bị đó thành tiền cả. Cho đến khoảng 6 tháng sau khi mở cửa, mới có 1 khách hàng đặt 3 bộ máy tính 286 cũ. Đúng lúc ấy thì anh Sơn lại đi miền Nam. Tôi và Hoàn phải phân công nhau, người trông cửa hàng, người đi gom các linh kiện còn thiếu, lắp được 3 chiếc máy 286 trong vòng 1 ngày. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi hai đứa tôi chở nhau đi cùng chiếc xe xích lô chở máy đến phố Thi Sách để giao hàng. Trống ngực đập loạn xạ. Thời bấy giờ, máy tính vẫn còn là một tài sản lớn, và việc vận chuyển máy tính ngoài đường không có hoá đơn, không có phiếu xuất kho rất dễ bị quản lý thị trường hỏi thăm. Cuối cùng thì mọi việc cũng suôn sẻ cả. Đó có lẽ là khoản tiền lớn đầu tiên mà chúng tôi kiếm được. Đến bây giờ, khi công ty đã ký được những hợp đồng trị giá nhiều tỷ, nhưng những cảm giác hồi hộp, lo lắng và sau cùng là vui sướng khi công việc hoàn tất ấy vẫn mãi đọng lại trong tôi
Thời gian rảnh rỗi, ngoài những việc liên quan đến máy móc và phần mềm, tất nhiên được dành cho các trò chơi. Nào là Lemming, Viking, rồi sau này là Doom. Bây giờ chắc không còn ai chơi những trò này nữa. Doom được chơi lâu nhất, cho đến tận năm 1997 khi đã chuyển sang 96 Bùi Thị Xuân, thì vẫn còn những buổi trưa chúng tôi hò hét với khẩu hiệu “Kill everything that moves” và lao vào cuộc bắn giết kinh hoàng trên những hành tinh bí ẩn và xa lạ.
Ngồi nhớ lại những ngày xa xưa ấy, tôi không thấy một khoảnh khắc nào mọi người thấy khó khăn hay nản lòng. Tất cả cùng chung một suy nghĩ vì công việc, vì anh em, bạn bè đang cùng mình chiến đấu. Vì vậy, phần dự định viết về những khó khăn ban đầu của tôi đã bị xoá bỏ đi. Không phải không có khó khăn. Thiếu tiền, địa điểm thường xuyên thay đổi, khách hàng nợ tiền chậm thanh toán, máy hỏng không tìm ra nguyên nhân, khách hàng kêu ca, gia đình không hiểu và thông cảm cho công việc…. chỉ là một số trong rất nhiều những khó khăn mà chúng tôi phải thường xuyên đối mặt. Nhưng đọng lại vẫn là cảm giác ấm áp mỗi khi nghĩ đến những ngày ban đầu ấy, và tuyệt nhiên không có bóng dáng của một khó khăn nào khiến chúng tôi phải đau đầu lo lắng.
Nguyễn Sơn Tùng