Hành Trình 1/4 thế kỷ

Câu chuyện chiếc dây chun

Đăng bởi: boss | 6/12/2019

Dạo này trong Tinh Vân ít nghe thấy từ “dây chun”, nhưng các bạn nên nhớ trong một thời gian khá dài, chừng 2 năm từ 1995-1997, “dây chun” là một thuật ngữ chuyên ngành Tinh Vân đã từng được sử dụng rất rộng rãi.

dreamstime_18479395

 

Hình minh họa

Vào khoảng đầu tháng 6/1995,  tôi ra nhập đội Tinh Vân – mà hồi đó có tên gọi là Trung tâm Dịch vụ Vi tính – Computer Service, E6 Thái Thịnh. Ngày ấy tuổi trẻ hừng hực khí thế lắm. Hôm đầu tiên đi làm, tôi được Tuấn – một cậu bạn cùng lớp đại học với anh Tùng bẹt đèo xe máy sang công ty DMP ở phố Giảng Võ để mua mấy đồ linh kiện về lắp máy bán cho khách, theo tôi nhớ là một case máy tính, kèm con main + chip 486DX2/66MHz. Sau đó Tuấn bắt tôi ngồi sau xe ôm case, bỏ main và chip vào giỏ xe rồi lại đi vòng lên công ty CIE trên phố Phan Đình Phùng để lấy thêm màn hình và một vài phụ kiên khác. Phải đi xa vòng vèo thế là vì những thứ này bên CIE rẻ hơn bên DMP mấy giá. Xin nói thêm Bùi Trường Sơn giám đốc DMP khi đó bây giờ mới mở Felix Studio chuyên phát triển App cho Mobile, còn Nguyễn Cảnh Hồng phụ trách bán hàng của CIE hiện nay đã là Tổng giám đốc của Euro Window oai phong lẫm lẫm.

Tuấn bảo: “Anh chịu khó đi lại lấy đồ, về sau còn lấy chỗ quan hệ”. Quả nhiên sau này tôi phải làm việc với hai công ty này rất nhiều, đặc biệt phải mặc cả, ngã giá, và thương thuyết để có thể lấy hàng trả chậm.

Việc duy nhất của tôi hồi đó là ngồi đằng sau xe máy, lúc thì ôm một chiếc màn hình, khi thì vác hai case máy tính. Buổi sáng ngồi sau xe Win của anh Tùng bẹt, buổi chiều ngồi sau xe Bonus của em Thanh tèo. Đồng chí Thanh tèo này hiện là trưởng đại diện EMC ở Việt nam, còn có biệt danh là “thầy dùi Hải phòng”. Những ngày đầu đi làm về đùi vế ê ẩm, xương cốt đau nhừ, áo quần bẩn thỉu nhớp nháp dầu mỡ. Về nhà than thở với vợ, bà xã tôi vừa xoa bóp vừa nhẹ nhàng khuyên thôi cố gắng, những ngày đầu đi làm ai cũng vất vả anh ạ.

Về sau tôi rút được kinh nghiệm, khi ngồi thì chân trái khép chặt song song với khung xe, tay trái ôm xiết bụng người cầm lái, chân phải xoè dạng ra hết cỡ, bàn chân phải đặt vào chỗ để chân vuông góc với khung, thân mình quay vặn đi 60 độ, mặt chếch về phía Bắc, đầu ngẩng cao. Khi đó đùi phải, thân mình và tay phải làm thành một khung đựng đồ vững chãi hết chỗ nói, tốt và chắc chắn còn hơn nếu dùng “dây chun” mà buộc. Mọi người ai đi lấy đồ linh kiện cũng muốn lôi tôi đi theo, phần vì khỏi mất thời gian dùng dây chun mà buộc, phần lại có người trò chuyện mua vui suốt chặng đường. Thuật ngữ “dây chun” ra đời từ khi đó – và cũng từ đó tôi trở thành chiếc “dây chun” chuyên nghiệp của Tinh Vân.

Trong quá trình gần một năm làm “dây chun”, tôi học được nhiều lắm. Nào là anh Tùng béo trên đường Hoàng Diệu – Phan Đình Phùng dạy tôi mấy bài học về lập trình chống virus. Cũng cần nói thêm khi đó chúng ta có sản phẩm STAV (Sơn – Tùng Antivirus) oai trấn giang hồ, tôi cũng có vinh hạnh được tham gia viết module diệt con vius đơn giản nhất, dài 16 bytes bằng ngôn ngữ Assemble bao gồm 2 lệnh so sánh và 2 lệnh nhảy xa. Nào là anh Sơn béo trên đường Lý Quốc Sư – Bà Triệu dạy tôi các khái niệm ban đầu về mã hoá, bảo mật, về khóa công khai và chữ ký điện tử. Nào là anh Hoàn dùng tôi làm “dây chun” chở người yêu của anh bị đau bụng đi khám bệnh… Nói tóm lại, những kiến thức nhập môn tin học của tôi có được đều do các đồng nghiệp yêu quí truyền thụ cho trên đường làm “dây chun” cả.

Một lần tôi đi làm “dây chun” cho anh Sơn béo mua thanh lý của cửa hàng chế bản địa chỉ số 1 Lý Quốc Sư chiếc máy chủ đầu tiên cho Công ty. Theo tôi nhớ thì cấu hình là 486SX/50MHz, 8Mb RAM, mà cái case to quá khổ và nặng kinh hoàng của nó hiện vẫn còn được lưu giữ đâu đó tại kho hiện vật của công ty. Máy nặng quá, dù đã áp dụng đủ các chiêu thức nhưng nó vẫn đè bẹp dí cả đùi tôi, mạch máu trên đùi tắc tị cả, bàn chân phải thiếu máu tê cứng, giần giật… Tôi cố gắng cầm cự, bụng đã định rằng chiều về xin thôi việc, về nhà nằm nghiên cứu khoa học dẫu gian nan những đỡ lao lực. Anh Sơn béo thường ngày vốn vụng nói, bỗng tự nhiên vừa lái xe vừa trầm giọng lên tiếng: “Tô này, anh, Tùng và Hoàn đã quyết định sẽ mời Tô tham gia chính thức, dân chủ, bình đẳng về quyền lợị và trách nhiệm. Cùng tìm kiếm những đam mê và chung sức xây dựng một cái gì đó lâu dài, hay ho, và nói cho to tát thì gọi là sự nghiệp của mỗi người…”.

Câu nói đó quả là rất thuyết phục, và từ đó tôi dốc sức cùng anh em, với tinh thần no đói đùm bọc lẫn nhau xây dựng cái chung đó. Nó đã được định hình dần dần, lớn mạnh từng ngày. Đó chính là Tinh Vân yêu quí, mái nhà chung của tất cả chúng ta ngày nay.

Và tôi thấy được làm “dây chun” cũng thật là thích thú, bổ ích và đáng tự hào vậy thay.

Hoàng Tô