Người Tinh Vân – Ấn tượng buổi ban đầu
Nếu truy cập vào danh sách nhân sự trong phần mềm MIS và chọn trật tự sắp xếp là thời điểm vào công ty thì tên của tôi nằm ở hàng thứ 8. Điều đó có nghĩa là vào ngày mà tôi ghi tên mình vào đội ngũ Tinh Vân, ngày nói dối 1/4/1998, đây đã là một tập thể gồm 7 thành viên. Kể từ đó, sự nghiệp và một phần cuộc sống của tôi gắn liền với những con người Tinh Vân.
Những “cây đa, cây đề” của Tinh Vân
Tôi chia sẻ những thành công và thất bại trên từng bước đường phát triển của mái nhà với mọi người; chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống riêng của mỗi người. Sáu năm qua, những gương mặt đó tuy có già hơn một chút, trông có nhàm hơn đôi chút, nhưng ngày một trở nên thân thiết và gắn bó hơn. Và tôi luôn nhớ ấn tượng những lần gặp gỡ đầu tiên với mỗi người trong số họ.
Tôi gặp anh Tô lần đầu vào một ngày hè oi ả năm 1995, khi anh và chị Vi Ba mới trở về Việt Nam từ nước Nga xa xôi. Hai anh chị đến nhà tôi chơi và muốn nhờ tôi “tư vấn” về tình hình các công ty tin học ở Việt Nam. Ít nhất thì đấy cũng là lý do tôi được nhạc mẫu của anh Tô, vừa là đồng nghiệp với bố tôi vừa là cô giáo của tôi, cung cấp. Tôi đã gặp chị Vi Ba vài lần, còn anh Tô thì đó mới là buổi đầu tiên. Khi đó, anh Tô có mái tóc dài lượn sóng. Với cặp kính cận và làn môi mỏng hơi mím chặt, trông anh phảng phất một nét nào đó của John Lennon vào giai đoạn ca sĩ này theo trào lưu hippie. Lần gặp đầu tiên, bằng vốn kinh nghiệm của một người mới đi làm một năm, tôi say sưa phân tích cho anh chị những điểm mạnh của 3C, điểm hay của FPT, điểm dở khi làm cho Tây, điểm bấp bênh khi làm cho nhà nước. Chị Vi Ba sôi nổi góp chuyện, còn anh Tô thì chỉ im lặng ngồi nghe. Anh không tỏ ý tán thành hay phản đối, gương mặt lơ đãng theo kiểu của một người có phản ứng chậm. Lúc đó, tôi thấy anh giống hệt một nhân vật trí thức vừa bước ra từ một bộ phim thời bao cấp, ngờ nghệch trước tất cả những gì liên quan đến “cơm áo gạo tiền”. Bẵng đi một thời gian, vào khoảng tháng 4 năm 1996, tôi tình cờ gặp lại anh lần thứ hai tại Hội chợ Triển lãm Tuần lễ Tin học tại TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó, anh đã cắt tóc ngắn và làn da cũng rám nắng hơn. Anh nói hiện đang làm việc tại Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về CNTT cùng một số anh em rất giỏi chuyển về từ Viện Công nghệ Vi điện tử. Anh đưa cho tôi một tờ giấy A4 in đen trắng giới thiệu về DEA, một phần mềm mã hóa do nhóm anh phát triển, mà theo anh là mạnh và tốt tương đương với các thương phẩm nổi tiếng của thế giới trong cùng lĩnh vực. Cảm giác của tôi khi đó là một sự pha trộn giữa lòng nể phục những con người tôi còn chưa biết mặt (về sau tôi mới biết đó là anh Sơn và anh Tùng); sự lúng túng vì thấy mình ù ù cạc cạc trong chủ đề này và niềm cảm khái cho những người có tài nhưng không gặp thời. Với những tờ giấy A4 in đen trắng ở giữa một hội trợ huyên náo đầy âm thanh và mầu sắc của multimedia và trò chơi điện tử, trông anh Tô không khác gì một nhà phát hành sách mang cuốn “Tư bản luận” của Karl Marx đi tiếp thị tại một hội chợ truyện tranh. Những lần tiếp xúc sau đó, hoặc do anh thay đổi, hoặc do tôi, mà có lẽ là do cả hai, tôi nhanh chóng nhận ra những nhận xét ban đầu của mình về anh thật phiến diện và ngây ngô. Sáu năm nay, tôi luôn khâm phục khả năng nhận định và xử lý tình huống của anh. Có lẽ tôi cũng không cần phải trình bày gì thêm về một “kẻ mà ai cũng biết là ai đó” nữa.
Tôi gặp anh Quan Sơn và anh Sơn Tùng lần đầu vào một ngày mùa đông năm 1996 tại Văn phòng Ban chỉ đạo, khi anh Tô rủ tôi tới thăm cơ ngơi của các anh. Hôm đó anh Sơn mặc một cái áo bu-dông màu xanh xám, may theo kiểu áo Nato. Thú thực là tới lúc đó, cha mẹ ơi, tôi chưa nhìn thấy một người Việt Nam nào to lớn như anh. Và cũng giống như bất kỳ một người có vẻ ngoài to lớn nào khác, anh Sơn trông thật hiền lành và thân thiện, chân tay có phần vụng về lóng ngóng. Chỉ cần thêm bình mật ong là anh có thể trở thành một bác gấu tốt bụng trong phim hoạt hình Walt Disney. Lúc đó tôi đoán anh hơn tôi nhiều tuổi, nhưng càng về sau tôi lại càng thấy anh trẻ. Dù đã quên những gì đã trao đổi hôm đó, nhưng trong tôi còn nguyên ấn tượng về một anh Sơn rất cởi mở mà thân thiện. So với anh Sơn, anh Tùng có hình dong khác hẳn. Lúc đó anh Tùng trẻ măng, râu ria nhẵn nhụi. Anh Tô giới thiệu anh Tùng không chỉ là một chuyên gia về mạng mà còn là một tay hacker cao thủ. Thú thực, tôi đã rất choáng vì ngay lúc đó, anh Tô cho biết anh Tùng hiện đang truy nhập vào hệ thống máy tính của Tổng cục Thống kê qua đường modem. Các anh quả là một bộ ba thật đặc biệt. Mỗi người đều có một biệt tài riêng và vẻ ngoài phi thường; nếu không được như ba anh em Lưu, Quan, Trương thì chí ít cũng phải tương đương với ba ông Phúc, Lộc, Thọ.
Tôi diện kiến anh Phan Quang Minh lần đầu tại văn phòng công ty Batin khoảng tháng 5 năm 1997. Hôm đó anh Minh cùng anh Tô đến tham quan mạng Vinet tôi đang quản trị. Anh Minh đội một cái mũ lưỡi trai bằng vải bò, vận áo sơ mi kẻ ô bỏ ngoài quần. Do mới ở Nga về nên anh có khuôn mặt trắng trẻo và một làn da mặt mịn màng như da bàn toạ của những em bé quảng cáo sơn Nippon. Nhưng đối lập với khuôn mặt “thỏ non” Vova chính hiệu, anh sở hữu cái bụng của một bậc đại gia. Hôm đó anh ngồi nghe là chính, nói năng ấp úng và dùng từ theo văn phong của một người đã lâu không được thực hành tiếng Việt. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, với tốc độ “nội địa hóa” nhanh hơn bất cứ lộ trình nào do Chính phủ đặt ra, anh đã trở thành một businessman lão luyện, thuộc lòng các “thế võ” của thương trường trong nước và trở thành giám đốc của Tinh Vân giai đoạn 1999-2001.
Với anh Khánh Hoàn, tôi gặp anh lần đầu tại quán cà phê Ảnh trên phố Quán Sứ, khi anh cùng anh Tô nghe tôi dốc bầu tâm sự về công việc, về nhân tình thế thái. Trong số các anh ở Tinh Vân, tôi thấy anh có vẻ đẹp chuẩn mực nhất. Khuôn mặt trái xoan, mái tóc cắt kiểu gì cũng hợp, sống mũi thẳng và cặp mắt rất Giéc-manh, như ai đã từng nói, trông anh khá giống Chánh Tín, tức là cùng có hai mắt một mũi và một mồm. Trong lần tâm sự tại quán cà phê Ảnh, anh Hoàn không nói gì nhiều. Sau này tôi đoán có lẽ anh không dám nói vì quả thực anh không có khả năng nói nghiêm túc quá ba câu liền nhau, mà câu chuyện hôm đó của chúng tôi thì lại rất nghiêm túc. Sau đó, anh còn cùng anh Tô đến nhà thăm bố tôi khi ông từ Nga về, vì anh Tô từng là sinh viên của bố tôi. Nhưng về sau tôi cũng phần nào hiểu ra lý do đó chỉ là phụ, thực chất hai anh đến để “dụ” tôi về Tinh Vân là chính. Tôi cũng có may mắn được dự lễ cưới của anh Hoàn, tại đó, lần đầu tiên tôi được thưởng thức biệt tài vừa đệm đàn guitar vừa hát bằng lời ứng tác tại chỗ của anh. Anh quả là một Tào Thực biết đánh đàn và làm thơ không đúng vần.
Thực sự tôi không còn nhớ chính xác tôi gặp anh Hiệp lần đầu là khi nào. Nhưng tôi rất nhớ buổi chiều chủ nhật, khoảng 3 tuần sau ngày tôi vào Tinh Vân, khi tôi đến công ty để hoàn thành nốt một phần việc dở dang nào đó. Tôi gõ cửa và phải đợi 15 phút mới thấy anh Hiệp và một cô gái, giờ là bà xã của anh Hiệp, luống cuống ra mở cửa. Để tránh sự khó xử, tôi chào và ngồi vào máy làm việc luôn, trong khi anh Hiệp thì bật cho người yêu xem một đoạn phim demo trò chơi AOE (chính xác là như thế). Một lát sau, họ cáo lui. Qua đây, cho em xin lỗi anh Hiệp về sự xuất hiện không đúng lúc hôm đó nhé.
Ngược với anh Hiệp, tôi lại nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi gặp em Phạm Thu Hằng. Hôm đó, tôi cùng một số đồng nghiệp ở công ty Batin tới Tinh Vân dự một buổi seminar trong khuôn khổ hoạt động của câu lạc bộ phát triển phần mềm SWDC. Buổi hôm đó, anh Sơn trình bày về các thuật toán mã hóa. Em Hằng ngồi sau bàn, tóc dài ngang vai,, không ngẩng lên và mắt cũng không hề liếc ngang. Hôm đó em Hằng mặc một cái váy dài hoa lấm tấm mầu nâu nhạt rất hợp với làn da của em. Trông em dễ thương đến nỗi mà Tô Bá Toàn Thắng, đồng nghiệp của tôi lúc đó, quyến luyến đến mức cứ lâu lâu lại phải kiếm cớ để qua trụ sở Tinh Vân thăm “các anh bên nớ” một lần. Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại em ở Triển lãm Tuần lễ Tin học (ở Giảng Võ, khi em đang cùng một anh nào đó đứng phát tờ rơi quảng cáo cho Software Center. Lần này thì tôi được ngắm em một cách chính diện. Và tôi đã phải phân vân rất lâu để xác định xem đấy có đúng là cô bé mình gặp lần trước không. Tất cả chỉ vì cặp mắt xếch mà lần đầu tôi đã không nhận ra, cặp mắt đã khiến LongPC, vốn là một tay bơi lội khét tiếng, phải chết đuối trong đó. Anh nói thế có đúng không Long?
Tôi còn muốn kể rất nhiều về những người Tinh Vân khác, những người tới sau tôi. Với mỗi người, không nhiều thì ít, tôi đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Và tôi luôn hy vọng trong hồi ức của mọi người, tôi cũng được lưu lại với những ấn tượng đẹp như thế.
Phạm Thúc Trương Lương (2004)