Nhật ký miền Nam
“Dẫu kết quả có thể chưa như mong muốn, nhưng mình cũng tự hào đã đóng góp sức lực của mình, với toàn bộ tâm huyết và nhiệt tình, vào sự trưởng thành và phát triển của Tinh Vân phía Nam.”
Ngày… Thế là đã tới nơi. Để lại vợ cùng đứa con vừa vào lớp 1, đứa nhỏ mới hơn tháng tuổi, mình đã lên đường “Nam tiến”, theo yêu cầu cấp thiết của công việc. Vẫn biết là sẽ có người ra đón, nhưng chẳng thể ngờ lại đông đến thế. Biết mặt mỗi HiệpPH, còn ThuVT, PhượngLU, ĐanCH, TrungPP… đều chỉ nghe nói. Chỉ muốn đến Văn phòng thật nhanh, nơi mà Tô và Hoàn đã mô tả như một dấu lặng giữa Sài Gòn nhộn nhịp phù hoa, chỗ gần với tòa soạn “Chó chết chẹt” của Phùng Tất Đắc. Và rồi ngõ nhỏ Ngô Văn Năm đã hiện ra trước mắt. Cứ ngỡ đã đến nơi này một lần nào đó, lâu lắm rồi, từ khi còn chưa biết đến Sài Gòn. Êm ả, tĩnh lặng quá. Căn phòng nhỏ với những chàng trai, cô gái đặc chất miền Nam, mến khách, nhiệt thành. Sự làm quen không chiếm nhiều thời gian, bởi chất Tinh Vân như đã hòa nhập với mọi người từ lúc nào không rõ.
Anh Phan Quang Minh – Giám đốc Tinh Vân chi nhánh TpHCM
Ngày … Những ngày làm việc căng thẳng. Thời gian biểu được tính từng phút. Những buổi gặp gỡ khách hàng. Những cuộc demo phần mềm. Những bữa cơm trưa vội vã. Mình đã bị cuốn vào cái nhịp sống gấp gáp của Sài thành mất rồi. Mà cũng chẳng thể khác được. Văn phòng mới thành lập, có biết bao việc phải làm. Các mối quan hệ cần thiết lập, phương hướng hoạt động của Văn phòng, nhất là khi ở bên cạnh không có những chiến hữu đầy kinh nghiệm như ngoài kia. Có những hôm còn phải bắt tay vào sửa code. Về đến nhà trọ bao giờ cũng chỉ có lăn ra giường làm một giấc. Chẳng biết bao giờ mới thực hiện được việc đánh cầu lông, như đã hẹn với hội anh Khánh, anh Giang. Cả văn phòng cũng đã quen với cường độ làm việc cao. Và nếu không có những buổi tối đi ăn bánh canh, lẩu cá kèo cùng tất cả mọi người, thì chẳng hiểu làm sao có thể tiếp tục tồn tại để làm việc nhiều như thế.
Ngày … Thế là đã hết năm cũ. Ngày cuối năm, trùng với sinh nhật Kiều Thu, cả hội đi ăn, rồi cùng vào hát Karaoke. Sự có mặt của Phương và anh Khánh làm cho cuộc vui càng thêm phần rôm rả. Bánh cuốn Trảng Bàng ở Thanh Đa đã làm cho dạ dày mọi người căng cứng. Vào quán hát, mọi người lại giành nhau micro. “Riêng một góc trời”, không ngờ lại nhiều người thích đến thế. Anh Khánh thì mượt mà với những bài ca về Huế. Kiều Thu thể hiện chất giọng tuyệt vời của mình qua ca khúc “Đường Xưa”. Phải công nhận Thu hát hay, mình cứ ngẩn người, vì giống ca sỹ “xịn”. Mình giành trọn 100 điểm khi thể hiện “Trái tim không ngủ yên”. Đan cũng máu hẳn lên khi hát những bài hát tiếng Anh. Chỉ có Phan Trung là hiền lành, bẽn lẽn từ chối không hát. Những buổi hát Karaoke là thành phần không thể thiếu của Văn phòng miền Nam, giúp làm dịu đi cái căng thẳng, có chức năng giải tỏa, cho mọi người được sống hồn nhiên với chính bản thân mình. Không biết đã ai nghĩ đến việc trao giải thưởng cho tay người Nhật nghĩ ra trò này chưa nhỉ?
Ngày … Thế là đã sang ngày thứ tư kể từ khi bắt đầu chuyến công cán miền Trung. Mình và Nam Trung đi tàu ra Phú Yên. Thức cả đêm để chuyển đổi dữ liệu. Tiếp đó là Bình Định, rồi Nha Trang. Chỉ trong bốn ngày, hai đứa đã đi một quãng đường không ngắn chút nào. Áp lực công việc đã khiến cho mình và Nam Trung không được vui vẻ lắm, dẫu rằng bãi biển Quy Nhơn, rồi Nha Trang đẹp đến nao lòng. Chẳng có thời gian để dạo chơi trên bãi biển, như vẫn thường tưởng tượng mỗi khi nghĩ đến nơi đây. Thời gian phụ trách Văn phòng miền Nam đã đưa mình trở thành người được đi nhiều nhất trong công ty. Từ Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, đến Tiền Giang, Cần Thơ, rồi đến chuyến đi này. Sẽ chẳng bao giờ mình có thể quên được những chuyến đi công tác “thần tốc” đó. Có lần, bốn người đi công tác Tiền Giang trên chiếc ô tô không-có-kính-không-phải-vì-xe-không-có-kính của Kiều Thu, mà lúc mưa xuống, cả lũ ướt như chuột. Mãi đến giờ cũng không hiểu sao mình có thể liều lái một chiếc xe như vậy trên một quãng đường xa đến thế. Và chiếc Dream tàu do Tô và Hoàn sắm cũng đã mấy lần loạng choạng dưới chân cầu Sài Gòn sau khi dính đinh do chính mấy người vá xe rải ra để “kích cầu” cho dịch vụ của mình.
Ngày … Sau một buổi trình diễn phần mềm, cả văn phòng kéo qua nhà Hào Hiệp. Người miền Nam hiếu khách! Mình đã được biết từ lâu, nhưng chỉ đến đợt công tác này, mình mới cảm nhận rõ nét điều này. Những bữa ăn trưa, những lần đi công tác, những chuyến ăn, chơi, mình luôn nhận được sự nhiệt tình của những người bạn phương Nam. Văn phòng phía Nam có một người mẹ chung: đó là má của Hiệp. Người mẹ Huế đó thật sự tiêu biểu cho những người mẹ Việt Nam hiền hòa, đôn hậu và thương yêu con cùng bạn bè của con hết lòng. Mỗi lần má đi đâu về, hoặc mỗi lần người Văn phòng Hà Nội trở ra Bắc, là một lần mọi người được nhận quà của Má. Những buổi đi làm muộn về nhà Hiệp, hoặc như hôm nay, cả lũ đều được ăn no và ngon những món ăn Huế. Rồi những cốc nước mát tự tay Má rót mỗi khi chúng con ghé qua nhà trong một ngày nắng nóng… Tất cả những điều đó đã khắc sâu trong tâm trí những người con Hà Nội. Cám ơn Má nhiều, Má ơi!
Ngày … Hôm nay Hoà Thượng Tích Thanh Từ sẽ thuyết pháp lần cuối tại Thiền viện Thường Chiếu trước khi nhập thất. Hòa vào dòng người đông đúc nhưng trật tự, mình như một Phật tử tìm đường về Đất Phật. Bỗng bất ngờ em hiện ra trong bộ đồ nâu sòng, ấn tượng quá! Ở em toát lên một sự thanh khiết, trong sáng. Và những kiến thức về Phât Giáo, về Thiền của em khiến mình phải thán phục. Hành trang trong những chuyến đi công tác, bao giờ cũng có những cuốn sách về Thiền của em và những cuốn sách đó có lẽ sẽ vẫn nằm ở chỗ trang trọng trên giá sách của mình khi trở ra Bắc. Em là một người đã có ảnh hưởng ít nhiều đối với sự thay đổi trong tính cách của mình.
Ngày… Hôm nay là sinh nhật mình. Đã lâu lắm mới có một lễ mừng sinh nhật “hoành tráng” đến thế. Một trong những cái được của mình trong thời gian công tác miền Nam, ngoài công việc, đó là được gặp lại họ hàng và nhất là bạn bè, những người đã một thời gắn bó trong những năm du học xứ người. Ngoài Văn phòng miền Nam và một vài người bà con, hơn 20 người bạn từ thuở sinh viên đã tụ tập với nhau. Giữa mùa hè Sài Gòn lại được thưởng thức Shashlức – món thịt nướng đặc trưng của nước Nga, Salát Nga, rượu Vodka Nga cùng những bài hát Nga quen thuộc một thời. Những xâu chả nướng tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Cả hội như quay ngược thời gian hơn mười năm về trước, khi còn là những cô cậu sinh viên lần đầu xa nhà bỡ ngỡ nơi đất lạ. Rồi những ngày lăn lộn kiếm sống giữa mùa đông lạnh giá tuyết phủ kín trời… Tất cả những kỷ niệm một thời ùa về, sống động. Quân lại ôm ghi ta nghêu ngao hát như thuở còn “tán” Hằng. “Khói thuốc lá bạc hà …” (tên một bài hát Nga quen thuộc) như lan tỏa, quanh quẩn đâu đây. Trong hội có Hóa làm Guide cho người Nga, nên vẫn nói và hát được nhiều bài tiếng Nga nhất. Tan cuộc vui, cả hội vẫn thấy lâng lâng, xao xuyến trong lòng.
Ngày … Càng gần đến ngày về, nỗi nhớ nhà càng day dứt. Lại một lần nữa mình chưa làm tròn bổn phận của người bố. Lần trước, khi cu Trí vừa tròn tháng tuổi, mình đã quay sang Nga, “cày” nốt một năm còn lại. Và đến bây giờ, khi Anh Thơ mới được mấy tháng, mình cũng lại vào Nam “chiến đấu”. Dẫu kết quả có thể chưa như mong muốn, nhưng mình cũng tự hào đã đóng góp sức lực của mình, với toàn bộ tâm huyết và nhiệt tình, vào sự trưởng thành và phát triển của Tinh Vân phía Nam.
NỖI NHỚ
Tặng các con yêu dấu.
Công việc nhiều khiến bố chẳng nhớ con
Cả hai đứa, giờ ra sao rồi nhỉ?
Con khóc đêm, có còn đòi bú tí
Thằng cu đầu, đi học có ngoan không?
Hà Nội giờ chắc đã vào đông?
Buổi sáng lạnh, con có còn ho nữa?
Bố mong về, để mà còn pha sữa
Đỡ phần nào cho mẹ được ngủ yên
Có những khi tỉnh giấc lúc nửa đêm
Bỗng đau nhói ở trong lòng – NỖI NHỚ.
Ngọn đèn khuya, câu thơ còn dang dở
Nỗi nhớ vô tình chìm trong giấc ngủ say
Chiều Sài Gòn, mưa bỗng lất phất bay
Như mùa Xuân ở đâu vừa chợt tới,
Muốn nhờ mưa đem theo lời nhắn gửi
Nỗi nhớ âm thầm, cứ chợt đến chợt đi.
Phan Quang Minh