Tuổi công ty – Đặng Anh Trung
Trước hết xin cám ơn Tinh Vân đã dành cho tôi viết một vài dòng trong sử ký Tinh Vân 25 năm, một thời điểm rất có ý nghĩa trong lịch sử công ty. 25 năm là một quãng đường không hề ngắn, đặc biệt là với một công ty mà nhất là lại trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt nam. Bản thân việc đi qua được một quãng đường như vậy đã là một thành quả đáng kính trọng.
Tôi được làm việc với Tinh Vân từ hai năm về trở lại đây, được quen và thân thiết với nhiều người trong gia đình Tinh Vân, tuy nhiên trong bài này tôi xin phép không viết về từng cá nhân mà xin viết một số điều tâm sự với “Tinh Vân” vì một công ty cũng giống như một thực thể sống, và tuy là sử ký nhưng tôi xin viết thiên về tương lai, bởi vì chúng ta nhớ đến quá khứ là để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.
Ở Nhật bản có kết quả nghiên cứu là thời kỳ thành công, hay nói cách khác, thời kỳ tráng kiện của một công ty kéo dài khoảng 30 năm. Có nhiều lý do, nhưng một số lý do nổi bật là sau 30 năm, sản phẩm, dịch vụ ban đầu không còn phù hợp, vì lãnh đạo không còn sức khoẻ hay nhiệt huyết nhưng lại không có lớp kế tiếp.
Tuy nhiên Nhật bản cũng lại là một nước có khoảng 260 nghìn công ty có truyền thống lâu đời đang hoạt động tốt và có sự tín nhiệm tuyệt đối từ khách hàng, trong số đó có 3000 công ty trên 200 tuổi và 7 công ty có trên 1000 tuổi. Họ đã trải qua sự thay đổi của chế độ xã hội từ phong kiến sang tư bản cũng như trải qua cải cách toàn diện xã hội là duy tân Minh Trị, họ đã trải qua các cuộc chiến tranh mà kết thúc bằng hai trái bom nguyên tử, họ đã trải qua sự thay đổi khốc liệt và kịch tính của thị trường, mà điển hình là cú shock về đồng đô la và dầu lửa năm 1972 và việc “vỡ bong bóng kinh tế” vào năm 1990, họ đã và đang trải qua sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, và họ vẫn “khoẻ mạnh” ( tôi xin không dùng từ “phát triển” ở đây vì “phát triển” chỉ là một tiêu chí và phát triển không có nghĩa là bền vững và phát triển không bền vững đang mang lại rất nhiều hệ lụy trước hết là môi trường sống ở Việt nam nói riêng và thế giới nói chung ).
Có một điều tra bí quyết thành công đối với 4000 công ty lâu đời đó thì thấy một số điểm chung là: họ đều bắt đầu từ gia đình và có triết lý kinh doanh của người sáng lập (đến năm 1890 Nhật bản mới có luật về doanh nghiệp được soạn ra dựa trên luật kinh doanh của Đức và Pháp). 80% các công ty đó hiện nay vẫn có “gia huấn” và khi được hỏi họ coi trọng điều gì nhất trong việc đào tạo nhân viên mới thì kết quả là họ coi trọng đào tạo lý tưởng của công ty nhất, sau đó mới đến việc đào tạo kiến thức nghiệp vụ. Ngược lại với điều đó, một số công ty “không thọ” trả lời là họ coi đào tạo nghiệp vụ là quan trọng nhất, giáo dục lý tưởng công ty chỉ là lý thuyết và làm công ty cứng nhắc và phiền toái.
Nhân đây xin giới thiệu “Gia huấn” của công ty lâu đời nhất của Nhật bản và đồng thời lâu đời nhất thế giới là Kongogumi, thành lập năm 578 về ngành xây dựng và bắt đầu từ việc xây dựng chùa chiền. Công ty này ngày nay vẫn đang hoạt động.
- Hãy làm hết mình các việc chùa (tức là việc công)
- Hãy hạn chế uống rượu
- Đừng làm những gì vượt quá thân thế của mình
- Hãy làm những gì có ích cho mọi người.”
Tôi viết bài này với sự mong muốn Tinh Vân sẽ là công ty 100, 200 tuổi hay hơn thế, hy vọng rằng sẽ có một buổi kỷ niệm sinh nhật 250 năm của công ty và ước gì tôi được tham dự buổi sinh nhật đó.
Chúc gia đình Tinh Vân luôn dồi dào sức khoẻ.
Somewhere in Ho Chi Minh city,
23.6.2019